13/12/2016 16:47 GMT+7

​“Sinh viên nên làm gì để ra trường không thất nghiệp?”

PHƯƠNG NGUYỄN
PHƯƠNG NGUYỄN

TTO - Câu hỏi cấp thiết này đã được thảo luận, mổ xẻ trong hội thảo “Bí quyết xây dựng thương hiệu cá nhân và khởi nghiệp từ ghế nhà trường” do bộ môn quốc tế học thuộc Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức sáng 13-12.

Đại diện doanh nghiệp chia sẻ với sinh viên tại hội thảo - Ảnh: Phương Nguyễn
Đại diện doanh nghiệp chia sẻ với sinh viên tại hội thảo - Ảnh: Phương Nguyễn

Trong buổi hội thảo, bà Nguyễn Thu Hương, tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông và đầu tư Nam Hương, đồng thời là Á hậu quý bà thế giới 2011, chia sẻ với sinh viên: “Mỗi chúng ta là một kho tàng, mỗi chúng ta là một tài năng xuất chúng nếu chúng ta biết khai thác bản thân mình. Chúng ta không có bất cứ một giới hạn nào”.

Xây dựng thương hiệu bằng Facebook

“Nếu chúng ta nhận thức một điều gì đó là giới hạn của chúng ta, chúng ta sẽ tìm cách vượt qua. Tôi đã chứng kiến sự vượt qua từng ranh giới, giới hạn của những người mà tôi từng làm việc. Tất cả các bạn sinh viên đều có cơ hội để vượt qua giới hạn của bản thân và xây dựng thương hiệu cá nhân, tìm kiếm cơ hội việc làm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường” - bà Thu Hương nói.

Bà Hương hướng dẫn: Đầu tiên là sử dụng Facebook. Facebook là một công cụ mà các bạn có thể sử dụng để xây dựng thương hiệu. Những gì các bạn đăng tải lên Facebook là thương hiệu của các bạn. Thay vì chúng ta viết lên Facebook những chuyện giận hờn, thì hãy sử dụng Facebook một cách triệt để và tích cực để phát đi thông điệp của các bạn.

Ví dụ: một bạn muốn làm trong lĩnh vực tổ chức sự kiện thì bạn phải truyền đi thông điệp bạn yêu thích và muốn làm nghề nghiệp đó trên Facebook. Đồng thời, bạn đó phải kết bạn với những người có công việc liên quan đến lĩnh vực tổ chức sự kiện để khi bạn đó comment, like hoặc inbox họ, họ sẽ chú ý đến bạn.

Tiếp theo là sử dụng thời gian một cách triệt để. Giai đoạn học năm nhất, sinh viên cần xây dựng nền tảng kiến thức và kỹ năng qua việc học và làm quen với các môi trường để xác định được mình có thể tìm kiếm cơ hội thực tập và làm việc ở đâu. Như vậy, ngay từ năm thứ hai, sinh viên đã có thể xin đi thực tập ở các công ty.

Từ năm hai đến năm tư, các bạn thực tập không phải vì tiền mà vì kiến thức, kinh nghiệm và quan hệ.

Gắn kết với công việc

Chia sẻ tại hội thảo, bà Vũ Phương Chi, giám đốc bán hàng của Công ty PPC, khuyên: “Ngoài chuyên môn, các bạn cần có kỹ năng mềm. Càng có nhiều kỹ năng mềm các bạn càng thành công trong cuộc sống. Khi thực tập, để có thể tồn tại trong một môi trường đầy áp lực, các bạn phải chủ động tìm kiếm cơ hội cho chính mình, cũng như nêu ý kiến và hỏi những điều mình không biết. Những trưởng nhóm luôn thích những nhân sự chủ động trong công việc và chủ động hỏi để không bị sai. Nếu các bạn im lặng, sợ nói, sợ hỏi, sợ bị đánh giá thì các bạn sẽ không học hỏi được gì và thời gian thực tập của các bạn sẽ trôi qua một cách lãng phí và mất đi rất nhiều cơ hội trong nghề nghiệp”.

Một bạn sinh viên băn khoăn: “Cử nhân mới tốt nghiệp có nên dịch chuyển nhiều công việc để trải nghiệm và học hỏi được nhiều kinh nghiệm hơn không?”.

Bà Nguyễn Thu Hương cho rằng: “Giai đoạn hợp lý nhất cho việc dịch chuyển công việc theo mô hình ziczac để học hỏi, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm là giai đoạn các bạn đang còn là sinh viên.

Sau đó, các bạn nên cố gắng chọn đúng lĩnh vực mà mình mạnh nhất và gắn kết với công việc, phấn đấu cùng phát triển với doanh nghiệp. Đừng thấy khó khăn ban đầu mà bỏ đi vì doanh nghiệp nào cũng có khó khăn của họ. Nếu các bạn gắn kết cùng họ vượt qua khó khăn thì họ sẽ luôn luôn dành vị trí tốt cho bạn”.

Theo bà Hương, nếu người tuyển dụng thấy bạn dịch chuyển nhiều công việc khác nhau trong khoảng thời gian không dài, họ sẽ đánh giá bạn không có kinh nghiệm.

Ngoài ra, nếu họ thấy bạn làm cho một doanh nghiệp chưa tới 2-3 năm họ sẽ đánh giá bạn không có tính gắn kết và mục tiêu làm việc của bạn cũng không rõ ràng.

Các bạn mới ra trường cần có thời gian học hỏi kinh nghiệm từ một công ty khoảng 2-3 năm chứ một năm là chưa đủ. Để có thể trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, bạn cần mất khoảng thời gia từ 5 - 7 năm.

PHƯƠNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên