08/11/2016 13:49 GMT+7

Bạo lực trong tình yêu, làm gì để tự bảo vệ mình?

TRÀ MY
TRÀ MY

TTO - Có 59% bạn nữ được hỏi cho biết từng chịu bạo hành về tinh thần, 23% từng bị quấy rối và bạo hành trên mạng, 24% từng là nạn nhân của sự quấy rối và bạo hành sau khi chia tay bạn trai/chồng.

59% bạn nữ được hỏi cho biết từng chịu bạo hành về tinh thần - Ảnh minh họa

Cuộc khảo sát do Cơ quan phụ nữ của Liên Hiệp Quốc hỗ trợ thực hiện năm 2014-2015 tại Việt Nam cho thấy tình trạng bạo lực giữa các cặp đôi trẻ đang trở thành vấn đề nóng hổi.

Nâng cao nền tảng giáo dục gia đình

Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Vũ Cẩm Vân (BV ĐH Y dược TP.HCM) cho biết có không ít hình thức bạo hành, quấy rối, khủng bố tinh thần đối phương sau chia tay mà chị từng được chính những thân chủ của mình chia sẻ.

Thường gặp nhất là liên tục nhắn tin, điện thoại chửi mắng, dọa dẫm hay đăng tải những lời miệt thị, nói xấu, những hình ảnh riêng tư, nhạy cảm lên mạng xã hội…

Nguyên nhân của vấn đề này, theo ThS Cẩm Vân, có thể là do một bên vẫn còn muốn níu kéo, không chấp nhận việc chia tay và không thể vượt qua tổn thương quá lớn, họ cố tình hành hạ, làm xấu mặt đối phương vì muốn trả thù...

“Việc thiếu kiểm soát cảm xúc có thể dẫn đến thái độ thù hằn và tâm lý trả thù, cố tình bôi xấu và những hành vi lệch chuẩn, mang tính bạo hành tinh thần người khác” - ThS Vũ Cẩm Vân chia sẻ.

Để giảm bớt nguy cơ bị bạo hành tinh thần sau chia tay, cả hai nên có ý thức chia tay có văn hóa, lịch sự, nhẹ nhàng và êm thấm. Chia tay có văn hóa là không trốn tránh, không chê bai, nói xấu, không lên án, đổ lỗi, không vội vàng bắt đầu một mối quan hệ mới...  mà nên nói chuyện thẳng thắn, chia sẻ cảm xúc thật và dành thời gian để cả hai chấp nhận sự kết thúc của mối quan hệ.

Nếu đối phương có hành vi bạo lực tinh thần thì cũng không nên tấn công trở lại bằng những hành vi xúc phạm, miệt thị.

Khi hiểu được những tổn thương tâm lý mà đối phương đang gặp phải, chúng ta sẽ bình tĩnh và có cách ứng xử lịch sự và khéo léo, thể hiện mong muốn người đó tôn trọng những cảm xúc thật của mình.

Nếu hành vi bạo hành vẫn tiếp tục gia tăng thì có thể áp dụng biện pháp im lặng, không hồi âm, chặn số điện thoại…

Ngoài ra khi cần nên báo cho những người có trách nhiệm được biết nếu bị đe dọa đến sự an toàn của bản thân.

“Tôi nghĩ trong tình yêu, quan trọng vẫn là cách ứng xử với nhau như thế nào. Nếu ứng xử văn minh, có văn hóa thì dù có tổn thương sau chia tay, đối phương cũng khó những hành vi tấn công ngược lại mình” - ThS Cẩm Vân nói.

Theo bà Vân, việc hạn chế những ứng xử không hay trong tình yêu và đẩy lùi tình trạng bạo hành phải bắt đầu từ nền tảng giáo dục gia đình.

Cha mẹ, thầy cô cần dạy con về sự tự tôn, lòng tự trọng, biết yêu quý bản thân mình và tôn trọng những người xung quanh.

“Theo kinh nghiệm của tôi, những đứa trẻ được giáo dục như vậy sẽ không dễ rơi vào tình huống bị người khác tấn công, xúc phạm. Trẻ luôn biết cách phòng vệ, biết ứng xử, ứng phó hợp lý”, bà Vân nói thêm.

Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh với trẻ rằng không chỉ yêu quý bản thân là đủ, mà còn phải biết ứng xử có văn hóa, khéo léo trong từng tình huống.

Theo bà Vân, những đứa trẻ được dạy và rèn giũa từ nhỏ thành ý thức về ứng xử có văn hóa sẽ hạn chế hành vi bạo lực dù có bị tổn thương, bị sang chấn tâm lý bởi trẻ biết cách quản lý cảm xúc, vượt qua khó khăn mà không cần dùng đến hành vi bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào.

Xây dựng một xã hội bao dung

Chia sẻ ở góc độ rộng hơn, PGS.TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc, Viện Nghiên cứu con người, cho rằng vấn đề cốt lõi vẫn là xây dựng một xã hội nhân ái, đồng cảm, sẻ chia và bao dung lẫn nhau.

“Văn hóa bao dung rất quan trọng, không chỉ trong tình yêu mà còn trong ứng xử xã hội, ứng xử cộng đồng. Tình cảm bao dung với nhau có từ trong ý thức và trong cách ứng xử truyền thống nhưng ở xã hội hiện đại, nó lại không phát huy được.

Bây giờ ra đường cứ va quẹt một tí là người ta dễ dàng nổi nóng, tỏ vẻ hung dữ, ra oai, lấn át người khác, thậm chí là dùng nắm đấm để giải quyết vấn đề”, bà Ngọc nhận xét.

Theo bà Ngọc, văn hóa-xã hội nếu có khủng hoảng sẽ tạo ra những kẽ hở để tất cả những loại bạo hành lấn át, thị uy trong xã hội, trong quan hệ nam nữ, cuộc sống gia đình…

“Bạo hành thể xác hay tinh thần đều gây tổn thương. Nói đến bạo hành, phái yếu  bao giờ cũng là đối tượng dễ bị tổn thương hơn. Chúng ta phải hướng đến một xã hội đồng cảm với văn hóa bao dung đặt lên hàng đầu.

Ở đó, khi một người hành xử sai trái sẽ có những người khác chung tay điều chỉnh thay vì làm ngơ, bỏ mặc hoặc coi là chuyện bình thường”, PGS.TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc nêu ý kiến.

Để xây dựng một xã hội bao dung với ý thức trách nhiệm xã hội tồn tại trong mỗi người, theo bà Ngọc, cần bắt đầu từ việc uốn nắn, dạy dỗ và hình thành nhân cách của những đứa trẻ.

Đối với bé gái, cần biến ý thức tự bảo vệ thành ý thức thường trực của trẻ. Việc tự bảo vệ có thể đến từ các kỹ năng như các thế võ phòng vệ, sự tự tôn và tinh thần thận trọng trước tất cả các mối quan hệ.

Đối với bé trai, theo bà Ngọc, cần dạy các bé ý thức về giới tính của mình, về ý thức sức mạnh của một người đàn ông không phải để ra oai, dùng nắm đấm mà phải dùng để bảo vệ những người yếu thế, người dễ bị tổn thương, kém may mắn… hơn mình.

“Đừng nghĩ trách nhiệm xã hội là điều gì đó quá cao siêu. Trách nhiệm xã hội nên được đặt ra từ khi các bạn còn rất nhỏ để hình thành ý thức của từng cá nhân là trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải thể hiện vai trò của mình để xây dựng một xã hội văn minh”, bà Ngọc đúc kết.

TRÀ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên