08/03/2017 11:57 GMT+7

'Chị em ta' cũng có nhu cầu vui mà

TRÂN CHÂU
TRÂN CHÂU

TTCT - Dưới mắt nhiều người, hình ảnh phụ nữ tham gia một số hoạt động là bất thường, trong đó tiếp khách ăn nhậu rất khó coi.

Minh họa: Ry Nguyễn
Minh họa: Ry Nguyễn


Họ mặc nhiên xem chuyện ung dung cụng ly chúc tụng là đặc quyền riêng của cánh mày râu, như thể phụ nữ được tham gia việc cơ quan là ưu ái lắm rồi, tan tầm phải lật đật về lo đón con, nấu nướng, dọn dẹp... vốn là chức năng muôn thuở phận đàn bà.

Phải chăng họ khó chịu khi phụ nữ cũng ngồi bàn hào hứng, thế thì ai quán xuyến trong ngoài cho các ông thong dong thâu đêm suốt sáng?

Sai từ đâu?

Nếu cho rằng nữ nhân viên đi tiếp khách là sai, thì cái sai đầu tiên là tại sao phải tiếp khách lu bù một cách thiếu minh bạch vậy?

Tiệc tùng ê hề, mấy ai ăn mà chỉ toàn uống rồi về... ói mà thôi. Tiệc tùng thừa mứa lấy cớ giao lưu để tiện gửi... quà (phong bì) và cánh ăn theo có dịp tào lao nịnh sếp.

Do đó người tham gia tiệc dù nam hay nữ đều đang bán rẻ “bộ đồ lòng” cho ma men cả. Cái sai này đâu của riêng ai!

Chúng ta thấy đó, từ lớp học mầm non của con đến phòng ban của bố đều được bố trí cả nam lẫn nữ, điều này tạo sinh khí hoạt động sôi nổi, bên cạnh tính tương trợ, sự chỉn chu do mắc cỡ với người khác phái... càng giúp mọi người nghiêm túc trong công việc, bớt tính cẩu thả, xuề xòa nếu chỉ có phe mình với ta.

Như vậy, bàn tiệc thêm sự tham gia của những bóng hồng ắt hẳn vui nhộn hơn, đồng thời tiết chế hơn. Tại sao trong công việc nữ cũng phải làm và tính lương công bằng mà khi vui vẻ ăn uống lại bỏ quên họ?

Phải chăng các anh muốn lưu giữ mãi hình ảnh dịu dàng của quý bà, quý cô mà o ép họ vào khuôn phép tươi xinh và thùy mị, không được ăn uống quán xá thoải mái như mình?

Các ông không muốn vợ mình đi nhậu dù có “lý do chính đáng, hợp pháp” và biết giữ mình, nhưng các ông vẫn thích có hoa thơm cỏ lạ đu đưa lúc khề khà, sau đó rất dễ phát sinh tăng hai, tăng ba...

Phải chăng quý ông mất tự nhiên bộc bộ bản năng khi ở cạnh phụ nữ đoan chính và lo sợ một ngày người đàn bà của mình cũng ngả nghiêng theo men say cùng ai đó?

Sao cho vẹn đường?

Đừng tưởng việc tiếp khách chỉ phổ biến ở các doanh nghiệp, ngay cả cơ quan nhà nước như công an, trường học, bệnh viện... thì nhân viên nữ cũng được “trui rèn chiến đấu” với rượu bia. Ngày còn là giảng viên cơ hữu của một trường cao đẳng nọ, cứ chiều nào hiệu trưởng rỗi rảnh lại tụ tập anh em ăn uống.

Nếu hiệu trưởng đi công tác lâu ngày thì hiệu phó/trưởng phòng kế hoạch tài chính/trưởng khoa... sẽ gánh vác nhiệm vụ này. Hôm nào có khách ngoài bộ vào, trường sẽ điều tiết vài nữ giảng viên bổ sung cho đẹp đội hình. Tuy nhiên, chỉ nhậu vui mà thôi dù đôi khi tế nhị tránh né những cái huơ tay bất chợt...

Đứa em gái làm công an ở tỉnh nọ khi chuẩn bị nhận việc, sếp cười cười hỏi: “Có uống được không? Tập cho tốt nhé, ở đây nhậu cũng là công việc!”.

Khi em kết hôn với người cùng đơn vị, sếp chúc mừng: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ... nhậu”. Lúc em gái sinh con, sếp đến thăm, vỗ vai động viên “Cố thu xếp giao ban... quán xá đều với anh em nha”.

Bà chị họ là bác sĩ ngoại khoa một bệnh viện lớn bảo rằng đồng nghiệp thường kháo nhau “Không uống rượu sao có thể chữa cho người say xỉn”, nên ngoài giờ làm nữ bác sĩ cũng được quyền... say hợp pháp khi cùng tiếp khách với sếp của mình.

Đứa cháu gái mơn mởn mới đi làm hai năm mà tửu lượng tăng nhanh hơn cả thâm niên, ăn cơm khách thường xuyên đến khuya mới về. Mỗi lần cha mẹ mắng nó lại lè nhè “Tửu lượng không tăng làm sao thăng tiến”.

Quả thật nó đã tiến từ vị trí thư ký sang trợ lý, hứa hẹn tháng tới phụ trách thêm mảng truyền thông của doanh nghiệp, dự kiến cuối năm công ty sẽ tách phần truyền thông khỏi phòng marketing và nhỏ cháu sẽ nhận chức trưởng phòng luôn.

Tôi khuyên nhủ rằng chiếc ghế hình thành từ men say dễ nhanh “bốc hơi” mất thôi, chắc chẳng soái ca nào chịu rước gái say về hầu rượu đâu. Cháu trần tình chỉ cố nhậu khách khứa la cà thời gian ngắn nữa, xem như kiếm chút vốn lận lưng trước khi tu chỉnh.

Xu hướng chung của các “bợm”: vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, không vui, không buồn cũng nhậu. Song phải thừa nhận nhậu là vui.

Nên hà cớ gì ngăn cản phụ nữ nhậu chút xíu cho đời thêm vui, nhất là nhậu tiếp khách với sếp thì càng chính đáng một công đôi việc. Khi ngà ngà hình như trông ai cũng lung linh dễ mến, vậy là vui rồi!

Vấn đề là nhậu như thế nào mới quan trọng, nhất là phụ nữ dù muốn hay không vẫn còn khối việc chờ mình ở nhà, dù bất cần đến mấy vẫn phải giữ gìn hình ảnh cho con cái trông theo, và đương nhiên đàn bà yếu mềm càng phải giữ gìn sức khỏe để chăm lo cho mẹ già con dại...

Lâu rồi tôi rất ít tham gia tiệc tùng với cơ quan, tiếp khách lại càng hiếm hoi vì quá bận bịu con nhỏ. Vả lại, cho rằng nhậu là vui nên càng không đang tâm vui một mình trong khi bọn nhóc ngóng đợi ở nhà.

Cũng từ đấy, công viêc giẫm chân tại chỗ cùng sự loanh quanh cơ quan - chợ búa - con cái - về nhà. Nhiều hôm đi làm nghe mấy em gái trẻ bàn tán chuyện tối qua bù khú với khách khứa, chúng vui đùa rôm rả, biết thêm nhiều việc, vỡ ra nhiều thứ, và cũng thân nhau hơn... bỗng chạnh lòng cảm thấy mình quá lạc lõng, xa rời tập thể...

Thỉnh thoảng bắt buộc phải tham gia tiếp khách thấy mình lại sống động như ngày xưa, dẫu vẫn chỉ đảm nhận nhiệm vụ “phá mồi” là chính. Tàn tiệc vội về bù đắp cho con mấy giờ vàng ngọc đã rơi vào bia rượu...

TRÂN CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên