06/11/2016 09:21 GMT+7

Những chuyện hay về thiên nhiên hoang dã cho con cái

MINH PHÚC
MINH PHÚC

TTO - Sự tích các loài vật - Chuyện như thế đó của Rudyard Kipling (tác giả của Chuyện rừng xanh) và Những câu chuyện thời tiền sử của Alberto Moravia mở ra trong mắt trẻ nhỏ sự tưởng tượng phong phú, niềm ham thích khám phá thiên nhiên không giới hạn.

Ảnh: Minh Phúc
Ảnh: Minh Phúc

Sự tích các loài vật - Chuyện như thế đó của Rudyard Kipling (tác giả của Chuyện rừng xanh) và Những câu chuyện thời tiền sử của Alberto Moravia dẫn dắt người đọc đi đến cội nguồn hoang dã bằng cách kể hóm hỉnh, hấp dẫn, mở ra trong mắt trẻ nhỏ sự tưởng tượng phong phú, niềm ham thích khám phá thiên nhiên không giới hạn.

12 câu chuyện trong tập Sự tích các loài vật - Chuyện như thế đó (Rudyard Kipling - Cẩm Nhượng dịch - NXB Kim Đồng) là một mớ các gợi ý đầy tò mò: Vì sao cổ họng cá voi lại hẹp? Vì sao lạc đà có bướu trên lưng? Vì sao da tê giác sần sùi? Vì sao báo có đốm chấm? Cái vòi của con voi...

Trong những câu chuyện về loài vật của Rudyard Kipling xuất hiện con người, ở đó con người cùng sống hòa bình với loài vật, thuần hóa những con vật hoang dại để cùng tận dụng sức lực của nhau vượt qua các trở ngại của xứ sở hoang dại. Con người học từ loài vật sự thông minh, nhanh trí trong thế giới hoang sơ này.

Có 2 truyện ngắn Kipling dành kể về cô gái nhỏ Taffy, được cho là nguyên mẫu con gái ông. Đó là chuyện về Bức thư đầu tiên của loài người được viết thế nào? Và Các chữ cái được phát minh ra sao? Kỳ diệu biết dường nào, khi những người cha chia sẻ những câu chuyện cùng con gái nhỏ, từ bức vẽ đầu tiên, ý tưởng đầu tiên, cùng thảo những nét nguệch ngoạc đầu tiên về chữ viết.

Còn với Những câu chuyện thời tiền sử (Nhã Nam & NXB Văn Học) cũng là chuyện loài vật, nhưng Alberto Moravia kể chuyện bằng giọng hóm hỉnh đến kinh ngạc. Những câu chuyện của ông miêu tả thế giới hồng hoang sinh động một cách khác lạ.

24 truyện ngắn trong sách đưa người đọc thực hiện những chuyến phiêu lưu cùng với muôn loài, để khám phá giống loài, tìm vùng đất mới, hiểu về mẹ thiên nhiên, hiểu về đặc điểm lạ kỳ của cơ thể.

Ông giải thích “nước mắt cá sấu” bằng chuyện chú Cá Sấu mở vũ trường trong miệng mời các loài cá đến chơi để khỏi kiếm cái ăn ở đâu xa, nhưng bị chú cá Tầm nhỏ bé phát hiện và dạy cho bài học đích đáng.

Ông kể thời Cá Voi nhỏ xíu và có chân thì Cá Voi luôn muốn mình to lớn, nhưng lúc được to lớn thì lại trở nên ù lì ngu ngốc ra làm sao...

Nhiều câu chuyện có kết thúc không phải tốt đẹp, nhưng bạn đọc nhỏ tuổi cũng có thể nhận ra hàm ý: mọi việc đều có bản chất riêng, ý nghĩa riêng, không phải người này sẽ xử sự giống như người khác, không phải nơi này sẽ tốt hơn nơi khác.

Gần như đọc ông khiến bạn đọc hiểu trí tưởng tượng không bao giờ có giới hạn. Với người đọc lớn sẽ không khó nhận ra cách ông cài đặt ý nghĩa độc đáo qua ngữ nghĩa châm biếm của thành ngữ, tục ngữ xứ ông.

Ông cười mỉm vào thói thường của con người, dường như thời nào vẫn khó thoát khỏi những hư danh.

MINH PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên