14/11/2016 09:20 GMT+7

Trịnh Lê Anh: càng đi nhiều, ta hiểu mình và mở mang hơn

CÔNG NHẬT thực hiện
CÔNG NHẬT thực hiện

TTO - Luôn nở nụ cười tươi tắn, vốn tiếng Anh lưu loát và có vẻ ngoài trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 39 là hình ảnh của MC, giảng viên đại học Trịnh Lê Anh - lãnh đạo đoàn Việt Nam tại SSEAYP 2016.

Trịnh Lê Anh SSEAYP 2016
Trịnh Lê Anh - lãnh đạo đoàn Việt Nam tại SSEAYP 2016


Trịnh Lê Anh chia sẻ những câu chuyện xoay quanh giới trẻ khi chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản cập bến TP.HCM. Anh nói:

- Thật sự các đại biểu đoàn VN năm nay đều rất tài năng, có thành tích vượt trội cả về học tập lẫn tài lẻ, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ của các bạn thật sự khiến tôi ngỡ ngàng.

Điều này cho thấy cơ hội hội nhập quốc tế của thanh niên Việt là rất đáng lạc quan. Ngoài ra các bạn cũng có một điểm cộng nổi trội là “dám làm”, điều mà các thế hệ trước ít làm được.

Có thể các bạn sẽ sai lầm, vấp váp nhưng tinh thần “dám làm”, dám mạo hiểm ở các bạn khiến tôi rất thích và cho rằng bản thân phải học hỏi.

Nhưng không phải là các bạn đoàn VN không có điểm yếu. Chẳng hạn như tính co cụm một cách vô thức, bình phẩm nhiều về việc của người khác, gây mất thời gian, ảnh hưởng việc chung.

Và một chủ đề rất cũ là vấn đề thời gian. Một số bạn vẫn lề mề, chậm trễ. Không chỉ đoàn VN mà ở một số đoàn của quốc gia khác cũng xảy ra.

Tuy nhiên SSEAYP chọn cách “uốn nắn” rất hay, hơn 300 đại biểu trên tàu sẽ chờ đến khi người cuối cùng bước vô sảnh thì các hoạt động mới bắt đầu.

Tôi tin rằng chỉ sau một lần vô cùng hổ thẹn trước hàng trăm cặp mắt nhìn vào thì không bạn trẻ nào dám làm lần thứ hai.

Người Nhật rất dễ thương, tử tế, nhưng họ cũng rất kỷ luật, rất “sắt thép”. Nhờ vậy mà nước Nhật mới hùng cường như ngày nay.

>> Xem clip thành viên SSEAYP đến thăm báo Tuổi Trẻ:

 

* Nếu nói thẳng về những hạn chế của các bạn trẻ Việt khi sống tập thể, anh có thể nói đến điều gì?

- Tôi yêu thương từng đại biểu Việt trên tàu nhưng thật lòng phải đến sau đêm văn nghệ quốc gia mà đoàn VN trình diễn thành công vang dội, tôi mới ngồi lại với các bạn và trải lòng rằng chỉ đến đêm hôm đó tôi mới cảm nhận được sự hòa hợp, mọi người đang thật sự đồng lòng.

Còn hai tháng làm việc, tập trung trước đó... thì mọi người vẫn chưa thật sự là một đội. Vậy điều gì làm nên việc này? Là ở tính tự mãn quá sớm.

Là lãnh đạo quốc gia SSEAYP 2016, tôi khá vất vả khi liên tục phải họp và nhắc nhau về cách ứng xử...

Trịnh Lê Anh (giữa) - Ảnh: Duyên Phan

 

* Nhưng tôi nghĩ sự tự mãn ở người trẻ tuổi, tài cao cũng có ở các quốc gia khác?

- Đúng là họ có nhưng họ lại biết chế ngự cái tôi tự mãn để tôn lên cái chung. Tôi đơn cử trường hợp của Indonesia, một quốc gia có thương hiệu về tính kỷ luật.

Kỷ luật của đoàn Indonesia hà khắc đến mức đại biểu các quốc gia khác tìm hiểu xong đều lè lưỡi. Họ thức khuya dậy sớm mà không một tiếng kêu ca.

Càng đi nhiều, chúng ta lại càng hiểu rõ bản thân và mở mang đầu óc hơn. Đây là điều luôn luôn đúng, nhưng chỉ đúng với những người luôn trong tâm thế muốn học hỏi.

Thế giới phẳng, điều kiện đi lại dễ dàng... nhưng khi mọi thứ dễ dàng hơn, các bạn trẻ “quốc tế hóa” (hay có thể là “thời trang hóa” sở thích) hơn thì cũng dễ “phi học hỏi” hơn.

Chẳng hạn một số bạn thích uống cà phê nhưng dù đến vùng đất nào cũng chỉ muốn rảo bước nhanh đến Starbucks để thể hiện sự sành điệu, không có nhu cầu tìm hiểu cái mới dù nơi đó có nhiều loại cà phê mới lạ khác.

Tôi mong muốn các bạn trẻ phải trải nghiệm. Những ngày đầu trên tàu, tôi niêm phong nhà kho đoàn VN để các bạn không lấy được mì gói, đói thì phải xuống bếp và phải thử nghiệm món mới chứ không chỉ ẩm thực Việt hay mì gói.

Không thử điều mới mẻ thì làm sao biết được mình có thích, phù hợp hay không? SSEAYP cho những trải nghiệm khác, không cho dùng Internet, vào gia đình homestay thì xắn tay áo phụ việc, hái táo, làm vườn...

Nhờ những trải nghiệm mới mẻ này mà nhiều bạn cho biết bản thân đã có những kỷ niệm đẹp, khó quên và hiểu rõ bản thân, giá trị cuộc sống thật hơn, bớt chìm đắm trong “thế giới ảo”.

*** Error ***
Đại biểu SSEAYP 2016 thảo luận về truyền thông tại báo Tuổi Trẻ ngày 12-11 - Ảnh: Duyên Phan

 

* Anh thấy điều gì khi bạn trẻ nói về “toàn cầu hóa” và “bản sắc dân tộc”?

- Người nước ngoài luôn muốn tìm hiểu về nền văn hóa khác. Trong khi một số bạn trẻ Việt thường theo trào lưu tự phủ nhận ngôn ngữ, văn hóa... của mình. Người Nhật khác hẳn, họ lấy những cái nhỏ nhất hay phức tạp nhất để trân quý, thậm chí tôn thờ.

Từ đó đám đông bên ngoài cảm nhận được và làm điều tương tự. Đôi guốc của họ cao lênh khênh, mặc một bộ kimono mất cả tiếng... nhưng họ vẫn cười tươi, vẫn hào hứng.

Các bạn nữ đạo Hồi tuyệt đối không bắt tay nam giới và họ luôn chia sẻ thẳng thắn về điều này.

Trong khi yêu cầu một bạn Việt Nam bận bộ áo dài trong vài phút để đón khách thì lại thường kêu ca.

“Hành trang” hội nhập quốc tế đâu chỉ là ngoại ngữ, là kỹ năng hay phong cách “Tây”, mà còn có cả những giá trị nguồn cội của dân tộc.

Bạn phủ nhận giá trị Việt nhưng bạn cũng nào phải là người Tây... Vậy nhìn lại, bạn có gì?

CÔNG NHẬT thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên