06/03/2017 11:45 GMT+7

Cô gái Quảng Ngãi đi bán muối sạch ở Sài Gòn

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Tôi đi bán muối là muốn xã hội trả lại công bằng cho muối” - Phạm Hồng Thắm xúc động trước hình ảnh diêm dân “bán mồ hôi kiếm bạc lẻ” trên đồng muối.

Khởi nghiệp táo bạo từ muối, sau một năm Thắm đã nhận lại nụ cười - Ảnh: T.Mai
Khởi nghiệp táo bạo từ muối, sau một năm Thắm đã nhận lại nụ cười - Ảnh: T.Mai

Trên các diễn đàn về thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ ở Việt Nam, cái tên muối SAHU không còn xa lạ. Người đưa muối lên kệ thực phẩm sạch ấy là đứa con của đồng muối Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) Phạm Hồng Thắm.

Những hình ảnh diêm dân “bán mồ hôi kiếm bạc lẻ” trên đồng muối được Thắm nhắc đến nhiều nhất. Cô bảo: “Nếu vì tiền thì với tấm bằng Đại học Kinh tế - luật TP.HCM tôi có thể an phận làm một công việc ở TP.HCM. Tôi đi bán muối là muốn xã hội trả lại công bằng cho muối. Tại sao muối lại rẻ rúng dù ai cũng dùng mỗi ngày”.

Trả lại công bằng cho “vàng trắng”

Một năm qua, cô gái trẻ có nụ cười tỏa nắng này đã có những chuyến “chinh nam, phục bắc” thương thảo đơn đặt hàng.

Trong buổi nói chuyện với khách hàng, Thắm lấy từ balô ra hai bịch muối. Đó là hành trang không thể thiếu của cô gái trẻ này trong mỗi chuyến đi. Thắm tâm sự: “Giờ đó là cuộc sống của tôi rồi”.

“Một ý tưởng khởi nghiệp táo bạo và thiết thực. Nhìn cách cô gái hành động có thể thấy được sự quyết liệt của một người trẻ. Những người làm lãnh đạo như chúng tôi rất cảm ơn những người trẻ như Thắm

Ông TRẦN EM ​(chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi)

Kể về lý do chọn muối để khởi nghiệp, Thắm nhớ lại tuổi thơ của mình cũng như bao đứa trẻ Sa Huỳnh lớn lên cùng tiếng cười giòn tan trên đồng muối. Khi còn ngồi trên ghế giảng đường, nghe giá muối rớt thảm hại chỉ còn 300 đồng/kg, Thắm đặt hàng loạt câu hỏi cho cô chú ở quê sẽ sống như thế nào với giá muối đó. Cô đã bất lực khi không tìm ra câu trả lời cho mình.

“Hay là mình đi bán muối” - Thắm tự hỏi khi cầm tấm bằng đại học trên tay với nhiều công việc đang chờ mình.

Thắm bắt đầu thực hiện ý định bằng cách tham gia cùng những người trẻ khởi nghiệp ở TP.HCM để học hỏi tinh thần khởi nghiệp và trở lại đồng muối gặp diêm dân để nghe “giáo huấn”.

Khi cô đưa ra ý tưởng, ai cũng nghĩ chỉ có thất bại. Nhưng Thắm đã dùng lý lẽ để bảo vệ ý tưởng “điên rồ” của mình.

Tháng 10-2015, Thắm bán được những ký muối đầu tiên ra thị trường và sau một năm, gần 50 tấn muối được hơn 20 cửa hàng thực phẩm sạch trên toàn quốc liên hệ đưa vào kệ thực phẩm sạch cung ứng cho người tiêu dùng.

Thắm bảo một năm qua cô không có một đồng lời dù muối trắng có giá 16.000 đồng/ký, muối hầm 52.000 đồng/kg. “Nói không ai tin nhưng đó là sự thật dù mỗi ký muối tôi mua của diêm dân chỉ 2.000 đồng” - Thắm tâm tình.

Thắm giải thích đầu tiên là phải hợp đồng với người dân, làm muối theo quy trình thủ công xa xưa với phương thức sạch nhất, chi phí này rất tốn kém bởi đó là sự thay đổi ý thức của diêm dân. Tiền làm xưởng hầm muối, tiền vận chuyển rồi đi lại khắp nơi trao đổi với đối tác. Còn phải đi học để quảng bá sản phẩm. Làm sao để sau này bán được thật nhiều.

“Cho đến giờ tôi vẫn tay trắng như khi bắt đầu đi bán muối. Tài sản lớn nhất là những chuyến đi và giá trị của bản thân” - Thắm trải lòng.

Khẳng định giá trị của muối

50 tấn muối ấy là quá ít so với hàng trăm nghìn tấn muối đang ùn ứ trên những đồng muối khắp cả nước. Nhưng nền móng của một “ngôi nhà” đã hình thành, với những điều kiện cần cho một thương hiệu muối trong tương lai. Một đầu ra bền vững cho ngành muối là hướng đi trong cuộc phiêu lưu khởi nghiệp của Thắm.

“Tôi muốn người dân sống được với nghề muối, giá muối Việt Nam phải về đúng vị trí vốn có của mình. Với những tìm hiểu của tôi thì chỉ cần đầu tư công nghệ, hướng dẫn người dân canh tác tại Việt Nam có thể làm được muối y tế thay vì phải nhập cả trăm nghìn tấn mỗi năm như hiện nay” - Thắm nói.

Giờ Thắm không còn đơn độc nữa. Đã có nhiều người trẻ khởi nghiệp liên hệ, cùng nhau phát triển một thương hiệu muối, tạo đầu ra bền vững cho muối.

“Tôi không dừng lại ở muối tự nhiên và muối hầm, mà còn phải đa dạng sản phẩm, nghiên cứu hợp tác cùng nhiều người làm những sản phẩm khác nữa” - Thắm dự tính.

Cách đây chưa lâu, Thắm đã tăng giá bán muối SAHU ra thị trường. Lý giải việc làm này, bạn bảo rằng giảm giá để kích cầu thì dễ, làm cách nào giá muối cao mà người mua vẫn tin dùng mới là giỏi.

Cho đến giờ Thắm đã thành công khi thuyết phục được người mua chấp nhận sử dụng dù giá muối cao. Thắm không chỉ làm “cuộc cách mạng về giá” mà còn cả về cách thức canh tác, hướng ra thị trường và lấy lại giá trị cho muối.

Cùng với việc lo cho muối, Thắm vẫn theo học tiếng Anh, học marketing để phát triển thương hiệu muối SAHU, đưa muối tiến vào siêu thị, tiếp đó là giấc mơ ấp ủ đưa muối Việt Nam cạnh tranh với những loại muối khác trên thế giới.

Thắm nói thêm sẽ đăng ký thương hiệu, làm việc với chính quyền, diêm dân có một quy trình làm muối không lẫn tạp chất, rõ nguồn gốc, minh bạch thông tin.

“Không gì là không thể làm, nhất là bây giờ tôi đã có bạn đồng hành” - Thắm nói.

Nỗi lo của Thắm

Thêm một nỗi lo của Thắm là diêm dân đang dần bỏ nghề mà không có cách gì ngăn cản được. Thắm đã đi đến hết các vựa muối ở Việt Nam. Đến đâu diêm dân cũng than khổ, cũng nghe chuyện bỏ nghề và một cuộc “di cư” của người trẻ rời khỏi đồng muối đi tìm kế sinh nhai ở các thành phố lớn.

“Với giá muối rẻ rúng như hiện nay, rồi sẽ đến một ngày người dân bỏ nghề hết. Lúc đó sẽ thế nào nhỉ” - Thắm nhìn xa xăm và bỏ lửng câu nói.

Thời khắc ấy, trên khuôn mặt hay cười của Thắm đã hiện lên nhiều nỗi lo lắng và Thắm vẫn đang tìm câu trả lời...

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên