23/10/2016 10:12 GMT+7

Đỗ Thúy Hà - công dân ưu tú giúp đỡ người mù

XUÂN LONG - V.V.TUÂN
XUÂN LONG - V.V.TUÂN

TTO - Những người gặp chị lần đầu có lẽ chỉ biết chị là chủ tịch Hội người mù quận Đống Đa, ít ai biết chị là một trong bảy đại diện của bảy nước châu Á - Thái Bình Dương từng giành học bổng Duskin du học Nhật Bản.

Chị Đỗ Thúy Hà (trái) dạy tiếng Việt cho một phụ nữ Nhật - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Chị Đỗ Thúy Hà (trái) dạy tiếng Việt cho một phụ nữ Nhật - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Hơn 10 năm theo đuổi giấc mơ tiếng Anh, 2 năm du học Nhật tìm kiếm kỹ năng lãnh đạo với người mù..., giờ chị vừa đứng lớp dạy chữ Braille (chữ nổi) và tiếng Anh cho người khiếm thị nhưng vẫn ấp ủ “giáo án đừng sợ người khuyết tật”. Chị là Đỗ Thúy Hà (sinh năm 1981), công dân thủ đô ưu tú 2016.

Chị Đỗ Thúy Hà là một người rất đặc biệt với nghị lực phi thường. Chị là tấm gương tiêu biểu về người tốt, việc tốt với những việc làm đầy nhân văn, giúp những người cùng cảnh ngộ sống tự tin, tự kiếm sống và sống có ích cho xã hội

Ông NGUYỄN ĐỨC CHUNG (chủ tịch UBND TP Hà Nội)

Giấc mơ cô giáo

“Tiếng Anh đã mang đến cho tôi thêm nhiều cơ hội trong cuộc đời. Nếu không biết tiếng Anh, có lẽ tôi không giúp gì được cho mình, cũng không có cơ hội du học để học hỏi những kiến thức, kỹ năng chia sẻ với người khuyết tật” - chị Đỗ Thúy Hà bắt đầu câu chuyện.

“Ngày còn nhỏ, những cảm nhận về đồ vật trước mặt, ánh sáng quanh tôi vẫn còn dù không sắc nét... Nhưng rồi thị lực giảm dần. Đến năm 8 tuổi thì ánh sáng không còn” - chị kể.

Theo chị, khi có kết luận chính thức từ bác sĩ, cả nhà cố gắng dành tình thương cho chị, nhưng vì còn bé nên không mường tượng được khó khăn của chuỗi ngày mất đi nguồn ánh sáng thế nào.

Ở Trường Nguyễn Đình Chiểu, kiến thức cấp I đến với chị qua chữ Braille và những bài giảng tiếng Việt. “Hồi đó, nhiều lần ở trường nghe được các thầy cô dẫn khách nước ngoài vào trường, tự nhiên tôi nghĩ nếu biết tiếng Anh thì mình sẽ có thêm những người bạn ở nước ngoài, có thêm cơ hội nghe họ kể chuyện về đất nước họ. Đó là động lực để tôi chăm học môn tiếng Anh hơn” - chị Hà nói.

“Lý lịch” tiếng Anh với chị bắt đầu từ năm lớp 6 tại Trường Nguyễn Đình Chiểu. “Bây giờ nhiều khi tôi vẫn nằm mơ thấy quãng thời gian chật vật ấy. Chúng tôi đều học bằng chữ nổi nhưng thời đó sách giáo khoa không có nhiều.

Bốn năm người mới có một cuốn nên phải chia nhau để học. Rồi ai giúp cho học là cả vấn đề. Vì thế, cách học hằng ngày của tôi là nghe chương trình dạy tiếng Anh trên đài... Cứ vậy, tôi thích môn học này và đã chọn chuyên ngành tiếng Anh để học tiếp” - chị Hà kể.

Chị Hà cho biết cái khó, cái khổ của người khiếm thị học tiếng Anh là rất ít sách tiếng Anh được phiên qua chữ nổi.

“Tài liệu và sách tiếng Anh thì quá nhiều nhưng chỉ phù hợp với người mắt sáng. Vì không thấy được nên tôi phải tìm người đọc được tiếng Anh để chép qua chữ nổi. Nhưng việc nhờ vả không dễ bởi không phải lúc nào mọi người cũng rảnh.

Tôi phải tranh thủ mọi lúc và coi mỗi lần chép cũng là một lần học. Thậm chí giờ nào em trai rảnh là tôi bắt đọc tiếng Anh cho chép” - chị Hà chia sẻ.

Năm 2000, chị quyết định dự thi Olympic tiếng Anh toàn miền Bắc do UNESCO tổ chức và là thí sinh khiếm thị duy nhất đoạt giải ba.

Những ngày cuối cấp III, chị Hà rất mong muốn trở thành cô giáo dạy tiếng Anh cho người khiếm thị. Nhưng ước mơ làm cô giáo của chị không thành vì Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm đó không nhận học sinh khiếm thị.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA
Chị Đỗ Thúy Hà - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

 

Vượt qua khó khăn

Chia sẻ về những thành tích của chị Đỗ Thúy Hà, một lãnh đạo Ban thi đua khen thưởng TP Hà Nội cho biết khi xét hồ sơ vinh danh công dân thủ đô ưu tú 2016, nhiều thành viên rất nể phục chị.

“Ngay sau khi tốt nghiệp THPT Trường Nguyễn Đình Chiểu, chị ấy đã tham gia Hội Người mù quận Đống Đa. Với mong muốn đem lại khả năng tự đọc và viết cho người khiếm thị, chị đã mở lớp dạy chữ Braille cho 15 hội viên.

Rồi đến năm 2004, vừa tham gia công tác hội, chị ấy đã thi đỗ vào khoa tiếng Anh Viện đại học Mở Hà Nội... Sau đó vượt qua cả 350 thí sinh khác giành học bổng đi du học bên Nhật” - vị lãnh đạo Ban thi đua khen thưởng TP Hà Nội nói.

Theo chị Hà, sở dĩ chị chọn thi vào khoa tiếng Anh vì Viện đại học Mở Hà Nội có tuyển thí sinh khiếm thị, nên dù không theo học làm cô giáo thì vẫn được học tiếng Anh. “Lúc thi cũng ngoại lệ, tôi thi ở một phòng riêng, giáo viên đọc đề cho tôi chép ra chữ nổi, làm bài xong tôi đọc để giám thị chép lại”.

Nhưng những ngày khó khăn nhất với chị chính là quãng thời gian gần hai năm du học nơi đất khách quê người.

“Năm 2004, đang học năm 1 Viện đại học Mở Hà Nội, tôi đăng ký học một lớp kỹ năng lãnh đạo cho người mù của Nhật Bản qua mạng.

Sau này mới biết lớp học này có 350 người của các nước tham dự nhưng chỉ thi chọn lấy 7 người. Đó cũng là quãng thời gian rất chật vật” - chị Hà nói.

Tôi hỏi quãng thời gian gần hai năm bên Nhật có người thân nào qua giúp, chị Hà cười giải thích:

“Một suất học bổng họ chi rất nhiều tiền. Họ chi trả toàn bộ tiền đào tạo, ăn, ở bên Nhật. Họ còn trang bị cho cả máy tính, máy ghi âm, điện thoại, thậm chí cả việc đi lại làm hộ chiếu, di chuyển từ đâu đến Nhật và bằng phương tiện gì cũng được trả tiền, cả trả tiền tiêu vặt.

Đương nhiên đó là học bổng dành cho người tự lo được cho mình dù khiếm thị, chứ không phải dành cho người phải có người khác chăm sóc”.

Theo chị Hà, với người thấy ánh sáng đi học xứ người đã khó, với người khiếm thị nơi đất khách còn khó hơn.

“Muốn đạt được điều gì đều không dễ dàng, không đơn giản và phải đổ mồ hôi, nước mắt. Bù lại, tôi học được nhiều điều như cách thực hiện các dự án hỗ trợ người khuyết tật, cách chăm sóc, hướng dẫn người khuyết tật phù hợp với từng công việc, cách truyền thông xã hội thay đổi nhận thức với người khuyết tật...”.

Theo Ban thi đua khen thưởng TP Hà Nội, năm 2006 sau khi du học từ Nhật về, chị Hà là cầu nối kết hợp với những người đang sống tại Nhật Bản mở lớp dạy tiếng Nhật online trên mạng cho người khuyết tật.

Chị cũng là người trực tiếp lập dự án hỗ trợ các em khiếm thị thuộc Hà Tây cũ được theo học tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội mỗi năm 15-20 em, rồi tự đi vận động ủng hộ 10 máy tính cũ để trợ giúp sinh viên khiếm thị. Liên tiếp hai năm 2008-2009, chị được Nhật Bản mời dự các hội thảo bàn về “Người khuyết tật với việc làm”. Năm 2012, chị được bầu giữ vị trí chủ tịch Hội người mù quận Đống Đa.

“Điều tôi học được bên Nhật chính là thông điệp nhân văn trong ứng xử với người khuyết tật. Ví như trước khi đi du học, mẹ có dẫn tôi đi mua váy. Khi hai mẹ con vào phòng thử thì cô bán hàng nói phòng nhỏ, không có chỗ cho hai người. Mẹ tôi nói cháu không thấy đường thì cô đáp lại: nó mù sao cần mua cái váy đẹp thế này.

Bây giờ chỗ nọ chỗ kia ở nước ta vẫn còn thiếu cảm thông, chia sẻ như vậy. Thậm chí nhiều người vẫn sợ người khuyết tật. Còn ở Nhật, người khuyết tật trên đường dù lạ hay quen luôn nhận được câu hỏi và cái nắm tay chân thành “bạn cần tôi giúp gì không?”.

Đợt học vừa rồi của tôi cũng là học cách truyền thông với mọi người, với các bạn nhỏ đang ngồi ghế nhà trường về sự nhìn nhận với người khuyết tật, đừng sợ người khuyết tật vì con người ai cũng mong muốn những điều tốt” - chị nói.

Năm 2011, Thúy Hà lập gia đình và sau đó có một con trai. Vì sẵn tính tự lập từ nhỏ nên sau khi cưới, vợ chồng chị đã quyết định ra ở riêng vì không muốn phiền thêm bố mẹ.

Dù cuộc sống gia đình còn nhiều điều phải lo toan, nhưng chị vẫn luôn sắp xếp thời gian hợp lý cho những công việc thiện nguyện giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ.

Tháng 3-2013, chị được Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tôn vinh “Tấm gương phụ nữ Việt Nam tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”.

Tháng 10-2013, chị là một trong 10 phụ nữ được Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội tặng danh hiệu Phụ nữ thủ đô tiêu biểu. Tháng 10-2016, chị là một trong chín người được TP Hà Nội vinh danh là công dân thủ đô ưu tú.

XUÂN LONG - V.V.TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên