13/11/2016 10:50 GMT+7

Công việc và Facebook lấy mất thời gian cha dành cho con?

TẤN KHÔI
TẤN KHÔI

TTO - Chuyện kể rằng có cậu bé nọ hỏi cha mình một giờ làm được bao nhiêu tiền. Người cha trả lời được 20 đôla. Cậu bé xin người cha 10 đôla, người cha cho con trai số tiền cậu xin.

Dành thời gian cho con một cách trọn vẹn sẽ làm gia đình gắn kết hơn - Ảnh: T.T.D.
Dành thời gian cho con một cách trọn vẹn sẽ làm gia đình gắn kết hơn - Ảnh: T.T.D.

Khi đó, cậu bé mừng rỡ chạy vào phòng, lát sau cậu chạy ra với niềm hoan hỉ, con đã đủ rồi, đã có đủ số tiền... Người cha ngạc nhiên hỏi: con cần dùng gì với 20 đôla đó?

Cậu con trai trả lời: con sẽ đưa cha 20 đôla để cha dành một giờ ở bên con, chơi cùng con!

Công việc và Facebook lấy mất thời gian?

Đem câu chuyện trên chia sẻ đến những ông bố, bà mẹ trong một cuộc trao đổi ngắn thuộc khuôn khổ bài viết này, chúng tôi nhận được sự thừa nhận chân thành là: ngày nay, thời gian cha mẹ dành cho con cái ít dần đi.

Nói về điều này, anh L.Minh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết: “Hầu hết thời gian con cái ở trường, ngay từ nhỏ đã phải gửi vào nhà trẻ... sống tập thể. Tới chiều ba mẹ đi làm về mới tranh thủ đón con. Nhiều bữa bắt gặp ánh mắt mong chờ của con gái mà thương đứt ruột, nhưng chẳng biết làm thế nào”.

Chị Nguyễn Thúy Anh ở Hà Nội cũng tâm tư: “Thời gian cho con cái nhất là ở thành phố có vẻ ít hơn dành cho công việc. Nhiều khi thời gian bên con cái còn bị... cắt xén vì ba mẹ cũng bận lên Facebook hoặc lang thang trên mạng, xem các tin tức này nọ vì trong giờ làm việc không thể cập nhật được”.

Tương tự, chị Mỹ Dung (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bày tỏ: “Đôi lúc, sắm iPad hay điện thoại thông minh cho con chơi, biết là không có lợi gì nhưng phải có, để chúng chơi với cái điện thoại cho mình rảnh tay làm công việc nhà vì cả ngày phải đi làm”.

Sự thật, chỉ có những ngày cuối tuần thì các ông bố bà mẹ mới rảnh, nhưng lại... bận ngủ nướng, một bà mẹ là nhân viên một ngân hàng ở Q.1 (TP.HCM) bộc bạch. Rồi cứ “nướng” cho tới khi dậy thì lại loay hoay làm việc nhà, sau đó vợ chồng con cái có đi chơi đâu đó cũng sẽ bị công việc “lôi kéo” - vì có những lúc giải quyết ở cơ quan không hết.

Thậm chí, có ông bố bà mẹ kể nhiều bữa thảnh thơi đưa con cái đi uống cà phê thì được một lúc cả nhà lại “việc ai nấy làm”, cắm cúi vào điện thoại. Do vậy, “thủ phạm” lấy mất thời gian trò chuyện, chia sẻ cùng con cái còn là những hấp lực của mạng Internet, của các “like” trên Facebook.

Kết nối với con thường xuyên

Mổ xẻ từ câu chuyện thực tế của mình lẫn những việc “tai nghe mắt thấy” xung quanh, các bậc phụ huynh tham gia đề tài dành thời gian cho con như thế nào đã khẳng định: nên thường xuyên kết nối với con.

Chị Hương Vân (Hà Nội) nói: “Một người mẹ quan tâm tới con sẽ luôn tranh thủ mọi lúc để được bên con, trò chuyện cùng con. Khi trò chuyện cùng con - mình sẽ hiểu được tâm tư, tình cảm của chúng, từ đó có định hướng suy nghĩ theo hướng tích cực cho con”.

Với nhiều bậc cha mẹ, trò chuyện thực ra là lắng nghe con mình như ý kiến của anh Mai Thanh Hùng (Q.3, TP.HCM). Do vậy, anh Hùng cho rằng không nên cắt ngang dòng suy nghĩ của con và phụ huynh cần biết rằng ở mỗi lứa tuổi, các con có những suy nghĩ khác nhau.

“Nhớ lại mình ngày xưa để học cách hiểu con, thông cảm với những dại khờ, khích lệ những điều hay ho cho trẻ, luôn là một người bạn của con thì bọn trẻ sẽ không ngại chia sẻ với mình”, chị Đỗ Thị Hòa (Q.Thủ Đức, TP.HCM) nói quan niệm và cách chị hành xử với con cái.

Theo chị Thúy Anh, có nhiều ông bố bà mẹ luôn mong con mình thế này thế kia, nên khi con nói suy nghĩ chưa tốt đã liền mắng con nặng nề. Điều đó rất nguy hiểm, vì đứa trẻ sẽ không dám nói thật nữa hoặc sẽ không bao giờ chia sẻ với ba mẹ vì nghĩ... ba mẹ ác cảm với mình.

Do vậy, ý kiến chung của các ông bố, bà mẹ chia sẻ với chúng tôi từ khảo sát nhỏ này chính là cách tiếp cận con cái rất quan trọng.

Đừng vì sự bận rộn của cá nhân mình mà không chăm sóc, lắng nghe con, đừng lấy hiểu biết của bản thân áp đặt lên con trẻ. Có những đứa trẻ cần được chia sẻ, tỉ tê tâm sự, nhưng nhiều trẻ chỉ mong ba mẹ hiểu mình, đừng nói nhiều.

Đồng thời khẳng định: thời gian cho con là một sự đầu tư để con cái không xa cách với mình, như thế, sau này sẽ gắn kết tình cảm với con cái nhiều hơn và không phải hối tiếc vì đã quá tham công tiếc việc mà “bỏ rơi” con - nhất là đến một ngày nào đó chúng đi quá xa vòng tay mình mới giật mình một cách muộn màng!

Tấm ảnh ông Tạ Văn Ngọc, 51 tuổi, ở đội 5, xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình hôn con gái Tạ Thị Yến (12 tuổi) từng gây cảm động nơi cộng đồng mạng - Ảnh: Faceboook - Quang Thế

 

Nhiều cách sẻ chia cùng con

Anh LÊ PHẠM TÂN XUYÊN (Q.1, TP.HCM): Trẻ con hay nhìn cách người lớn đối xử để bắt chước làm theo. Sự “trò chuyện” bằng hành động cụ thể sẽ in sâu vào tâm trí con trẻ, giúp hình thành nhân cách của trẻ.

Cô NGỌC ÁNH (63 tuổi, Q.Thủ Đức, TP.HCM): Dù bận cỡ nào tôi cũng dành thời gian cho con, thân thiết, đối xử công bằng với cả ba đứa. Do vậy, các con xem tôi như bạn, nên dù bây giờ các cháu đã có gia đình riêng nhưng vẫn luôn chia sẻ những chuyện vui buồn trong cuộc sống, còn xin ý kiến tôi trong những việc quan trọng nữa.

* Chị TRẦN XUÂN QUYÊN (Q.1, TP.HCM): Ở mỗi lứa tuổi, người làm cha mẹ cần trò chuyện với con theo cách khác nhau. Tôi thấy càng lớn thì trẻ càng muốn thoát ly sự bảo bọc, vì thế cứ để cho con tự do, tất nhiên là trong sự quản lý nhất định chứ không phải muốn làm gì thì làm. Khi con cái đã lớn, chúng ta chỉ nên dõi theo con, đừng theo dõi con bằng cách cấm đoán.TẤN KHÔI ghi

Tận hưởng thời gian bên con

Với cuộc sống bận rộn ngày hôm nay, các bậc cha mẹ rất khó có thể dành thời gian bên con nhưng nguyên tắc tận hưởng thời gian bên con là một nguyên tắc quan trọng trong giáo dục con cái cũng như phát triển đời sống tinh thần cho con.

Mục đích cũng như ý nghĩa của việc dành thời gian cho con chính là cha mẹ có cơ hội để hiểu về con cái. Cụ thể, thời gian bên con giúp cha mẹ tìm hiểu cách các con nhìn nhận thế giới và những điều làm các con ngạc nhiên, buồn bã, tổn thương, vui vẻ, thích thú, chán ghét hoặc kích thích sự khám phá, tìm tòi của trẻ thông qua việc trò chuyện và cùng nhau tham gia các hoạt động ngoài trời.

Trò chuyện với con cái không chỉ giúp cha mẹ hiểu con hơn, kết nối với con hơn. Thực ra, với trẻ em ngày nay, cha mẹ cũng có cơ hội học hỏi từ trẻ rất nhiều, tăng thêm sự trải nghiệm, tạo thêm động lực, niềm vui và giải tỏa bớt những căng thẳng trong cuộc sống. Nhưng để cuộc trò chuyện với con cái hiệu quả, cha mẹ cần quan tâm đến nguyên tắc lắng nghe, đồng cảm, thiện chí và có khả năng đặt bản thân mình vào vị trí để có thể chấp nhận và chia sẻ cùng với con.

Nếu cha mẹ tỏ ra hờ hững với con cái khi con trao đổi thì trẻ sẽ thiếu niềm tin, dần cũng sẽ tỏ ra hờ hững và không muốn giao tiếp, tương tác tích cực với cha mẹ nữa. Vì thế khi trò chuyện cùng con, cha mẹ cần chú ý lắng nghe điều con nói với thái độ nhiệt tình. Có như vậy, khi cha mẹ nói con cái mới nghe. Luôn luôn lắng nghe là điều cơ bản trong nghệ thuật làm cha mẹ.

Thạc sĩ tâm lý MAI MỸ HẠNH (khoa tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) - MINH TIẾN ghi

TẤN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên