04/08/2016 11:32 GMT+7

Khi “cậu ấm” làm chiến sĩ

HOÀNG HIẾU
HOÀNG HIẾU

TTO - “Cả nhà có nhớ Nhím không? Nhím nhớ papa, mama... hơn iPad. Ở đây Nhím được tháo lắp súng AK-47, AK-MS. Thử thách trên không, Nhím đi được hai trên bốn trạm”.

Khi “cậu ấm” làm chiến sĩ
Với độ cao 6m, nhiều chiến sĩ đã vượt qua nỗi sợ để chinh phục thử thách trên không - Ảnh: H.HIẾU

Không iPad, không game, không Facebook..., những “cậu ấm” đã trưởng thành hơn sau chín ngày huấn luyện tại chương trình Học kỳ quân đội do Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ châu Á - Thái Bình Dương tổ chức.

Những giọt nước mắt rơi trên dòng thư tay. “Cả nhà có nhớ Nhím không? Nhím nhớ papa, mama... hơn iPad. Ở đây Nhím được tháo lắp súng AK-47, AK-MS. Thử thách trên không, Nhím đi được hai trên bốn trạm. Run dữ lắm đó, tim đập thình thịch, rất sợ. Khi sắp hết đoạn đường thì tự nhủ mình cố lên chút nữa và Nhím đã làm được. Yeah!”.

Đó là những câu chữ mà chiến sĩ Phạm Chí Kiệt (sinh năm 2004, TP.HCM) nắn nót viết cho ba mẹ. Chưa một lần xa nhà và không nói chuyện với ba mẹ dài ngày như vậy, Chí Kiệt mừng ra mặt khi nghĩ tới ngày trở về.

Điều các chiến sĩ phải học ở ngày đầu tiên là gấp quần áo và giặt đồ. Nhiều bạn tỏ ra lúng túng vì chưa một lần phải đụng vào thau nhôm, bột giặt, thậm chí cả móc treo. Khi được chỉ cách giặt sạch bằng bột giặt rồi mới đổ nước xả vải vào, không ít bạn mới nhận ra không phải cứ áo quần hôi thì đổ nước thơm vào là được. Lặn lội từ Hà Nội vào học nhưng bạn Hà Huy Anh (sinh năm 2003) ngay từ ngày thứ hai chỉ mong muốn được ba đưa về nhà vì không thể tự làm gì cả, em không thích nghi với cuộc sống ở đây.

Là một cậu ấm, ba là phó giám đốc, mẹ là kế toán ở một công ty tại quận Phú Nhuận (TP.HCM), Phạm Lê Nam Long (sinh năm 2004) chia sẻ: “Ở nhà, hè em toàn chơi điện tử. Trưa ăn xong thì nằm ngủ tới 4g chiều rồi dậy phụ chị làm cơm. Ba mẹ đi suốt, ở nhà với chị gái mà chị cũng sử dụng máy tính cả ngày mà”. Được học tại một trường song ngữ, Long khá rành rọt khi nói tiếng Anh, còn tiếng Việt sử dụng hơi vụng về dù cả gia đình đều là người Việt Nam.

Mỗi người một hoàn cảnh gia đình riêng nhưng có một điểm chung là nhiều lúc thấy chán nản khi ba mẹ không có nhiều thời gian để quan tâm. Đó là lý do mà nhiều chiến sĩ không hiểu và thậm chí ghét ba mẹ.

Tuấn Kiệt (sinh năm 2002) kể: “Lá thư mà em nhận được không phải là của ba mẹ như các bạn vì đang đi công tác ở Anh và Campuchia”. Còn trong mắt của chiến sĩ Aayush Negi (gốc Ấn Độ), ba là một người khá khó tính, điều đó làm em sợ hãi. Vào mỗi tối huấn luyện, các chiến sĩ được nghe các bài giảng về cách ứng xử trong cuộc sống.

Kể về chuyến du lịch ở Nha Trang, Negi đã khóc rất nhiều. Nhưng khi nghe được những câu chuyện trong bài học về gia đình, em nói nhớ tiếng ba, tiếng mẹ và vẫn hạnh phúc khi có ba bên cạnh. Negi cũng như rất nhiều bạn nhỏ khác biết trân trọng gia đình và thích nghi hơn với hoàn cảnh sau những ngày huấn luyện.

Bên cạnh những giờ học về quân sự, các chiến sĩ học về kỹ năng. Thông qua các trò chơi như: Multi-Up, Human Knot, Trap Door, Pass Along..., nhiều bạn nhận ra được thiếu sót của mình trong một tập thể. Mỗi “cậu ấm” là một cái tôi quá lớn, có những lúc cãi nhau, đánh nhau nhưng sau tất cả họ ôm chầm lấy nhau, xin số điện thoại, email để giữ liên lạc vì sự gặp gỡ này. Những thử thách rồi cũng qua đi, chỉ còn niềm vui ở lại và sự trưởng thành lớn dần lên trong suy nghĩ.

HOÀNG HIẾU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên