09/03/2017 09:00 GMT+7

Chồng dạy võ cho vợ

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Ở Lữ đoàn đặc công nước 126 hải quân có không ít cặp vợ chồng đều trong quân ngũ. Vừa là vợ chồng, đồng đội, họ âm thầm hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ và giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Thượng úy Phạm Thị Hà thường xuyên được chồng - đại úy Hoàng Thái Dương - hỗ trợ luyện tập võ thuật - Ảnh: Ngô Trung Kiên
Thượng úy Phạm Thị Hà thường xuyên được chồng - đại úy Hoàng Thái Dương - hỗ trợ luyện tập võ thuật - Ảnh: Ngô Trung Kiên

“Anh ở ngoài nhà giàn thì thôi, mỗi lần về bờ anh đều tranh thủ “ghi điểm”, giúp vợ làm việc nhà, đón con, dạy con học... Như vậy là mình hạnh phúc rồi

Đại úy NGUYỄN THỊ MINH

Trong đội hình những xạ thủ của Lữ đoàn 126, thiếu tá Trần Thị Nguyệt là xạ thủ chuyên bắn trình diễn, còn chồng là nhân viên kỹ thuật.

“Cặp đôi hoàn hảo”

Thiếu tá Trần Thị Nguyệt bảo thời gian đầu mới tập bắn súng, đồng đội hỗ trợ chị rất nhiều, đặc biệt là chồng chị - cũng là một sĩ quan: đại úy Vũ Duy Tuấn, nhân viên kỹ thuật Lữ đoàn 126. Mỗi lần vợ tham gia bắn trình diễn, anh là người phát đạn cho vợ bắn.

Chị Nguyệt kể: “Mình nhập ngũ 24 năm nhưng mới có 6 năm huấn luyện bắn súng chuyên dụng của đội đặc nhiệm chống khủng bố. Lúc đầu mới cầm viên đạn đã run rồi, chưa nói bắn. Mình không biết cách lấy đường ngắm, bắn không chính xác, có lúc nản lắm.

Chồng mình học chuyên ngành vũ khí đạn nên các thao tác sử dụng tháo lắp súng, tư thế như thế nào... anh nắm rất chắc. Ngoài giờ tập ở đơn vị, tối về nhà cái gì không biết thì hỏi chồng. Nhờ vậy mà mình tiếp thu cũng nhanh hơn”.

Thời gian một ngày của chị bắt đầu từ rất sớm, 3h30 chị đã phải dậy, 4h kém vào đơn vị. Anh thì phải trực đêm. Có thời điểm cùng lúc hai vợ chồng phải làm nhiều nhiệm vụ, nhiều việc chồng chéo nhau. Chị kể lúc cao điểm, chị phải tập liên tục hai tuần, mỗi ngày 8 tiếng.

Trong nhiệm vụ, có lúc phải tập trung toàn lữ đoàn như khi có cấp trên đến làm việc hoặc các đoàn kiểm tra tới đơn vị, chị tham gia bắn trình diễn, còn anh thì phụ trách đạn nên cả hai phải có mặt cùng thời điểm trong đơn vị. Rồi chị còn làm công tác phụ nữ của lữ đoàn, nhiều tối đi hát hò, tập văn nghệ đến khuya mới về.

“Anh chịu khó lắm. Vợ bận việc cơ quan là ở nhà anh lo hết. Anh không bao giờ nặng nhẹ một lời mà luôn động viên vợ. Nhiệm vụ mỗi người có đặc thù riêng. Nhưng vì hai vợ chồng mình cùng ngành nên hiểu, dễ thông cảm hơn” - chị mỉm cười nói.

Khó khăn nhất là năm 1999, con gái đầu mới gần 2 tuổi, anh Tuấn đã đi đảo, hơn một năm sau hết ca mới về.

“Ở nhà mình làm một lúc nhiệm vụ cả bố lẫn mẹ. Có chuyện gì mình cố gắng khắc phục chứ không than thở, khóc lóc với chồng. Mình hiểu được vất vả của anh, chỉ muốn anh an tâm làm nhiệm vụ” - chị Nguyệt tâm sự.

Chồng dạy vợ tập võ

Vợ chồng thượng úy Phạm Thị Hà và đại úy Hoàng Thái Dương cũng là một “cặp đôi hoàn hảo” của Lữ đoàn 126.

Chị Hà là nhân viên nấu ăn, thành viên của đội võ thuật và bắn súng. Còn đại úy Hoàng Thái Dương là chiến đấu viên trong đội đặc nhiệm chống khủng bố.

Chị mới tham gia luyện tập võ thuật được 3 năm. Thời gian đầu mới tập võ, về nhà anh lại giúp chị tập những động tác khó cho đến khi vợ thuần thục. Cái gì còn thắc mắc, chị hỏi chồng ngay.

Có lúc anh nghiêm khắc, bắt vợ rèn thể lực bằng cách hít đất hàng chục lần, đeo bao cát, bắt đu xà, tập đấm đá vào bao cát cho khỏe tay, khỏe chân.

Tối nào thư thái thì tập nửa tiếng đồng hồ. Khi anh bận thì tranh thủ trao đổi chỉ mươi phút, anh lại vào đơn vị trực đêm. Mỗi lần chuẩn bị thi đấu cấp quân chủng hay toàn quân, anh lại là “sư phụ” của vợ.

Có lúc chị phải lên Hà Nội 20 ngày luyện tập chuẩn bị thi đấu cấp toàn quân, anh ở nhà lo chu toàn hết mọi việc gia đình để chị an tâm: cơm nước, lau dọn nhà cửa, đưa đón con đi học...

Nhờ sự ủng hộ của chồng, chị Hà vừa hoàn thành tốt vai trò một “chị nuôi” của đơn vị, vừa là một gương mặt chủ lực trong đội võ thuật lữ đoàn tham gia các cuộc thi cấp quân chủng và toàn quân.

Thượng úy Phạm Thị Hà vừa nhận danh hiệu “Nhân viên nấu ăn nuôi quân tiêu biểu xuất sắc nhất quân chủng năm 2016”.

Cũng ở trong ngành, cùng đơn vị nên đại úy Nguyễn Thị Minh (nhân viên thông tin Lữ đoàn tàu tuần tiễu săn ngầm 171) dễ dàng chia sẻ hơn những vất vả của chồng (thiếu tá Lê Hữu Toàn - nhân viên radar của nhà giàn Huyền Trân DK 1/7). Từ năm 1998 đến nay, chỉ có một năm anh đi tàu chiến. Tất cả thời gian còn lại, anh đều công tác biền biệt ở Nhà giàn DK1.

Chị Minh tâm sự: “Khó khăn nhất là khi con còn nhỏ, hay đau ốm, sức của người đàn bà một mình không làm nổi, không tránh khỏi tủi thân. Không có chồng bên cạnh, người phụ nữ phải mạnh mẽ hơn rất nhiều”.

Đội “phản ứng nhanh”

Đại úy Nguyễn Thị Minh cho biết vợ chồng cùng là bộ đội, kỷ luật đơn vị rất nghiêm. Giờ giấc của cả hai đều gò bó, nhất là những dịp lễ tết, quân nhân phải vào đơn vị trực đêm.

“Hồi bé thứ hai nhỏ quá thì đi với mẹ vào đơn vị. Con trai lớn ở nhà, có bạn qua ngủ cùng. Giờ hai đứa đã lớn, anh em ở nhà tự trông nhau. Có lúc vợ chồng cùng đi trực đêm, trực sẵn sàng chiến đấu đảm bảo quân số, mạnh chồng chồng chạy, mạnh vợ vợ chạy. Con tự thích nghi. Vợ chồng cứ gọi đùa cả nhà mình là “đội phản ứng nhanh”” - chị cười bảo.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên