15/08/2016 08:27 GMT+7

Gặp gỡ tác giả “Reading Raphael in Hanoi”

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Giải nhất cuộc thi viết quốc tế (Writing Prize) là bài phân tích kiệt tác “Trường Athens” của danh họa Phục hưng Raphael. Tác giả bài viết là Nguyễn Tiến Thành, học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội, Amsterdam.

Nguyễn Tiến Thành nhận giải nhất cuộc thi viết quốc tế với tác phẩm Reading Raphael in Hanoi tại thủ đô Washington, Mỹ ngày 17-5-2016 - Ảnh: Đ.T.H.
Nguyễn Tiến Thành nhận giải nhất cuộc thi viết quốc tế với tác phẩm Reading Raphael in Hanoi tại thủ đô Washington, Mỹ ngày 17-5-2016 - Ảnh: Đ.T.H.

“Một bài thi nổi bật vì đã giải thích phong phú bức bích họa và mô tả một cách sâu sắc và hấp dẫn sự liên hệ của bức bích họa đối với cuộc sống của cậu ấy ở thành phố đương đại Hà Nội

Nhận xét của ban giám khảo

Bài luận mang tựa đề “Reading Raphael in Hanoi” vượt qua hơn 2.000 tác phẩm dự thi khác của học sinh trung học đến từ 44 quốc gia. Ban giám khảo cuộc thi do báo The Atlantic với Tổ chức phi lợi nhuận College Board có trụ sở tại Mỹ đồng tổ chức.

Được truyền cảm hứng

Tác phẩm đang gây xôn xao giới học thuật bởi bộ óc phân tích tác phẩm tuyệt vời cùng với văn phong tinh tế và sắc sảo bằng ngôn ngữ tiếng Anh.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, nhà nghiên cứu xã hội, phải thốt lên ngạc nhiên trên trang Facebook cá nhân: “Giọng văn của Thành giản dị, cấu trúc bài chặt chẽ và chắc chắn. Với Thành, tác phẩm của Raphael không phải để thần thánh hóa các triết gia, mà là một lời ngợi ca quá trình học hỏi. Bài học mà em rút ra từ tác phẩm là những nhà tư tưởng vĩ đại không phải là để cho chúng ta tôn trọng một cách không hoài nghi, mà là để cho chúng ta hoài nghi một cách tôn trọng”.

Khi sang thủ đô Washington nhận giải nhất cuộc thi viết vào ngày 17-5-2016, ban tổ chức yêu cầu Thành phát biểu về tác phẩm của mình. Bạn nói: “Tôi được truyền cảm hứng bởi ý niệm rằng “Trường Athens” đại diện cho một thư viện cá nhân, vì nó cho thấy nếu chúng ta nhận ra sự cần thiết phải từ bỏ những thói quen của mình trong việc học tập ở trường, và nỗ lực trở thành những người có suy nghĩ độc lập và quan tâm tới những cuốn sách, chúng ta vẫn có thể có được sự thông thái thật sự. Thêm vào đó, bối cảnh lịch sử của bức tranh khiến tôi hi vọng rằng trong tương lai, công cuộc tìm kiếm tri thức ở VN có thể phát triển rực rỡ”.

Trước các quan khách, Thành cũng bày tỏ ngày càng nhiều người đi du học và làm việc ở nước ngoài, sau đó họ mang trở về những tư tưởng mới, những phương pháp học tập mới cho thế hệ sau. Số người học ngoại ngữ ngày càng tăng đồng nghĩa với việc những tác phẩm của các nhà tư tưởng cởi mở hơn có thể được dịch ra, được nghiên cứu và thảo luận.

Thành cũng ví dụ ở Hà Nội có một tổ chức không chính thức tên là Integrity Network đã tập hợp một nhóm các nhà lý luận hàng đầu và các sinh viên ngành khoa học xã hội nhân văn, thảo luận về những cuốn sách, tranh luận với các chuyên gia về nhiều chủ đề.

Thích học tiếng Anh bằng đọc sách

Khuôn mặt cậu học sinh 18 tuổi trông rất sáng sủa với cặp kính dày cộm. Gặp chúng tôi, Thành khá rụt rè và kiệm lời.

Vì sao chọn một tác phẩm khó và đã có rất nhiều người phân tích? Thành chia sẻ bạn đã định hướng đi du học nước ngoài nên mong muốn tìm hiểu văn hóa và văn học của phương Tây, trong đó có hội họa, triết học và đặc biệt yêu thích bức bích họa này.

Thành cho biết phần tâm đắc nhất của bạn là phân tích tác phẩm vì đã đưa được góc nhìn cá nhân liên quan đến môi trường học tập. Khó khăn nhất để viết bài luận này, theo Thành, chính là đưa ý tưởng của mình lên giấy.

“Thông tin có rất nhiều nên làm thế nào để tổng hợp và đưa ra một bài viết hoàn chỉnh thực sự là thử thách lớn. Mình dành nhiều thời gian chỉnh sửa từng câu, từng chữ và phải mất một tháng để hoàn thành bài viết” - Thành nói.

Nhà giáo Lê Thị Oanh - hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội, Amsterdam - nói bà không quá bất ngờ về thành tích của Thành: “Trường Hà Nội, Amsterdam có rất nhiều học sinh như Nguyễn Tiến Thành vì các em được học trong một môi trường giáo dục mở, tự do học thuật, tôn trọng và lắng nghe phản biện của học sinh. Thầy cô ở trường luôn khích lệ sáng tạo và tạo cơ hội cho các em thử nghiệm các ý tưởng nên học sinh được phát triển hết tiềm năng”.

Thành chia sẻ bí quyết học tiếng Anh của bạn là đọc nhiều sách tiếng Anh. “Cuối cấp II mình bắt đầu đọc nhiều truyện tiếng Anh. Quyển sách tiếng Anh truyền cảm hứng cho mình yêu thích học tiếng Anh là tiểu thuyết Kiêu hãnh và định kiến (tiếng Anh: Pride and Prejudice), tác phẩm nổi tiếng của nhà văn người Anh Jane Austen”.

Hiện nay Thành chuyển sang đọc thêm sách non-fiction (những tác phẩm không hư cấu) như triết học và lịch sử. Thành cho biết sở dĩ bạn tìm thấy niềm yêu thích trong việc học tiếng Anh vì đây chính là một công cụ để cậu tiếp cận và trau dồi kiến thức.

“Ngày cháu còn bé, tôi muốn cháu học tốt tiếng Anh nên ra điều kiện là đọc hai quyển sách tiếng Anh mới được đọc một quyển sách tiếng Việt. Mỗi lần đi công tác, tôi cũng mua sách về cho cháu, chủ yếu là các sách phù hợp với sở thích của Thành” - bà Đỗ Thị Hiền, mẹ Thành, kể.

Đạt điểm SAT: 2380/2400

Nguyễn Tiến Thành đạt điểm SAT (một trong những kỳ thi chuẩn hóa cho việc đăng ký vào một số đại học tại Mỹ) là 2380/2400. Thành cũng vừa nhận được học bổng của bảy trường đại học danh tiếng gồm: Duke, Johns Hopkins, Amherst, Colgate, Carleton, Macalester và Dickinson.

Thành quyết định theo học Duke University với mức học bổng toàn phần, tổng trị giá hơn 300.000 USD cho bốn năm ĐH.

Thành còn đoạt giải đặc biệt cuộc thi viết cảm nhận về hai cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm (Việt Nam) và Anne Frank (Hà Lan) và được Đại sứ quán Hà Lan trao tặng một chuyến tham quan đến Viện Bảo tàng Anne Frank tại đất nước Hà Lan.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên