26/07/2016 14:40 GMT+7

15 năm đi tìm đồng đội

MINH PHƯỢNG - TẤN ĐỨC
MINH PHƯỢNG - TẤN ĐỨC

TTO - Đồng đội ơi! Tôi nhớ Chiến tranh qua lâu rồi. Lòng vẫn thầm thì gọi Đồng đội, đồng đội ơi... (Lời bài hát Đồng đội ơi của nhạc sĩ Quỳnh Hợp)

Đội K93 đưa hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện VN từ Campuchia về VN - Ảnh: VĂN TRANH
Đội K93 đưa hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện VN từ Campuchia về VN - Ảnh: VĂN TRANH

Mình thấy thương các anh, các chú quá. Mấy chục năm trời nằm ngay dưới con đường đất, bị mọi người qua lại, giẫm đạp lên

Một chiến sĩ tâm sự

Chiến tranh qua lâu rồi nhưng tiếng gọi ấy đã thôi thúc bước chân những người lính trẻ đội K93 (đội tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện VN hi sinh qua các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia, trực thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh An Giang) lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng.

Nhiệm vụ từ trái tim

Đội K93 ra đời năm 2001, qua 15 năm, đã phát hiện, quy tập về nước hàng nghìn liệt sĩ quân tình nguyện VN hi sinh qua các thời kỳ. Đợt tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong mùa khô 2015-2016 (giai đoạn tìm kiếm thứ 15) về an táng tại nghĩa trang vào dịp 27-7 năm nay, đội cất bốc được 135 hài cốt, trong đó có 69 hài cốt ở Campuchia.

“Việc tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện VN hi sinh qua các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia gặp vô vàn khó khăn, từ việc xác định vị trí, môi trường làm việc, điều kiện ăn ở, bất đồng ngôn ngữ” - đại tá Lê Văn Tâm, phó chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh An Giang, nhận xét.

Trở về được gần tuần nay, nhưng từ chỉ huy đến cán bộ, chiến sĩ đội K93 ai cũng đen nhẻm, khét lẹt mùi nắng. “Khí hậu ở bên đó khắc nghiệt lắm. Mùa khô các hồ nước đều cạn, đồng ruộng không một bóng cây, đất đai lại cứng như đá” - thượng tá Lê Văn Thắng, đội phó đội K93, kể.

Trung úy Nguyễn Văn Dũng (33 tuổi, quê Hà Tĩnh) - người có mặt từ ngày đội K93 ra đời - nói: “Công việc này chỉ dùng đôi tay và sức người, không thể dùng máy móc vì dễ làm vụn hài cốt” nên bàn tay ai cũng to bè, sần sùi.

Với những chiến sĩ tuổi đời vừa 18, 20, lần đầu vào quân ngũ, nhiệm vụ này càng gian nan hơn. Ngô Trung Hiếu (24 tuổi, quê An Giang, nhập ngũ tháng 9-2015) kể những ngày tháng 3 nắng cháy trời.

Buổi trưa, chiếc lều bạt căng lên giữa cánh đồng nắng để ăn cơm, không ai có thể nghỉ nổi. Người khỏe đỡ người yếu, cán bộ, chiến sĩ trong cơn say nắng, động viên nhau vượt qua tất cả.

Nhiều lúc giữa ban ngày các anh phải chui vào mùng ăn cơm để tránh muỗi bay như vãi trấu. Ngày làm việc cật lực, đêm về mệt quá ai nấy chui vào lều bạt, lăn ra những tấm ván kê trên mặt đất ngủ để lấy sức.

Nhiều khi vị trí xác định có hài cốt cách xa nơi dựng lều cả trăm cây số, nên 4g sáng mọi người đã dậy ăn cơm để đi cho kịp. May mắn thì xe chạy được tới nơi nhưng có hôm phải đi bộ gần 30 cây số, trên lưng còn gồng gánh dụng cụ.

“Có hài cốt sau mấy chục năm bị bồi đắp, thay vì chuẩn đào sâu đến thắt lưng, anh em phải đào đến nóc nhà” - chiến sĩ Hiếu kể.

“Lần đầu tiên đi làm nhiệm vụ, anh em đào mãi đến ngày thứ 20 mới tìm thấy một gói cao su. Lúc đó vừa mừng vừa hồi hộp, cả cảm giác sợ vì chưa chạm vào hài cốt bao giờ. Nhưng sau đó mình chỉ thấy thương các anh, các chú quá. Mấy chục năm trời nằm ngay dưới con đường đất, bị mọi người qua lại, giẫm đạp lên” - một chiến sĩ tâm sự.

Tiếp tục hành trình

Trung úy Nguyễn Văn Dũng tâm sự: “Nhà tôi cũng có hai người bác hi sinh, đến nay vẫn chưa tìm được mộ. Nên với những liệt sĩ, tôi thấy thương lắm. Năm 18 tuổi, tôi đi nghĩa vụ quân sự ở đây. Nghĩ việc làm thiêng liêng nên ở lại luôn”.

Suốt 15 năm rong ruổi, những người lính K93 có lẽ đã giẫm lên tất cả dấu chân người lính năm xưa. Nhưng còn đó, rất nhiều liệt sĩ hi sinh máu xương vẫn đang nằm lại nơi hoang vu, lạnh lẽo. Một năm, thời gian họ đi tìm kiếm chiếm 10-11 tháng, chia làm hai đợt.

Cứ ăn tết xong, tầm tháng 2 dương lịch, anh em lên đường, đến đầu tháng 7 mới về. Đợt thứ 2 từ tháng 10 đến trước tết năm sau.

Thượng tá Lê Văn Thắng cho biết trước mỗi chuyến đi, anh em chuẩn bị đầy đủ vật dụng, dụng cụ để đảm bảo hoạt động lâu dài, trong đó phải chuẩn bị xăng đầy đủ cho xe để cơ động. Mỗi lần đi là gần hết đơn vị, chia làm hai nhánh tìm kiếm. Số còn lại “coi nhà”, tiếp nhận thông tin.

“Trước mỗi đợt đi, anh em phải nắm từ các nhân chứng, cựu chiến binh, chính quyền và nhân dân Campuchia và cử người đi khảo sát. Vì thời gian đã quá lâu, cảnh vật thay đổi nên nhiều nhân chứng nhớ không chính xác, kết quả sai lệch. Trước khi đào, phải có lực lượng công binh rà phá bom mìn còn sót lại” - thượng tá Thắng kể.

Theo những người lính K93, lúc trước việc tìm kiếm còn tương đối dễ, nhưng càng về gần đây, do nhân chứng là những cựu binh năm xưa đều lớn tuổi, cảnh vật lại thay đổi nhiều, nên có khi tìm kiếm 2-3 tháng, đào cả ngàn mét vuông đất mới tìm được một hài cốt.

Khó khăn mấy họ đều vượt qua, chỉ mong sớm tìm được hài cốt đưa về, để không ai còn lạnh lẽo nơi xa. Và đến bây giờ, theo hồ sơ lưu và lời kể của nhân chứng, ở chốt 96 (tỉnh Kampong Speu), khoảng năm 1971 có một trận đánh, hơn 100 bộ đội VN hi sinh.

Vị trí ấy ngày đó là một rừng cây, không có dân, nay cánh rừng ấy đã bị phá để làm ruộng canh tác.

“Đã khoanh vùng khu vực bộ đội hi sinh, nhưng suốt hơn chục năm qua, đợt nào sang Campuchia, đội K93 cũng lên đó tìm, đào rất nhiều hecta đất vẫn chưa tìm thấy. Điều ấy làm anh em luôn trăn trở, day dứt và thêm quyết tâm tìm cho bằng được” - thượng tá Thắng tâm sự.

Trưa hạ tuần tháng 7, người đàn ông gầy nhom, đeo chiếc balô lệch bên lưng, tìm đến Tịnh Biên (An Giang) để hỏi đường vào đội K93.

Gặp thượng tá Lê Văn Thắng và thượng tá Lê Gia Thắng, cùng là đội phó đội K93, ông liền bộc bạch: “Anh tôi hi sinh thời chống Mỹ. Suốt mấy chục năm qua, tôi đi tìm anh khắp nơi. Đùng cái, nhận được tin báo trong này (đội K93) đã tìm thấy anh, tôi mừng quá... Hơn 40 năm tìm kiếm, giờ đã gặp anh đây rồi. Các anh đã giúp tôi hoàn thành lời hứa với vong linh anh trai và với bố mẹ”.

Ông Thi xúc động lần mở tờ giấy báo tử: “Nguyễn Thế Cử. Sinh năm 1948, hi sinh: 5-1970, đơn vị: Q.2, F.9, chức vụ: hạ sĩ - chiến sĩ”. Ngày ấy, có lẽ do hoàn cảnh chiến tranh, nên giấy báo tử chỉ ghi anh trai ông hi sinh ở mặt trận phía Nam...

Trầm ngâm, thượng tá Lê Văn Thắng - người trực tiếp bốc bốn hài cốt liệt sĩ vào tháng 9-2015 - cho biết đội K93 qua nhiều nguồn xác minh thì liệt sĩ Cử và một số đồng đội là ở núi Dài Nhỏ (huyện Tịnh Biên, An Giang).

“Các anh đã hi sinh do bị đạn pháo và hàng chục khối đá sụp xuống chèn lên người trong một trận đánh. Chúng tôi phải đục đẽo hàng chục ngày mới thu gom được bốn bộ hài cốt” - thượng tá Lê Văn Thắng nói.

MINH PHƯỢNG - TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên