12/08/2016 10:02 GMT+7

“Ngọn núi” sau niềm vui tuyển thẳng của cô học sinh giỏi

PHAN TUYẾT - THIỆN TRÍ
PHAN TUYẾT - THIỆN TRÍ

TTO - Người ta thì mơ trúng tuyển, còn cô học sinh Nguyễn Thị Khánh Dung (Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo, TP Phan Thiết, Bình Thuận) thì hi vọng giấc mơ của mình thành sự thật sau khi được tuyển thẳng.

Khánh Dung phụ mẹ làm bánh - Ảnh: TH.TRÍ
Khánh Dung phụ mẹ làm bánh - Ảnh: TH.TRÍ

Bà Nguyễn Thị Loẹt (55 tuổi, ngụ thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc) - mẹ Dung - nói thấy con bé đi học từ nhỏ đến giờ đều là học sinh giỏi khiến bà rất tự hào. Nhưng giờ khi cô bé sắp vào ĐH bà lại đâm lo.

Làm mấy chục ngàn mà đi học tới tiền triệu?

Chồng bà Loẹt mất đã một năm nay sau nhiều năm mang bệnh. Hằng ngày bà Loẹt đi tráng bánh tráng thuê, bữa nào không đi thì làm bánh hòn (loại bánh dẻo làm bằng bột mì, viên tròn) đi bán dạo. “Tui kiếm mỗi ngày được 40.000-50.000 đồng, nghe nói nếu bé Dung vào Sài Gòn thì tính bằng tiền triệu không à…” - người đàn bà còn có đứa con gái nhỏ học cấp II tâm sự.

Ở thị trấn Phú Long này không phải gia đình nào cũng có con được vào học cấp III Trường chuyên Trần Hưng Đạo. Suốt ba năm học THPT, hằng ngày Dung cần mẫn đạp xe cọc cạch trên đoạn đường gần 10km đến trường. Buổi sáng đạp xe còn đỡ, trưa về trời nắng gắt, Dung cứ lầm lũi trên con đường dài hun hút, vai ướt đẫm mồ hôi.

Hôm nào học cả ngày, mẹ bới cho Dung cặp lồng cơm để ăn trưa. “Mình đi đi về về cho đỡ tốn tiền, chứ ở ký túc xá có tiết kiệm hết cỡ thì một tháng cũng hơn 1 triệu tiền ăn, nhà mình không có tiền để đóng đâu” - Dung giải thích. Dung kể đạp xe dần cũng quen, chỉ sợ hôm trời gió không thể đạp xe nổi, gió thổi khiến xe và người cứ tròng trành và xe hư bất thường dọc đường.

Dung nhớ lại khi cha còn sống, khỏe mạnh đi làm thì gia đình ít khổ hơn. Chuyện không may xảy ra khi ba Dung bị tai nạn giao thông, mang tật suốt đời cùng với căn bệnh thần kinh tọa và hoàn toàn mất sức lao động. Gia đình Dung chạy chữa đủ cách cho cha, trong khi nợ mới chồng nợ cũ, rồi mẹ Dung cũng bị tai nạn xe máy dẫn đến mất sức lao động.

“Thương mẹ vất vả mình tranh thủ thời gian đến trường rồi về đến lò bánh phụ mẹ làm thêm nhưng tiền công chỉ đủ chi tiêu cho ba người. Mình cũng phải ráng học nữa” - Dung nói. Ngoài đi học, phụ mẹ làm việc, ở nhà Dung để một chiếc tủ nhỏ bán tạp hóa những món lặt vặt, kiếm thêm ít tiền cho gia đình.

“Nhưng phải đi học tiếp”

12 năm liền đạt học sinh giỏi và sở hữu một bảng thành tích học tập với nhiều giải thưởng trong tỉnh và cấp quốc gia. Trong thời gian học cấp III, Dung lần lượt đoạt giải ba, giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh, huy chương đồng kỳ thi tiếng Anh trên Internet toàn quốc.

Lớp 11 Dung đoạt giải nhì tiếng Anh cấp tỉnh, huy chương đồng tiếng Anh cấp quốc gia và huy chương bạc Olympic toàn miền Nam.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua, Dung đạt điểm thi các khối A1 và B lần lượt là 23,38 và 23,18 điểm, được tuyển thẳng vào khoa tiếng Nhật Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (ĐHQG TP.HCM). Nhưng liệu thành tích ấy có biến thành sự thật?

Bà Loẹt hứa với con gái “dù ra sao cũng phải lo cho con học hành đến nơi đến chốn”, nhưng bà cũng đang tìm cách giải quyết cái ăn trong nhà hằng ngày vẫn lo chưa xong. “Nó học giỏi vậy mà phải nghỉ học ở nhà làm công nhân thì tiếc quá”, bà Loẹt sụt sùi.

Những ngày này khi chưa nhập học, Dung vẫn miệt mài tráng bánh tráng thuê với mẹ, tranh thủ làm bánh hòn cho mẹ đi bán.

“Mình cố gắng gom góp tiền, sẽ đi học tiếp để sau này báo hiếu mẹ và đền ơn những người đã giúp đỡ gia đình trong lúc khó khăn hoạn nạn”, Dung nói chắc nịch.

Nói về học trò của mình, cô giáo Ngọc Linh - giáo viên chủ nhiệm (Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo) - chia sẻ:

“Khánh Dung là cô bé ngoan, chăm học và học giỏi. Tôi đã trình bày hoàn cảnh gia đình em với nhà trường nên thầy cô giáo đều nhiệt tình dạy thêm miễn phí cho em. Nhà trường cũng xét cho em được nhận học bổng. Một học sinh như vậy rất cần được giúp đỡ để học thành tài”.

Nhắc về hoàn cảnh, nước mắt Dung trào ra. “Vào đại học mình sẽ đi làm kiếm tiền để tự lo cho bản thân. Nhưng ít nhất cũng phải có được một số tiền ban đầu nộp học phí, tiền ăn ở khi chưa thể kiếm được việc làm.

Số tiền này mẹ cũng không biết vay mượn ở đâu vì nhà đang mắc nợ nhiều chỗ do trước đây làm nhà, chữa bệnh cho cha, em gái thì còn quá nhỏ”, Dung tâm sự.

PHAN TUYẾT - THIỆN TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên