03/12/2016 14:47 GMT+7

Trên giường bệnh, nhớ lớp nhớ trường

KIM ANH - BÌNH MINH
KIM ANH - BÌNH MINH

TTO - Bên giường bệnh, người cha liên tục khóc khi nhắc về đứa con trai chỉ mới một tháng trước còn rất hoạt bát, thông minh, và rồi bác sĩ nói người con bị ung thư vòm họng...

Mẹ con bé Lê Nguyễn Bảo Thi bên góc học tập - Ảnh: K.ANH

Cha chịu không nổi khi nhìn con

Ngồi trên giường bệnh, cậu bé Võ Đại Minh Mẫn (14 tuổi) lộ rõ vẻ mệt mỏi sau những đợt điều trị bằng hóa chất. Anh Võ Đại Thạnh, cha ruột Mẫn, liên tục khóc khi nhắc về đứa con trai chỉ mới một tháng trước còn rất hoạt bát, thông minh.

Giữa tháng 9-2016, Mẫn kêu đau nửa đầu và chảy máu mũi. Gia đình đưa Mẫn đi khắp các bệnh viện, phòng khám nhưng vẫn không tìm ra bệnh.

“Chúng tôi thử đưa con sang Bệnh viện Tai mũi họng thì bác sĩ nói Mẫn bị ung thư vòm họng, chuyển thằng nhỏ sang Bệnh viện Truyền máu huyết học” - anh Thạnh kể.

Từ đó đến nay, Mẫn không còn được đến trường, cũng không còn được chơi những môn thể thao mình yêu thích cùng bè bạn. Hai bàn tay cậu bé chi chít dây truyền thuốc và hằn nhiều vết bầm tím vì bị lấy máu.

“Mẫn thích học bơi, đá banh, chạy bộ, tập võ. Nó giỏi lắm, ngày mới vào viện còn đòi mượn tập bạn chép bài mỗi ngày. Sau đợt đầu tiên vô thuốc, nó không viết nổi nữa...” - anh Thạnh bật khóc.

Từng làm công nhân bốc xếp ở chợ Cầu Muối mười mấy năm liền, sau một tai nạn lao động, anh Thạnh bị cụp xương sống và không còn khả năng mang vác đồ nặng.

Để duy trì thu nhập cho gia đình, anh mở dịch vụ rửa xe ngay tại căn nhà chỉ rộng 10m2 của mình ở đường Đoàn Văn Bơ (quận 4, TP.HCM). Mỗi tháng, số tiền vợ chồng anh Thạnh kiếm được chỉ ở mức 6-7 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí điều trị cho Mẫn hiện đã lên đến gần 200 triệu đồng.

“Mẫn mạnh mẽ lắm, biết cha mẹ khổ nên ráng chống chọi với bệnh tật. Nhưng lần đầu tiên nhìn con vô thuốc chúng tôi chịu không nổi. Tan nát hết” - anh Thạnh vừa nói vừa đưa tay lau nước mắt.

Mẫn giờ gần như không còn nói được. Cậu bé chỉ thều thào từng tiếng rất nhỏ với cha mẹ. Khi còn khỏe, Mẫn là một học sinh siêng năng và hòa đồng với bạn bè. Vốn có sở thích lắp ráp đồ điện tử, mỗi khi được cho tiền ăn sáng, Mẫn đều dành dụm một phần để mua linh kiện về tìm tòi ráp thử.

Giờ đây, ngồi im lặng trên giường bệnh, Mẫn nhìn chúng tôi. Giọng yếu ớt, em nói muốn khỏi bệnh, được thi vào Trường THPT Nguyễn Trãi. Trong khi đó, anh Thạnh nói sau mỗi đợt vào thuốc, Mẫn gần như kiệt sức, không thể ăn uống gì mà chỉ ói.

Với Phạm Thị Linh, cô học trò lớp 10 Trường THPT Ngô Thì Nhậm (Ninh Bình), cuộc sống có lẽ sẽ trọn vẹn hơn rất nhiều nếu em không bị ung thư xương, buộc phải cắt bỏ chân phải.

Cách đây bốn năm, Linh vấp ngã và bị thương ở chân nhưng chữa hoài không hết. Gia đình đưa em đi khám, rồi bàng hoàng phát hiện cô bé bị ung thư.

Cha làm thợ xây, mẹ làm nông, thu nhập cả gia đình Linh chỉ khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng. Người chị cả đã lập gia đình vào năm ngoái, còn hai anh em Linh vẫn đang đi học.

“Lúc bị cắt mất chân phải, mình buồn nhiều lắm” - Linh hồi tưởng, nói mình lo không biết sau này phải làm gì, phụng dưỡng cha mẹ ra sao khi cơ thể đã không còn lành lặn.

Thời gian đầu, chị Vũ Thị Lài (mẹ Linh) không quản nắng mưa chở em đến trường, động viên con phải cố gắng vững bước vượt qua khó khăn. Về sau có chân giả, Linh lại tiếp tục một mình vượt hơn 6 cây số đến trường.

Tính đến nay Linh đã trải qua hai lần điều trị với hơn 20 đợt vô thuốc, chi phí chữa trị lên đến hàng trăm triệu đồng. Trong lá thư gửi về cho Tuổi Trẻ, Linh nói bạn từng ước mong sau này được làm cô giáo, mang kiến thức cũng như nghị lực sống của mình truyền tải lại cho học sinh.

Thế nhưng trong những ngày nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương, dường như Linh đã tìm thấy thêm một ước mơ, một niềm hi vọng khác.

Không thôi mơ ước

Căn phòng trọ trên đường Vườn Lài (Q.12, TP.HCM) của ba mẹ con bé Lê Nguyễn Bảo Thi (9 tuổi) không có gì ngoài góc học tập dành cho cô bé là sáng nhất. Thi bị học trễ một năm do thời gian điều trị bệnh bạch cầu cấp.

Cũng ngay trên góc học tập treo tấm hình cha của bé Thi. Người cha đã chăm sóc suốt bảy tháng trời từ khi Thi nhập viện (tháng 1-2014) và cũng đã ra đi mãi mãi.

“Chăm con trong bệnh viện phải chứng kiến cảnh các bé mất khi còn quá nhỏ, anh ấy dường như không thể chịu đựng nổi. Một đêm nọ, để con cho bà ngoại trông, sau khi thăm con từ bệnh viện trở về nhà, anh tự giải thoát bằng cách tự tử ngay trước cửa nhà. Mới đầu tôi giận anh sao không đối mặt với khó khăn.

Những ngày sau đó tôi nghỉ việc vào chăm con mới thấy hết những sức nặng về tâm lý mà anh đã chịu đựng” - chị Trang Đài, mẹ của bé Thi, đỏ hoe mắt khi nói về sự ra đi đột ngột của chồng mình.

Sau đó là khoảng thời gian gần một năm chị và Thi ra vô Bệnh viện Nhi Đồng 2 để điều trị căn bệnh. Khi ổn một chút, năm 2015 Thi trở lại trường học tiếp lớp 1 với ước mơ lớn lên làm nghề bác sĩ để chữa bệnh cho người nghèo.

Chị Đài nói cuộc sống của ba mẹ con nhiều lúc cũng bí bách, nhưng chị luôn luôn hướng con nghĩ đến những gì tươi đẹp thì nguồn năng lượng trong cơ thể mới tốt. Làm nghề bán hàng trên mạng kiếm tiền lo thuốc thang và chăm hai con nhỏ tưởng chừng như quá sức với người mẹ.

Nhưng nhờ có cô con gái Bảo Thi luôn thủ thỉ với mẹ, biết đùa chơi với cậu em trai 4 tuổi khiến chị quên đi mệt nhọc, cùng con chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo và bước tiếp về phía trước.

“Hệ miễn dịch của bé rất yếu, đi học nhưng lâu lâu vẫn phải vào viện để điều trị. Mỗi lần như thế bé đều mang theo sách vở để nhờ mẹ chỉ bài. Bé thích được đến trường lắm” - chị Đài bày tỏ.

Trong hàng trăm lá thư gửi về chương trình để xét trao học bổng có nhiều hoàn cảnh quá ngặt nghèo. Như em Trần Quốc Cường, lớp 9 Trường THCS Quảng Xuân, Quảng Trạch, Quảng Bình. Gia đình Cường thuộc diện hộ nghèo. Nhà Cường có bốn anh em, ba mẹ làm nghề cá.

Mới đây cơn lũ lịch sử đã khiến gia đình kiệt quệ. Sau thời gian điều trị bệnh ung thư máu dài ngày nhưng khi trở về trường, Cường lao vào học tập. “Mình ước mơ trở thành bác sĩ giỏi để chữa bệnh.

Mình mong chương trình “Ước mơ của Thúy” luôn ở bên cạnh giúp đỡ về mặt tinh thần cũng như vật chất để mình và các bạn nhỏ được hoàn thành ước mơ của mình” - Cường viết.

Ngày hội hoa hướng dương "Vì bệnh nhi ung thư" lần 9 do báo Tuổi Trẻ phối hợp Ủy ban Hội LHTN VN TP.HCM và Hà Nội tổ chức từ 6g30-11g ngày 3-12 tại Công viên văn hóa Đầm Sen (cổng Lạc Long Quân, Q.11, TP.HCM) và từ 8g-11g cùng ngày tại Cung Thiếu nhi Hà Nội (38 Lý Thái Tổ, Q.Hoàn Kiếm).

Ngày hội năm nay có 170 suất học bổng (mỗi suất 5 triệu đồng) được trao đến các bệnh nhi ung thư đang theo học tại các trường trên cả nước.

KIM ANH - BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên