14/08/2016 10:01 GMT+7

Những nụ cười từ đảo xanh

NGọC HIểN
NGọC HIểN

TTO - Cả tuần nay, trẻ em trên đảo Thổ Chu (xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc, Kiên Giang) tập trung đông đúc ở khu vực phía trước đền tưởng niệm Thổ Chu để vui đùa bên xích đu, cưỡi vịt, đi thang dây... ở khu vui chơi thiếu nhi vừa mới được 
xây dựng.

Trẻ em Thổ Chu nô đùa bên sân chơi ở ấp Bãi Ngự do các sinh viên TP.HCM thiết kế, xây dựng - Ảnh: NGỌC HIỂN
Trẻ em Thổ Chu nô đùa bên sân chơi ở ấp Bãi Ngự do các sinh viên TP.HCM thiết kế, xây dựng - Ảnh: NGỌC HIỂN

“Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để sau ba năm gắn bó với Thổ Chu sẽ để lại những dấu ấn đặc biệt của sinh viên TP.HCM trên hòn đảo này

Anh Lâm Đình Thắng

Hiện hòn đảo này đã có 544 hộ với 2.031 nhân khẩu nhưng đây là lần đầu tiên ở Thổ Chu có một sân chơi đúng nghĩa cho trẻ em - một trong nhiều công trình mà 35 sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh của TP.HCM đã gửi đến đảo xanh.

Con ngư dân lần đầu học tin học

Ngồi bên căn phòng vừa mới được lắp đặt 30 chiếc máy tính để bàn mới toanh, thầy giáo Phạm Văn Tiệp, hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Thổ Châu, hào hứng nói: “Ngay năm nay, 350 học sinh của trường sẽ được học một môn mà cả nước đã học lâu lắm rồi. Đó là môn tin học”.

Suốt 16 năm qua kể từ ngày lập trường, đây là năm đầu tiên nhà trường có phòng máy tính và được kết nối Internet để học sinh học môn tin học, con em ngư dân sẽ bớt thiệt thòi. Theo thầy Tiệp, có một phòng máy là ước mơ của các thầy cô mấy năm qua nhưng không ngờ lại trở thành hiện thực nhờ chương trình Mùa hè xanh.

Cách trường học mấy bước chân, khu vui chơi trẻ em nằm ở ấp Bãi Ngự cũng vừa mới hoàn thành. Từ bãi Dong sang bãi Ngự chừng 6km, đi đường nào cũng quanh co dốc núi nhưng chiều nào trẻ em ở bãi Dong cũng hùa nhau đạp xe qua bãi Ngự để nô đùa với những trò chơi lạ mắt.

Tiếng cười, tiếng hò hét vang lên từ những khuôn mặt rạng rỡ của các em khi đi thang dây, chơi xích đu... khiến ấp Bãi Ngự luôn luôn rộn ràng.

Anh Võ Văn Thành (27 tuổi) cho biết con cái vui bao nhiêu thì những bậc phụ huynh trên đảo cũng thấy ấm lòng bấy nhiêu. Ra đảo đã 17 năm, anh Thành chứng kiến trẻ em trên đảo chỉ có duy nhất một trò chơi vọc cát. Sáng, trưa, chiều, tối các cháu đều làm bạn với cát.

Nhưng bây giờ, đêm hay ngày các cháu cũng có thể ra sân chơi bởi khu vực này đã được lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời sáng đèn thâu đêm.

Cho đi và được nhận về

11g đêm, nữ sinh viên Nguyễn Thị Vân (ngành sư phạm mỹ thuật, Trường ĐH Sài Gòn) vẫn trèo lên trên giàn giáo, miệt mài sơn lại cột mốc chủ quyền. Cả tháng nay mưa liên tục nên Vân phải tận dụng những thời điểm trời tạnh để tô vẽ các bức họa về chủ quyền biển đảo ở trường mẫu giáo, trường tiểu học và cột mốc chủ quyền.

Ngày 9-8 vừa rồi, trong khi bạn bè hào hứng về trường dự lễ tốt nghiệp thì Vân vẫn hăng say với hoạt động tình nguyện trên đảo dù Vân là thủ khoa đầu vào và đầu ra của ngành.

“Được lên bục nhận hoa trong ngày lễ tốt nghiệp là một điều mình mong muốn nhưng nhận những lời cảm ơn, những nụ cười và lời khen ngợi của người dân với các bức họa chủ quyền biển đảo do tự tay mình vẽ cũng là điều rất quý” - Vân bộc bạch.

Còn với sinh viên Võ Tình (Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM), những con đường bêtông, công trình thiếu nhi hay cột mốc chủ quyền được tân trang, xây dựng do chính Tình thiết kế và tham gia thi công là nơi áp dụng những kiến thức đã học.

Từ những vấn đề phát sinh trong quá trình thi công trên đảo, Tình đã lẩy ý tưởng cho đề tài khoa học về vấn đề xử lý móng trên nền đất cát để tới đây sẽ tiến hành nghiên cứu.

“Các đề tài về xử lý móng trên nền đất sét hay bùn có rất nhiều nhưng trên nền đất cát ở biển đảo còn ít nên chuyến đi này mình đã có thêm kiến thức thực tiễn và ý tưởng nghiên cứu khoa học để sau này sẽ trở lại đảo” - Tình chia sẻ.

Tương tự, nữ sinh Nguyễn Thị Kim Hồng (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cũng đã hình thành ý tưởng cho khóa luận tốt nghiệp của mình vào năm học mới này, đó là làm sao phát triển du lịch trên đảo Thổ Chu nhưng vẫn giữ gìn hệ sinh thái của đảo.

Suốt 20 ngày tình nguyện trên đảo, nữ sinh viên ngành du lịch này nhận ra tiềm năng du lịch của Thổ Chu rất lớn bởi có những ghềnh đá đẹp, bãi biển hoang sơ và xung quanh Thổ Chu có Hòn Nhạn và Hòn Từ đẹp tuyệt vời nhưng du khách đến rất ít.

Do đó, Hồng dự định sẽ trở lại đây tìm hiểu để làm khóa luận về phát triển du lịch biển đảo cũng như cách thức bảo vệ vẻ hoang sơ vốn có của Thổ Chu.

Anh Lâm Đình Thắng - phó bí thư thường trực Thành đoàn TP.HCM - cho biết trong hai năm tiếp theo, chương trình Mùa hè xanh của TP.HCM sẽ tiếp tục đến Thổ Chu để tổ chức những hoạt động, xây dựng những công trình thiết thực góp phần nâng cao đời sống của người dân trên đảo.

Trong đó, tuổi trẻ TP sẽ chú trọng đến những hoạt động cải thiện giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho thanh thiếu niên và thúc đẩy sự phát triển về du lịch.

Cảm ơn bạn đọc báo Tuổi Trẻ

Ông Đỗ Văn Dừng, chủ tịch UBND xã Thổ Châu, gửi lời cảm ơn đến bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã tài trợ ba hệ thống lọc nước uống tại vòi trị giá 150 triệu đồng cho đảo Thổ Chu. Nguồn nước ngầm ở hòn đảo này bị nhiễm mặn theo mùa, độ cứng trong nước cao nên có những thời điểm không thể sử dụng nguồn nước để uống và nấu nướng.

Từ đó, báo Tuổi Trẻ đã quyết định tặng và lắp đặt hệ thống lọc nước tại hai trường học và một cụm dân cư.

Theo ông Dừng, nhờ những chiếc máy lọc nước này mà học sinh đến trường sẽ không còn phải mang theo nước để uống như trước kia và người dân cũng sẽ thoải mái có nước sạch để dùng vào mùa khô.

NGọC HIểN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên