21/02/2017 08:39 GMT+7

Sàng lọc để không bỏ sót người tài

HỮU KHÁ
HỮU KHÁ

TTO - Sau bài trao đổi “Đừng lo cán bộ trẻ làm hư bột hư đường” với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh trên Tuổi Trẻ ngày 20-2, nhiều bạn trẻ kỳ vọng đề án đột phá của Thành ủy Đà Nẵng - tiến cử cán bộ để quy hoạch - sẽ được làm minh bạch.

*** Error ***
Lê Thành Quyết - Ảnh: H.Khá

Bạn Lê Thành Quyết (31 tuổi, phó chủ tịch HĐND P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu, thủ khoa đề án 89 khóa 2):

Cơ hội lớn cho người trẻ

Đây là một đề án rất tốt, nhất là những cán bộ trẻ muốn cống hiến sức trẻ cho TP. Lâu nay TP có nhiều chủ trương chính sách thu hút nguồn nhân lực, người giỏi, người tài khắp nơi về đầu quân thì đề án này là cơ hội cho những con người đó thể hiện, cống hiến sức lực cho nơi mình đã chọn.

Bên cạnh đó, có thể nói đề án là một con đường mở mà Ban thường vụ Thành ủy tính toán cho thế hệ trẻ, thế hệ kế cận trong nhiệm kỳ tới. Bạn nào có trình độ chuyên môn vững, có năng lực, sức trẻ, tâm huyết, đóng góp nhiều cho thành tựu chung của TP thì lãnh đạo TP sẽ chấm chọn. Còn bạn nào được giới thiệu, cất nhắc đề bạt nhưng quá trình công tác không đạt được kết quả đề ra sẽ rời cuộc chơi.

Ngoài ra, đề án này là để tạo nguồn cán bộ chủ chốt chứ không có nghĩa là đề án đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Vì vậy, đây là cơ hội và cũng là thử thách không hề nhỏ cho thế hệ cán bộ trẻ được giới thiệu quy hoạch vào trong đề án.

Khó khăn trở ngại cho thế hệ cán bộ trẻ là lãnh đạo TP phải tin tưởng giao việc, không nên xem cán bộ trẻ là trẻ người non dạ, thiếu kinh nghiệm trong kinh nghiệm thực tiễn và điều hành công việc.

Cái khó hiện nay là để có vị trí cho cán bộ trẻ thử sức thì đòi hỏi một số cô chú cán bộ lớn tuổi phải nhường vị trí về hưu sớm. Theo tôi, đây là vấn đề rất khó giải quyết.

*** Error ***
Phạm Thị Thảo Uyên- Ảnh: H.Khá

Bạn Phạm Thị Thảo Uyên (23 tuổi, tốt nghiệp đại học ở Úc, công tác tại Trung tâm Tổ chức sự kiện và lễ hội Đà Nẵng):

Sàng lọc để hạn chế tiêu cực

Theo mình thấy, đề án tiến cử cán bộ trẻ là một đề án hay và sẽ mang lại lợi ích to lớn và lâu dài nếu như được áp dụng đúng cách.

Đề án phù hợp với các đối tượng trẻ, đặc biệt là những thế hệ đầu của đề án 922 (phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao). Bởi đây là thế hệ cán bộ được đào tạo bài bản ở nước ngoài, theo nhu cầu quy hoạch nhân lực của TP và đã có thâm niên công tác nhất định trong chính quyền với nhiều tiềm năng phát triển.

Điểm mạnh lớn nhất của đề án tiến cử cán bộ trẻ là làm rõ vai trò của người tiến cử - không chỉ dừng lại ở tiến cử, mà còn có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ cán bộ trẻ phát triển.

Cá nhân mình hiểu người tiến cử trong trường hợp này sẽ là một mentor - người truyền thụ kinh nghiệm và đồng hành cùng cán bộ trẻ và cũng có thể là hình mẫu cho họ noi theo. Trong quá trình đào tạo cán bộ trẻ, vai trò của người dẫn dắt là rất quan trọng. Bằng cách kết hợp giữa kinh nghiệm thực tiễn lâu năm của người dẫn dắt với kiến thức, kỹ năng được đào tạo bài bản, các cán bộ trẻ sẽ có thể phát huy được hết năng lực của mình.

Mặt khác, đề án cũng đề ra trách nhiệm của người tiến cử khi cán bộ trẻ không đạt được yêu cầu rèn luyện. Mình hi vọng quy định này kết hợp với quá trình sàng lọc kỹ lưỡng sẽ giúp hạn chế mặt tiêu cực có thể phát sinh của việc đề cử cán bộ trẻ, tránh tình trạng “con ông cháu cha” hoặc tiến cử rồi bỏ mặc.

Với những điểm mạnh kể trên, mình thấy đề án này mang tính thực tiễn cao, hi vọng sẽ là bước tiếp theo của đề án 922 để giải quyết bài toán nhân lực cho TP, đồng thời là nguồn động lực cho các cán bộ trẻ đang công tác ở Đà Nẵng.

Đề án 922 đã để lại một số bài toán trong việc sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là khi có ý kiến cho rằng nguồn nhân lực trẻ chưa được trọng dụng đúng mức do các rào cản về cơ chế, chưa đủ tiếng nói ở nơi làm việc.

Các cán bộ có tiềm năng trở thành đối tượng của đề án sẽ có định hướng rõ ràng để phấn đấu, đặc biệt là trong quá trình rèn luyện chính trị và phát triển bản thân.

*** Error ***
Lê Phú Nguyện - Ảnh: H.Khá

Sự chuẩn bị dài hơi

Tôi năm nay đã hơn 35 tuổi rồi nhưng rất vui khi Thành ủy ban hành đề án này, vì đó là cơ hội rất lớn cho các bạn trẻ thử thách bằng tri thức và lòng nhiệt huyết của mình để xây dựng TP.

Nếu nói đề án này là sự quan tâm đối với cán bộ trẻ thì chưa hết ý. Vì mục đích của đề án là tạo nguồn cho những nhiệm kỳ kế tiếp nên nếu không lấy từ họ thì lấy ở đâu ra? Và đến lúc đề bạt họ cũng đã trên dưới 40 tuổi rồi.

Cho nên mình nghĩ đây là sự chuẩn bị rất nghiêm túc cho ngày mai của lãnh đạo hôm nay thì đúng hơn. Và đề án có tính kế thừa, phát triển chính sách rất cao, nâng chính sách lên một phiên bản, tầm nhìn mới: từ thu hút, đào tạo trước đây đến trọng dụng, phát huy người có năng lực trong nay mai.

Thu hút về, đào tạo ra mà không trọng dụng, phát huy thì lãng phí và người thực tài họ sẽ ra đi. Nhưng không hẳn có bằng giỏi là giỏi mà kết quả công việc là thước đo năng lực thực tiễn của họ. Và không ai nắm rõ công chức mình hơn những người trực tiếp quản lý, giao việc.

Thế nên coi trọng vai trò tiến cử của lãnh đạo các ngành, địa phương là giải pháp rất sát thực của đề án.

Hi vọng đề án sẽ là lưới lọc chuỗi nhân sự làm phát lộ những người vừa trẻ và vừa sắc sảo cho nguồn nhân sự lãnh đạo, quản lý của TP trong tương lai gần. Hiển nhiên không thể thiếu những người có quá trình lăn lộn, thấm đẫm thực tiễn quản lý trong một bộ máy mạnh.

Bạn Lê Phú Nguyện (trưởng phòng tổ chức biên chế - 37 tuổi, Sở Nội vụ Đà Nẵng)

HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên