06/10/2016 08:24 GMT+7

Hải quân… trên núi

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Lính hải quân lại đóng trên những... đỉnh núi cao. Đó là những người lính biển radar làm nhiệm vụ quản lý bầu trời, vùng biển.

Chính trị viên Lê Văn Chiên huấn luyện chiến sĩ radar mới quan sát và phân biệt các mục tiêu bằng khí tài quang học - Ảnh: MY LĂNG
Chính trị viên Lê Văn Chiên huấn luyện chiến sĩ radar mới quan sát và phân biệt các mục tiêu bằng khí tài quang học - Ảnh: MY LĂNG

“Nhiệm vụ hằng ngày của anh em ở trạm là quan sát, kiểm soát các tàu thuyền dân sự, quân sự và những mục tiêu lạ đi lại ở cửa biển Vũng Tàu và khu vực giàn khoan dầu khí...” - thượng úy Lê Văn Chiên, chính trị viên trạm radar 585 hải quân, đóng quân trên đỉnh núi Lớn (TP Vũng Tàu), cho biết.

40 năm chờ nước ngọt

Trạm radar 585 là một trong không nhiều đơn vị được trang bị vũ khí khí tài mới: hệ thống radar SCORE 3000. Đây là radar cảnh giới bờ biển, chuyên quan sát phát hiện mục tiêu trên biển và trên không tầm thấp. “Hầu hết anh em đều sống xa vợ con, gia đình nhưng chúng tôi hiểu rằng phải đủ khả năng và bản lĩnh để khi cần thì sẵn sàng chiến đấu với kẻ thù” - trạm trưởng, đại úy Thẩm Đức Minh nói.

Thành lập từ ngày 9-4-1975 nhưng đến tháng 5-2015 ở trạm mới có đường ống dẫn nước lên khu B. Trước đó, suốt 40 năm kể từ ngày thành lập, trạm... không có nước ngọt. Anh em cán bộ chiến sĩ dùng nước ở giếng trời vốn là cái giếng của người dân dưới khe núi, cách đơn vị 500m.

Trung úy Đinh Công Thăng, người đã có 16 năm gắn bó với trạm, bảo vì dùng chung với dân nên anh em cũng giữ ý, phải đợi 21-22g đêm mới chia nhau gánh nước về hoặc mới tắm giặt. “Ngày mà trạm có nước sạch là một sự kiện lớn” - chính trị viên Lê Văn Chiên cười nói. Anh Chiên đã có gần 5 năm công tác ở 4 nhà giàn DK1.

Chính trị viên Lê Văn Chiên nhớ lại ngày chưa có nước lên đến khu B, con đường ximăng trên núi là nơi anh em phải quét thật sạch, hạn chế đi lại để hứng nước mưa dẫn xuống bể dùng.

Đến bây giờ khu A vẫn chưa dẫn nước lên được vì ở vị trí cao quá, nên có nhiều khi ba bữa dồn lại, tối mới rửa chén một lần. Tắm xong đi lên đến nơi lại đầm đìa mồ hôi muốn đi xuống tắm lại. Anh em lính tráng cứ vừa đi vừa hát ầm ầm, cười nói chọc ghẹo nhau cho vui, quên mệt.

Quan sát trên máy radar các mục tiêu trên vùng biển được phân công - Ảnh: MY LĂNG
Quan sát trên máy radar các mục tiêu trên vùng biển được phân công - Ảnh: MY LĂNG

Vui nhiệm vụ - vui đời lính

Khu A trực chiến 24/24 giờ của trạm cao 245m so với mực nước biển nhưng hằng ngày anh em cán bộ chiến sĩ kíp trực ở đây vẫn đi bộ xuống khu B tắm rửa, gùi nước. Nhưng lên khu A sẽ thấy một sự đối lập khá thú vị: một bên là trạm radar quân đội im lắng, yên tĩnh và heo hút người, còn bên kia là khu du lịch Hồ Mây nhấp nháy điện đèn, ồn ào, đông vui, nhạc loa rộn ràng ngày đêm. Kíp trực trên khu A hầu hết là thế hệ 9X.

Thượng úy Lê Văn Chiên cho biết cứ một tuần lại thay một kíp trực, anh em lại gùi nước, cõng gạo, muối, thức ăn... leo lên. Vào những hôm mù sương mà phải thay ca trực, để bảo đảm an toàn, các anh thường hành quân vào buổi trưa. Cả tiểu đội vừa cõng nước vừa chống gậy.

Có những thời điểm vừa mưa lớn xong, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu gấp, khu A tăng cường người lên đây. Đi lên mà cây đổ, đá lăn. Ăn uống thì 9g sáng hằng ngày có tiếp phẩm lên mà cũng tùy điều kiện thời tiết.

Tiếp sau các đàn anh, trung sĩ Nguyễn Quang Đức, 23 tuổi, chiến sĩ radar người Thái Bình đang học giao thông vận tải ở Hà Nội thì quyết định nhập ngũ. “Tôi nhận ra mình không phù hợp với ngành học và luôn mong ước được trở thành một người lính. Tôi thuyết phục bố mẹ đồng ý với quyết định của mình và may mắn được gia đình ủng hộ” - anh cho biết.

Một đồng hương của anh Đức - trung sĩ Vũ Hồng Giang, 21 tuổi, cười thật hiền, bảo: “Tiếng là đóng quân ở thành phố nhưng tụi tôi... ngố lắm. Thích nhất là ngày nghỉ được xuống núi để “giải ngố”, mỗi buổi sáng - chiều được hai người đi mua đồ cá nhân trong khoảng thời gian quy định”.

Ở đây, khi không có ca trực, cách giải khuây của các chàng lính trẻ là ngồi ngắm thành phố, ngắm xe chạy ngược xuôi, ngắm tàu thuyền ra vào... Trung sĩ Nguyễn Quang Đức nói lúc mới về đơn vị buồn lắm.

“Mình còn trẻ, ở cái tuổi tung tăng còn ham vui ham chơi. Về đây ít người, xa dân, buồn lắm nhưng may là các anh rất vui và tâm lý. Chính trị viên bảo: không cho phép buồn. Thấy ai buồn là gọi lên nói chuyện, hỏi han. Các anh coi mình như em út trong nhà nên gần gũi lắm, dễ chia sẻ. Ở một thời gian thì lại thấy yêu nhiệm vụ hơn yêu đi chơi” - chàng chiến sĩ 9X kể về những kỷ niệm khi mới về trạm.

Đại úy Phạm Việt Anh (tiểu đội trưởng thông tin) kể chuyện ca trực đáng nhớ nhất. “Ngày bà xã sinh con đầu lòng, đơn vị đang có nhiệm vụ quan sát mục tiêu quan trọng mà vị trí trực của anh không có người thay thế, cha mẹ thì ở xa. Tâm sự với một cậu đã có gia đình, cậu ấy bảo phải về ngay. Mình lo quá, nghĩ mãi mới gọi cho chỉ huy, may là cũng có người thay thế. Mình “xuống núi” chở vợ đi bệnh viện thì chỉ 60 phút sau vợ sinh em bé. Vợ hơi dỗi, bảo sao không về ngay mà còn bảo đợi hết ca trực? Khổ! Với người lính như mình, nhiệm vụ luôn đặt lên hàng đầu. Nó ngấm vào máu thịt, vào suy nghĩ từ lâu rồi” - đại úy Phạm Việt Anh tâm sự.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên