08/10/2016 09:47 GMT+7

​7 tuần mang 2 khăn tang

THÙY TRANG
THÙY TRANG

TTO - “Đờn đứt dây còn thay còn nối. Cha mẹ mất rồi con phải mồ côi”. Hoàn cảnh của Nguyễn Nguyên (P.Bình Khánh, TP Long Xuyên, An Giang) vịn vào câu ca dao trên quả thật đau xót.

Tài sản quý giá duy nhất của Nguyên là chiếc xe đạp - Ảnh: T.TRANG
“Nói tới thằng Nguyên mà thương đứt ruột, hồi mẹ nó vừa nhắm mắt là nó vừa khóc vừa đi kiếm ông trưởng khu vực xin cho mẹ cái hòm từ thiện. Tụi tui ở đây ai cũng nghèo, người góp một ít cũng chỉ đủ trang trải mai táng cho mẹ nó
Cô TÁM (hàng xóm của Nguyễn Nguyên)

Nhà Nguyên ở ngay TP Long Xuyên là khoảnh đất nhỏ gần mé sông, mẹ Nguyên mượn của phường, dựa vào vách nhà kế bên rồi lợp thêm mấy miếng tôn đã thành nơi che mưa che nắng cho ba mẹ con. 

Không còn nước mắt để khóc nữa

Nguyên nói cha Nguyên đi làm phụ hồ ở tận Campuchia, lâu lâu gửi tiền về phụ mẹ nuôi hai anh em, còn mẹ thì đi làm ở công ty may. “Hồi đó nhà nghèo lắm nhưng có cha có mẹ, bữa nào đi học về mẹ cũng lo sẵn cơm canh cho hai anh em, thức ăn đạm bạc nhưng vui” - giọng Nguyên chùng lại.

Gương mặt sạm đen, già hơn so với tuổi 18, Nguyên kể năm học lớp 9, đang học ở trường thì có người hàng xóm đến lớp báo phải về ngay, mẹ bệnh. Lúc đó Nguyên không hình dung được mẹ bệnh nặng đến nỗi phải bỏ anh em Nguyên mà đi.

Thấy mẹ thoi thóp trên giường bệnh, Nguyên chỉ biết riu ríu theo chân mấy người cùng nuôi bệnh đi xin cơm từ thiện cho mẹ ăn, lấy nước ấm về lau mình cho mẹ. Mẹ Nguyên nằm đó thiêm thiếp với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối, chỉ một ngày thì ra đi.

Mấy ngày đầu, cô Tám và hàng xóm xung quanh người cho chút gạo, người tặng miếng cá, anh em Nguyên lót dạ qua ngày.

Bảy tuần lễ sau, vừa đủ thất của mẹ thì Nguyên hay tin cha bị tai biến mất ở Campuchia, những người bạn của cha đã chôn cha Nguyên ở xứ người vì không có tiền đưa về quê.

“Lúc mình hay tin, cũng không còn nước mắt để khóc nữa. Mình cũng không dám nói với em trai, chỉ nghĩ giờ phải làm sao có cơm cho hai anh em ăn mỗi ngày chứ đâu có xin hàng xóm hoài được” - Nguyên rớt nước mắt. 

Thầy cô đến nhà khuyên hai anh em trở lại lớp, tập sách đã có thầy cô lo, học phí cũng không phải bận tâm nhiều. Năm đó Nguyên thi đậu lớp 10 trường chuyên nhưng không học vì nghĩ chi phí cao.

Nguyên đã xin chuyển về trường cấp III bình thường để học. Sau giờ học, Nguyên làm đủ thứ việc từ chạy bàn, phát tờ rơi đến khuân vác ở chợ.

Suốt ba năm nay, Nguyên và em trai là thực khách thường xuyên của quán cơm chay miễn phí dành cho người nghèo. Lúc đầu hai anh em đến ăn cũng ngại lắm nhưng ông bà chủ thân thiện riết rồi thành quen. Bữa nào rảnh rỗi Nguyên cũng phụ quán lặt rau, rửa chén.

Nguyên bẽn lẽn nói: “Vì quán chỉ phục vụ bữa trưa nên mình ráng ăn cho no để chiều khỏi phải ăn nữa, chỉ mua thêm mì tôm cho em trai thôi”.

Chọn đường học nghề

Ba năm cấp III, Nguyên đều là học sinh giỏi, năm lớp 11 đạt nhất khối nên Nguyên được trường tặng chiếc xe đạp, cũng là tài sản quý giá nhất mà Nguyên có được. Giờ Nguyên mang chiếc xe đạp theo lên tận Sài Gòn để “có cái chân vừa đi học vừa đi làm thêm”.

Đủ điểm vào đại học nhưng Nguyên lại nộp đơn xin học ngành cơ - điện tử Trường cao đẳng Công thương TP.HCM. Lý lẽ Nguyên đưa ra: “Học cao đẳng chỉ mất ba năm, học phí lại rẻ, ra trường chắc chắn có việc làm ngay vì ngành này không làm thầy thì mình làm thợ cũng sẽ không sợ đói”.

Cô Đặng Thị Kim Phượng, hiệu trưởng Trường Nguyễn Hiền, cho biết: “Ở trường em ấy là học sinh rất ngoan, không riêng vì hoàn cảnh của em mà nhà trường mới biết đến, mà em ấy học khá giỏi, là cán bộ Đoàn năng nổ nữa. Chúng tôi có khuyên em học đại học, trường sẽ hỗ trợ nhưng những lý do em ấy đưa ra thì lại không sai chút nào”.

Lên Sài Gòn vừa đúng hai tuần, Nguyên đã nhận đi làm công đãi tiệc lưu động ở các quán ăn. Nguyên còn đang trong thời gian thử việc để đi làm gia sư.

“Hoàn cảnh của mình không được như các bạn nên phải càng cố gắng gấp hai, thậm chí gấp ba lần. Mình học xong cao đẳng cũng vừa khi em trai vào đại học, lúc đó đủ khả năng để nuôi em rồi” - Nguyên tính toán.

Nguyên cho hay em trai cũng vừa đậu vào lớp 10 trường chuyên, thực hiện được một phần ước mơ của Nguyên khi xưa. Em trai Nguyên bây giờ ngoài giờ học cũng đi lột tỏi để có thêm tiền mua sách vở. 

Không vay vốn học tập được

Chuẩn bị lên Sài Gòn học, Nguyên sắp xếp chu toàn mọi thứ, đưa di ảnh cha mẹ gửi nhờ ở chùa, em trai thì may mắn được cô tổng phụ trách Đội từ hồi cấp II của Nguyên cho ở nhờ.

Nguyên nói điều lo lắng nhất hiện nay là khi làm đơn vay vốn ở Ngân hàng Chính sách xã hội thì hoàn cảnh của Nguyên khó có thể được vay.

Mồ côi cha mẹ nhưng cha mất ở xứ người không có được giấy báo tử, sổ hộ khẩu thì chính Nguyên lại là chủ hộ nên cũng chẳng có ai làm người bảo đảm.

“Trước mắt chỉ nghĩ phải học hết mình, làm việc hết sức, cân đối tài chính trong năm học này rồi tính tiếp, tiền đầu năm cũng là đi mượn thầy cô để đóng nhập học đó chứ” - Nguyên thở dài.

THÙY TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên