21/08/2016 09:47 GMT+7

Xin tiếp sức cho 
3 cô học trò của tôi!

LÊ TRIỀU SƠN (phó hiệu trưởng  Trường THPT Gia Hội, Huế)
LÊ TRIỀU SƠN (phó hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội, Huế)

TTO - Niềm vui vỡ òa nhưng nỗi lo vẫn ngập tràn đối với ba cô học trò. Các em đang tất bật làm thêm để kiếm tiền nhập học, không biết có đủ để đóng các khoản đầu năm...

Ba người bạn chung lớp, chung trường, chung hoàn cảnh nghèo. Từ trái sang: Mỹ Ngọc, Khánh Linh, Như Ý - Ảnh: TRIỀU SƠN
Ba người bạn chung lớp, chung trường, chung hoàn cảnh nghèo. Từ trái sang: Mỹ Ngọc, Khánh Linh, Như Ý - Ảnh: TRIỀU SƠN

Mấy hôm nay, điện thoại của tôi liên tục reo vang: “Thầy ơi, em đậu rồi”. Tin vui đầu tiên là Hà Mỹ Ngọc, cô bé sống trong căn nhà do nhà trường phát động xây dựng qua chương trình “Góp gạch xóa nhà tạm cho bạn”, đã đậu Trường đại học Sư phạm Huế ngành toán với tổng số điểm 31 (toán nhân hệ số 2) và Trường đại học Nông lâm Huế ngành công nghệ thực phẩm với 22 điểm. 

Trương Thị Khánh Linh đỗ cả khoa du lịch Đại học Huế (19 điểm, khối A) và Trường đại học Ngoại ngữ Huế (22 điểm, khối D). Đặng Thị Như Ý đậu Trường đại học Kinh tế Huế ngành kế toán với 20 điểm và Trường đại học Nông lâm Huế ngành chăn nuôi (19,25 điểm).

Gia đình Hà Mỹ Ngọc sống trong mảnh đất sau hẻm của dòng họ. Cha làm phụ thợ nề, lớn tuổi và mất sức nên công việc rất bấp bênh. Mẹ thường xuyên đau yếu nên làm nội trợ. Hằng ngày, ngoài giờ học, anh chị em Ngọc nhận hàng gia công của chủ về làm.

Mặc dù vậy, cha mẹ vẫn ráng sức vay mượn cho con được đến trường. Anh trai phải đi làm xa, cuộc sống chật vật chưa có khả năng giúp đỡ gia đình, lại còn phải trả ngân hàng vay vốn sinh viên. Chị gái đang là sinh viên, vừa học vừa làm. Còn Ngọc có lần định nghỉ học để có thời gian giúp sức cho anh chị. May mà được nhà trường và bè bạn quan tâm giúp đỡ, Ngọc đã vượt qua nỗi lo.

Trong ngày khánh thành ngôi nhà của Ngọc do nhà trường giúp đỡ năm 2014, Ngọc nói: “Em phải học thật tốt để khỏi phụ lòng thầy cô, bè bạn và cha mẹ”. Ba năm học cấp III, Ngọc đều vươn lên đạt danh hiệu học sinh giỏi và luôn dẫn đầu trường.

Trương Thị Khánh Linh, “hạt mít” của lớp nhưng rất hoạt bát, thông minh. Linh rất ý thức sự khó khăn của mình. Cha đi bán vé số kiếm cơm từng bữa cho gia đình, vất vả bệnh tật và tuổi đã lớn nên công việc không được thường xuyên. Mẹ phải đi làm thuê cho gia đình khác từ sớm đến tối. Bởi vậy công việc nhà và cố gắng học tốt là món quà lớn nhất của Linh dành cho cha mẹ.

Khi được hỏi khó khăn có ảnh hưởng đến việc học tập không, Linh vui vẻ đáp: “Dạ không thầy, đó chính là động lực để em có ý thức tự học tốt. Vươn lên trong học tập và rèn luyện là con đường duy nhất để thoát nghèo”.

Đặng Thị Như Ý, cô bé mồ côi cha từ nhỏ, mẹ mang trong mình căn bệnh huyết áp thấp, có lúc vấp ngã hoặc đôi lần ngất xỉu khi đi làm thuê cho các gia đình. Anh cả mang căn bệnh tim nhưng cũng ráng làm thuê để đỡ đần cho mẹ, anh Ba thì tàn tật không làm được việc. Cô con gái út chính là người lo toan tất cả công việc của một gia đình.

Ngoài giờ học ở trường, xong việc bếp núc là Như Ý nhận hàng thủ công về làm, có lúc phải làm đến gần sáng mới kịp hàng cho chủ, nhiều khi không kịp ăn ổ bánh mì lót lòng và chạy thẳng đến trường để kịp giờ vào lớp.

Dẫu vậy em luôn được thầy cô và bạn bè thương yêu vì sự tự tin, chăm chỉ, chịu khó. Đặc biệt, Như Ý có tính hài hước. Có lần em bảo: “Tên mình là Như Ý thì chắc chắn cuộc đời sau này sẽ là như nguyện, như mơ”.

Niềm vui vỡ òa nhưng nỗi lo vẫn ngập tràn đối với ba cô học trò. Các em đang tất bật làm thêm để kiếm tiền nhập học, không biết có đủ để đóng các khoản đầu năm... Một đoạn đường gian khó đang chờ đợi các học trò tôi ở phía trước.

LÊ TRIỀU SƠN (phó hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội, Huế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên