09/09/2016 20:12 GMT+7

Bốn chị em mồ côi và nỗi lo ngày em trai nhập học

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - Em trai thi đậu đại học, nhưng hai người buộc phải chấp nhận cho em chuyển xuống học nghề tại một trường cao đẳng để thời gian học ngắn lại và mức học phí hằng tháng thấp hơn để chờ ngày ra trường.

Bữa cơm đạm bạc và trống trãi mỗi ngày của hai anh em Thành và Thơ trước ngày Thành vào nhập học ở Sài Gòn - Ảnh: QUỐC NAM
Bữa cơm đạm bạc và trống trải mỗi ngày của hai anh em Thành và Thơ trước ngày Thành vào nhập học ở Sài Gòn - Ảnh: QUỐC NAM

Hai người chị rất day dứt vì quyết định này. Nhưng đúng là không có nhiều sự lựa chọn. Bởi nhà chỉ còn bốn chị em. Bố mẹ đều đã khuất núi cách đây nhiều năm. Và “lỡ” như chị lấy chồng giữa chừng thì sợ không ai nuôi em ăn học.

Quyết định khó khăn

Ngôi nhà mấy chị em đang ở nằm trơ trọi giữa cánh đồng làng. Ngày thường vốn đã buồn, mấy hôm nay càng buồn hơn bởi sắp đến ngày đứa em thứ ba trong nhà phải xa nhà vào Sài Gòn học.

Phải đợi khá lâu mới có tiếng xe máy hướng về ngôi nhà nhỏ này. Đó là tiếng xe của Lê Thị Thi, người chị thứ hai, đang làm kế toán cho một nhà hàng tại TP Đông Hà và hiện cũng đang là “chủ” trong nhà. Trên Thi còn một người chị tên Lê Thị Thắm, đang làm kế toán cho một công ty tư nhân tại TP.HCM.

Thi kể kỳ thi ĐH vừa rồi, Thành đăng ký vào ngành công nghệ kỹ thuật điện - điện tử thuộc Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Thành được 18 điểm, đủ điểm đậu vào ngành này. Đó cũng là giấc mơ của Thành bấy lâu nên khỏi phải nói Thành vui thế nào.

Để chúc mừng cho em, tối đó trên đường đi làm về, Thi ghé vào chợ mua thêm ít thịt về kho cho bữa cơm tối của mấy chị em. Xong bữa tối, một cuộc “họp trực tuyến” qua điện thoại giữa hai người chị được mở để bàn bạc về việc sắp tới sẽ cho Thành đi học đại học bằng cách nào.

Thắm lương hiện được 5 triệu đồng mỗi tháng. Lâu nay ở nhờ nhà bà con trong Sài Gòn nên mỗi tháng dư được 1 triệu gửi về nhà phụ nuôi em. Lương Thi được 3 triệu, vừa lo chi tiêu cá nhân, vừa lo cơm áo hằng ngày cho hai đứa em nên tằn tiện lắm thì mới khỏi đi mượn.

“Sắp tới nếu Thành vào học nữa thì chị Thắm phải ra thuê trọ để hai chị em ở chung. Tiền học đại học xa nhà nhiều gấp mấy lần học cấp III ở quê. Rồi nhiều loại sinh hoạt phí phát sinh nữa…”, hai chị em thở dài.

Nhưng Thành hiểu nỗi lo của hai chị. Bữa cơm hôm sau, Thành nói với chị rằng mình không theo học đại học nữa mà sẽ học nghề cơ khí tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (TP.HCM). “Học cao đẳng chỉ mất ba năm, học phí thấp hơn nên sẽ đỡ gánh nặng cho hai chị”, Thành nói.  

Thành chuẩn bị một ít sách vở mang theo để nhập học - Ảnh:  QUỐC NAM
Thành chuẩn bị một ít sách vở mang theo để nhập học - Ảnh: QUỐC NAM

Không dám nghĩ đến chuyện lấy chồng

Chú Lê Văn Cường, ở gần nhà Thành nhất, kể nhiều khi thấy thương mấy chị em lắm, nhưng người quê cơ cực như nhau nên nhiều lắm chỉ giúp được mấy việc lặt vặt. “Cả bốn chị em đứa nào cũng học giỏi, chịu khó. Chỉ là giờ không còn cha mẹ nữa thì không biết tụi nhỏ có tự nuôi nhau đi học đến cuối cùng được không đây”.

Thành kể năm 2003, ba của Thành đột ngột bị tai biến mạch máu não khi vừa từ ngoài ruộng về. Suốt ba năm liền, ba Thành nằm một chỗ. Bao nhiêu thóc gạo trong nhà đều bán để chạy chữa cho ba.

Đến năm 2006, ba Thành qua đời. Hai người chị đầu của Thành vào đại học trong sự tảo tần của người mẹ. Năm 2010, chính vì lý do này nên Thi, chị thứ hai của Thành, đã được ban tổ chức học bổng Tiếp sức đến trường tặng một suất học bổng trị giá 4 triệu đồng để vào Đại học Kinh tế Huế.

Thành nói 4 triệu đồng đó bằng hơn 1 tấn lúa mẹ làm. Nếu không có suất học bổng này, chị của Thành đã không thể đi nhập học. Thời điểm đó Thành tưởng rằng gia đình mình đã rơi vào chỗ bi đát nhất.

Nhưng rồi đến năm 2014, mẹ Thành cũng kiệt sức, ngã quỵ. Bác sĩ chẩn đoán mẹ Thành bị ung thư giai đoạn cuối. Một thời gian ngắn sau thì mẹ Thành cũng mất.

Bốn chị em bơ vơ trong ngôi nhà trơ trọi giữa đồng. Khi đó, chị Thắm đã vào Sài Gòn tìm việc, chị Thi vừa mới tốt nghiệp ĐH Kinh tế Huế. Hai chị em trở thành người gánh vác gia đình khi vừa ngoài hai mươi tuổi. “Chỉ khác là lúc đó em còn mẹ. Giờ Thành bước vào giảng đường khi cả ba và mẹ đều mất”, Thi chia sẻ.

Ngôi nhà không có bóng dáng người cha, người mẹ, chỉ có ba chị em quây quần bên nhau – ảnh: QUỐC NAM
Ngôi nhà không có bóng dáng người cha, người mẹ, chỉ có ba chị em quây quần bên nhau – Ảnh: QUỐC NAM

Thắm đi làm ở Sài Gòn. Thi đi làm cả ngày ở Đông Hà nên mỗi ngày hai anh em Thành và Thơ tự chăm sóc nhau. Thiếu sự chăm sóc của ba mẹ từ sớm nên Thành gầy như một cậu học sinh cấp II. Ngôi nhà của mấy chị em Thành đang ở thấp lè tè, mái thủng lỗ chỗ và rất trống trải vì vắng bóng người lớn.

Khi chúng tôi đến cũng là lúc Thành đang chuẩn bị bữa cơm trưa cho hai anh em. Gian bếp lụp xụp vẫn quá rộng với mâm cơm của hai em. “Nhiều khi đi học về qua những nhà khác trong làng, thấy mâm cơm có ba có mẹ cùng ngồi ăn, tủi thân vô cùng”, Thành nói.

Hai chị của Thành năm nay đã 27 và 25 tuổi. Nhưng khi nhắc đến chuyện lập gia đình, Thi vẫn lắc đầu. Phải đến khi Thành ra ngoài, Thi mới tâm sự rằng mấy năm nay hai chị em thậm chí không dám nghĩ đến chuyện yêu đương chứ chưa nói chuyện lập gia đình riêng, vì phải lo cho hai em ăn học.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên