25/11/2016 10:24 GMT+7

A Nồng hết lòng với sản vật quê hương

ĐỨC HIẾU
ĐỨC HIẾU

TTO - “A Nồng à! Miến dong của chú được chưa?”, “A Nồng có nhà không, sáng nay tôi vào nhà lấy mấy tạ miến nhé”.

*** Error ***
Anh La A Nồng cùng chị Lục Thị Mộc làm tơi miến sợi vừa thái trước khi đem phơi - Ảnh: Đức Hiếu
A Nồng sản xuất kinh doanh tốt và tham gia tích cực các hoạt động địa phương, là một trong những gương thanh niên được huyện trao tặng nhiều giấy khen
Ông MAI VŨ TUẤN (bí thư Huyện ủy Bình Liêu)

Gần một tháng nay, ngày mới của ông chủ 8X La A Nồng - giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Đình Trung, xã Húc Động, huyện miền núi Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) - luôn bắt đầu bằng những cuộc điện gọi mua hàng, giục hàng như vậy.

Bén duyên với dong riềng

Tháng 11, vụ thu hoạch dong riềng bắt đầu, xung quanh nhà A Nồng chất đầy những bao chứa loại củ này - nguyên liệu để sản xuất đặc sản miến dong. Nhà xưởng của HTX Đình Trung cũng theo đó tất bật cả ngày. Tiếng máy xát vỏ, máy ép rền rã từ sáng sớm đến tối muộn.

“Mấy năm trước mình còn phải giao hàng ra huyện xung quanh, nhưng năm nay hàng làm ra bao nhiêu hết bấy nhiêu, khách vào tận nhà xưởng mua, mình làm không đủ miến tiêu thụ. Không chỉ Quảng Ninh mà giờ cả Hà Nội, Hải Phòng... đều lấy miến dong từ HTX”. Vừa thoăn thoắt đóng gói túi miến, A Nồng vừa hồ hởi cười nói.

Dáng người đậm khỏe, làn da rám nắng, người con dân tộc Sán Chỉ toát lên sự chất phác của một nông dân thứ thiệt. Anh là cử nhân Trường CĐ Sư phạm Hải Phòng, từng làm thầy giáo đứng lớp tại một số trường tiểu học ở Bình Liêu.

Tuy nhiên, dạy hợp đồng một thời gian, A Nồng nhận ra con đường phát triển nghề truyền thống của gia đình, địa phương mới là hướng đi phù hợp nhất với bản thân. Và anh đã trở lại gắn bó với mảnh đất rộng hơn 3.000m2 trồng dong riềng của nhà.

Trước đây, gia đình A Nồng được Nhà nước hỗ trợ đầu tư để mua một máy xát củ, một máy tráng thay cho làm thủ công năng suất thấp. Sau khi tiếp quản công việc, nhận thấy tiềm năng mở rộng thị trường, từ năm 2015 ông chủ 8X mạnh dạn vay vốn ngân hàng hơn 1 tỉ đồng để đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua thêm máy thái, máy rửa, thu mua nguyên liệu.

A Nồng cho biết: “Trước đây làm thủ công chỉ được mấy chục ký miến, nhưng từ khi trang bị máy móc, mỗi ngày nắng đẹp, nhà mình làm được đến 7 tạ miến”.

Hiện nay, HTX của anh là một trong những đầu mối chính bao tiêu toàn bộ sản lượng dong riềng của thôn Nà Ếch, xã Húc Động. Mỗi vụ mùa kéo dài 3 tháng, cơ sở Đình Trung thu mua khoảng 400 tấn dong riềng, sản xuất hơn 30 tấn miến đưa ra thị trường cũng như tạo thêm công ăn việc làm cho 15-20 lao động trong thôn.

Sốt ruột với đặc sản cạn kiệt

Đứng bên chiếc máy thái sợi đang chạy ro ro, chị Lục Thị Mộc, người dân tộc Sán Chỉ, nhanh nhẹn làm tơi sợi miến trước khi đem phơi khô. Chị làm ở xưởng sản xuất này đến nay là 3 năm.

“Bình thường mình ở nhà thôi, có ai gọi gì thì làm nấy. Làm vài ba ngày hết việc thì lại ở nhà chơi. Có nhà anh Nồng sản xuất miến đây, cứ vào vụ lại gọi đi làm để có thêm thu nhập, mình vui lắm” - chị Mộc cười nói.

Trong nhà của La A Nồng, ngoài hàng tạ miến dong đang chờ xuất hàng còn một sản phẩm khác mà mỗi khi có khách đến nhà, chủ nhân đều nhiệt tình mang ra mời dùng thử: trà hoa vối. Thứ nước trà màu vàng mật ong, uống thơm và rất mát, thường xuất hiện trong các gia đình huyện Bình Liêu.

Mấy năm trước đây, thương lái Trung Quốc về Bình Liêu thu mua nhiều vỏ cây vối. Vối chặt lại mọc, nhưng bóc vỏ thì sẽ chết, vì vậy mà nhiều cây vối xanh ven suối chỉ sau một thời gian ngắn đã chết khô.

Sốt ruột trước thứ đặc sản sắp bị cạn kiệt, A Nồng nảy ra ý tưởng thu mua hoa vối về sấy khô, đóng túi để bán. Người dân từ khi bán hoa vối để làm trà thì không còn bóc vỏ vối nữa, cây vối lại được dịp sinh sôi phát triển.

Mới đưa vào thử nghiệm từ tháng 6-2015, đến nay việc sản xuất trà cho thu nhập 20-30 triệu đồng/tháng. “Nhưng lượng tiêu thụ vẫn còn hạn chế vì chưa tìm được đầu ra. Bên cạnh việc đưa đi giới thiệu ở các hội chợ nông sản, mình cũng quảng cáo nhiều trên mạng xã hội Facebook. Sắp tới mình sẽ xây dựng trang web quảng bá riêng” - A Nồng nói.

Về những dự định trong tương lai, anh khẳng định: “Dự định của mình thì có nhiều nhưng chắc chỉ đầu tư tại quê hương Bình Liêu thôi. Trước mắt là xin huyện cấp phép để trồng thêm 2ha dong riềng trong năm 2017 để chủ động nguồn nguyên liệu miến dong, sau đó đầu tư sang dược liệu lá tắm, mở rộng sản xuất trà vối. Tương lai, mình hướng tới đầu tư làm một khu sinh thái để phát triển du lịch”.

Khi chúng tôi rời HTX Đình Trung cũng là lúc một khách hàng từ huyện Tiên Yên cách đó 30km đi ôtô đến lấy đơn hàng 3 tạ miến dong. Chàng trai trẻ La A Nồng lại tất bật với guồng quay sản xuất và cả những ước mơ còn dang dở của mình.

La A Nồng là một trong 85 gương thanh niên nông thôn tiêu biểu toàn quốc được tuyên dương, trao giải thưởng Lương Định Của năm 2016. Giải thưởng do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức thường niên, đến nay là năm thứ 9. Riêng năm nay đã có gần 300 hồ sơ thanh niên nông thôn từ 63 tỉnh, thành gửi về.

ĐỨC HIẾU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên