09/09/2016 11:50 GMT+7

“Cây rèng” nơi cồn cát trắng

ĐOÀN THỊ NĂM (thôn 1, xã Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị)
ĐOÀN THỊ NĂM (thôn 1, xã Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị)

TTO - “Tôi đã tìm được một tia hi vọng ngay khi đang tuyệt vọng nhất” - những dòng thư của cô tân sinh viên khoa quản lý công nghiệp ĐH Bách khoa Đà Nẵng gởi cho chương trình “Tiếp sức đến trường”. Nhịp sống trẻ trích đăng lá thư dài tám trang của bạn.

Đoàn Thị Năm rong ruổi bán trứng cút luộc tại Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Đoàn Thị Năm rong ruổi bán trứng cút luộc tại Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

 * Học bổng “Tiếp sức đến trường” dành cho tân sinh viên tỉnh Quảng Trị

Trở thành một nhân viên kinh doanh là ước mơ tôi ấp ủ từ nhỏ. Thuở ấy, gia đình tôi sống nhờ vào nghề đi biển của ba và gánh hàng rong của mẹ. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh mẹ với sáu gói quà trên tay chia đều cho sáu chị em sau mỗi buổi chiều đi chợ về. Mẹ thường nói: “Làm chi chứ buôn bán đồng ra đồng vô là sướng”. Tôi đã ấp ủ giấc mơ làm kinh tế từ đó.

Gánh nặng đè thêm gánh nặng

Ngày xưa ba mẹ tôi lấy nhau cũng bị nghèo đeo đến tận cùng kẽ tóc, những định kiến cổ hủ của ông bà nội đã đè lên vai ba mẹ, để cái nghèo, cái khổ lại đèo thêm gánh nặng đông con. Thế nhưng ba mẹ vẫn chèo chống để sáu chị em đều được đến trường. Chị gái thứ ba của tôi không may mắn mắc phải căn bệnh tâm thần phân liệt. Gánh nặng đè thêm gánh nặng.

Theo bác sĩ thì chị phải sống cùng căn bệnh quái ác đó suốt đời. Năm tôi học lớp 8, dạo ấy cả làng cả xã thi nhau bỏ biển, nuôi tôm ồ ạt. Ba mẹ tôi cũng với khát vọng thoát nghèo, vay mượn tiền nuôi tôm. Cả nhà chỉ có bốn con bò là thứ quý nhất, ba cũng bán đi với hi vọng “con mình sau ni được đổi đời”.

Thế rồi vụ đầu mất trắng, vụ sau tiếp tục tôm chết hàng loạt, liên tục ba vụ nợ cũ chồng thêm nợ mới. Hàng loạt hố nuôi tôm bỏ không. Nhà nhà phá sản, người người bỏ xứ mà đi. Ba mẹ cũng đành bán lại căn nhà đang ở để chuyển về sống trong căn nhà tình nghĩa của bà nội. Mẹ tôi thấy nhà đổ nợ cũng suy sụp rồi đổ bệnh mà qua đời.

Hai chị đều đã lớn, lần lượt đi làm xa rồi lấy chồng xứ người. Ba một mình nuôi bốn đứa con và chăm sóc mẹ già. Ý thức được hoàn cảnh gia đình, mấy chị em tôi một buổi đến trường, buổi còn lại lên rú bẻ cây rèng về bó chổi rồi mang ra chợ bán.

Mỗi cái chổi bán được 1.500-2.000 đồng. Ngày kiếm được 15.000-20.000 đồng chỉ mua thức ăn hai bữa trong nhà. Thứ bảy, chủ nhật tôi lại chở vài ba chục chổi rèng từ biển lên tận chợ Đông Hà bỏ sỉ. Sáng 4g đi, đến trưa chiều mới tới.

Những ngày nghỉ hè tôi cùng em gái út xin được việc làm nhang trầm gần trung tâm thị xã. Làm cả ngày liên tục, được bao cơm hai bữa, tiền công mỗi tháng được 1,5 triệu đồng, hai chị em lấy đó sắm đồ mua sách cho năm học mới.

Chưa bao giờ bắt con ngừng học

Ba đổ nợ kéo theo đổ bệnh, bệnh hen suyễn hành hạ người đàn ông ngoài 60 tuổi hằng đêm khiến mỗi cơn ho kéo dài làm mấy chị em cũng trở mình trăn trở. Rồi ba cũng gắng gượng đi làm kiếm được đồng nào hay đồng nấy cho con đóng tiền học. Số lãi ngân hàng hằng tháng phải trả cũng làm ba mất ăn mất ngủ. Ấy vậy nhưng chưa bao giờ ba thốt ra một lời bắt con phải dừng việc học.

Ngược lại, ba luôn động viên, cố gắng vay mượn cho mấy chị em đến trường. Ngày trước ba theo nhà buôn đi bóc củi thuê nhưng vì sức khỏe yếu, người ta từ chối giữ lại. Thời gian đó ba phải để bốn chị em ở nhà, sang tận Cửa Việt xin đi biển cùng mấy tàu cá xa bờ.

Ba đã lớn tuổi lại thêm bệnh hen suyễn nên ít người nhận. Cuối cùng cũng xin được việc ở tàu cá. Ba chi tiêu dè sẻn, mỗi tuần lại về một lần mang được năm ba ký cá khô cùng ít tiền để mấy chị em tôi xoay xở cùng nhau. Cuộc sống tuy vất vả nhưng ít nhiều cũng có đồng vào, phần đóng tiền học, phần chạy miếng ăn cho mấy chị em.

Thế mà cái nạn ấy lại ập đến, như tước đi cơ hội cuối cùng để mấy chị em tôi được đi học. Cá chết hàng loạt mang theo cả ước mơ vào giảng đường đại học mà con bé 18 tuổi như tôi đang ấp ủ. Hầu hết ở các biển miền Trung, nhà nhà “treo tàu hong khói”, ba phải về lại mảnh đất chim ăn đá gà ăn sỏi này. Luẩn quẩn trong vòng nỗi lo làm sao cho con tiếp tục đi học. Có những đêm ba châm điếu thuốc nằm khẽ đưa nặng nề trên chiếc võng ở ngoài sân.

Tôi sau khi ôn thi tới khuya ra ngồi cạnh ba. Hai cha con im lặng nhìn trời tối mịt. Ba không nhìn tôi, nghẹn ngào: “Ba chưa khi mô ưng bây nghỉ học cả, nhưng tới khi ni ba cũng đã hết sức rồi. Tiền có đồng mô gửi cho con đi học thì tiền thuốc chị con lấy mô ra, rồi con út biết ăn chi mà sống”. Nói rồi ba lặng đi. Tôi cũng không nói gì, cố nén tiếng nấc, quay lại bàn học. Tôi không muốn và không cho phép mình bắt ba phải thốt ra những lời chưa bao giờ ba muốn nói.

Ngày 9-9, chương trình học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ trao 186 suất học bổng cho tân sinh viên vượt khó tỉnh Quảng Trị. Mỗi suất học bổng trị giá 7 triệu đồng, tổng kinh phí dành cho học bổng hơn 1,3 tỉ đồng. Lễ trao học bổng được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài PT-TH Quảng Trị vào lúc 20g15.

Tổ chức: báo Tuổi Trẻ, Tỉnh đoàn, Hội Khuyến học, Đài PT-TH và báo Quảng Trị.

Tài trợ: Câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị” và các nhà hảo tâm tại Quảng Trị.

Bạn Đoàn Thị Năm vào Đà Nẵng từ đầu tháng 7 khi vừa thi xong đại học. Năm được chị gái (hiện đang học ĐH Sư phạm) xin cho làm phục vụ quán cơm với mức lương 800.000 đồng/tháng. Được hơn một tuần, hai chị em Năm bán thêm trứng cút dọc các quán xá Đà Nẵng. Có khi bán xong hai chị em về đến phòng trọ thì đã gần nửa đêm.

Ngày đầu tiên nhập trường, Năm phải nộp gần 5 triệu đồng, mà hơn một tháng qua tằn tiện lắm Năm mới kiếm được 2 triệu.

"Tôi quyết định học quản lý công nghiệp - một ngành kinh tế ở ĐH Bách khoa vì lý do: đời sống ở khu vực gần trường này thấp hơn so với khu vực Trường Kinh tế nên năm năm học tôi có thể tự lo cho bản thân" - cô tân sinh viên 18 tuổi chia sẻ tính toán của mình.

Q.NAM

ĐOÀN THỊ NĂM (thôn 1, xã Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên