25/07/2016 10:53 GMT+7

Chung tay xây nhà tình nghĩa

MAI HƯƠNG - VŨ THỦY
MAI HƯƠNG - VŨ THỦY

TTO - Dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ năm nay, nhiều gia đình chính sách được xây mới, sửa nhà với thủ tục nhanh chóng.

Chiến sĩ Mùa hè xanh ĐH Giao thông vận tải TP.HCM tặng quà và trò chuyện cùng cụ Cao Thị Đậu (86 tuổi) tại Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè - Ảnh: Q.L.
Chiến sĩ Mùa hè xanh ĐH Giao thông vận tải TP.HCM tặng quà và trò chuyện cùng cụ Cao Thị Đậu (86 tuổi) tại Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè - Ảnh: Q.L.

Lễ khánh thành căn nhà tình nghĩa diễn ra mấy bữa rồi mà bà Nguyễn Thị Chục (P.Tăng Nhơn Phú A, Q.9, TP.HCM) vẫn chưa tháo tấm băngrôn “Nhà tình nghĩa”. Bà nói: “Treo đó cho người ta biết tấm lòng của Nhà nước, chòm xóm dành cho mình”.

Xuất ngũ về, sức khỏe yếu nên chẳng làm được nhiều, nhờ Nhà nước hỗ trợ nhà nên cũng bớt khó khăn hơn

Thương binh PHÙNG VĂN THANH

Không tài nào ngủ được

Bà Chục là vợ liệt sĩ, bản thân là người có công với cách mạng, từng bị địch bắt tù đày. Đêm đầu tiên nằm trong căn nhà mới, bà không tài nào ngủ được. Khu bà đang sống trước giờ còn được gọi là “xóm hầm”, bởi từ khi con đường trước nhà nâng lên cao, nhà thấp hơn đường hơn 1,5m, phải đi cầu thang chui xuống.

Trong nhà chỗ lồi, chỗ lõm, phòng khách thì thấp, nhà vệ sinh phải đôn lên cao, ống nước phải đi cao gần nóc nước mới chảy nổi. Mấy tấm huân huy chương, bằng khen của hai vợ chồng bà không có chỗ treo, bàn thờ đặt khiêm tốn trong góc tối.

Ngày hay tin bà Chục được Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng xây nhà tình nghĩa, cả xóm ai cũng mừng. Mọi người bàn nhau: cả đời bà chưa có cái nhà đàng hoàng, hay góp thêm chút đỉnh để bà xây căn nhà cho tươm tất?

Vậy là ông hàng xóm ở nhà kế bên cho bà thêm 2 triệu đồng, ông bán tạp hóa cho 5 triệu đồng, bà con trong khu phố người 1 triệu, người 300.000, 500.000 đồng. Mấy anh chị em đồng đội cũ ở Củ Chi, con cháu, họ hàng hay tin ủng hộ thêm. Căn nhà xây có tổng trị giá hơn 100 triệu đồng. Hôm ăn tân gia, bác đại biểu HĐND phường sống gần đó còn mang tặng bà cái mền thiệt đẹp.

Giữa trưa, quán ăn nhỏ của vợ chồng người thương binh Trần Phong Vũ (49 tuổi, ngụ P.21, Q.Bình Thạnh) đang đông khách. Vợ ông phụ trách nấu nướng trong bếp, còn ông thì chạy ra chạy vào dọn bàn, bưng thức ăn cho khách, đôi tay cụt thoăn thoắt làm đủ việc.

Cách đây gần 30 năm, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, ông Vũ trở về, cuộc sống đầy khó khăn. “Năm 1989, xuất ngũ được hơn một năm thì Nhà nước cấp cho tôi cái nhà tình nghĩa này. Sau đó tôi may mắn gặp được vợ tôi bây giờ và có một gia đình nhỏ” - ông Vũ kể lại.

Lấy vợ, căn nhà 35m2 trở thành nơi hai vợ chồng ông buôn bán đủ thứ để sinh nhai. Năm nay, đứa con lớn 21 tuổi đang học năm 3 Đại học Ngoại thương, còn đứa nhỏ 18 tuổi chuẩn bị vào đại học. Mới đây nhà hư hỏng nặng nên được quận hỗ trợ mấy chục triệu đồng sửa chữa. Vợ chồng ông còn được hỗ trợ vay vốn làm ăn, đắp thêm vào lo việc học hành cho con cái.

Cách nhà của ông Vũ không xa là nhà của thương binh Phùng Văn Thanh (59 tuổi, ngụ P.21, Q.Bình Thạnh). Ngày nghỉ, căn nhà nhỏ của hai vợ chồng già cũng huyên náo hơn ngày thường. Ông là thương binh bậc 3/4, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở Campuchia trở về thì được sắp xếp làm việc tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam.

Mới đây, căn nhà sau một thời gian dài đã dột nát và thấp hơn lòng đường khiến cả nhà ông phải luôn sống trong cảnh ngập lụt đã được hỗ trợ để sửa sang, nâng nền.

Từ “trở về điểm hẹn” đến hàng ngàn nhà tình nghĩa

Ông Lê Văn Khá - trưởng Phòng lao động - thương binh và xã hội huyện Củ Chi - cho biết năm 1982, những ngôi nhà tình nghĩa đầu tiên đã được xây dựng trên địa bàn huyện. Đến năm 1989, Củ Chi cùng với Đài truyền hình TP làm bộ phim Trở về điểm hẹn, ghi lại cuộc sống kham khổ của những người mẹ, người lính sau chiến tranh. Nhiều nơi ở Củ Chi đã trở thành vùng trắng. Người dân Củ Chi trở về không có nhà cửa phải dựng tranh tre, vách nứa ở tạm.

Từ bộ phim đó, rất nhiều ban ngành, đoàn thể trên địa bàn TP, bà con thành đạt xa xứ đã đóng góp để xây lên những mái nhà nghĩa tình cho các mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, gia đình liệt sĩ. Có thời điểm, chỉ trong vòng ba tháng đã xây cả ngàn căn. Phong trào chung tay xây dựng nhà tình nghĩa cũng từ đó lan tỏa trên khắp TP.

Tính đến tháng 7-2016, Sở Lao động - thương binh và xã hội TP đã thẩm định, chuyển Sở Xây dựng TP tổng số hơn 2.700 căn nhà diện chính sách do quận, huyện đề nghị xây mới và sửa chữa, với tổng kinh phí gần 120 tỉ đồng. Đã thực hiện 1.100 căn (169 căn xây mới và 931 căn sửa chữa), kinh phí hơn 48 tỉ đồng.

Riêng về nhà tình nghĩa, tính đến cuối tháng 6-2016, toàn TP có thêm 222 căn nhà tình nghĩa đã hư hỏng, xuống cấp cần được sửa chữa hoặc xây mới. Trong đó có 182 căn được các quận, huyện tổ chức tự vận động kinh phí.

Ngày hè nghĩa tình

Ngày hành động vì an sinh xã hội, uống nước nhớ nguồn của chiến dịch Mùa hè xanh đã diễn ra ngày 24-7. Tại Q.6, không gian Mùa hè xanh như lắng lại theo từng thao tác của vợ chồng anh Dương Văn Minh - chị Lê Ngọc Thúy.

Gia đình thuộc diện cận nghèo, sống tại P.14 (Q.6), anh Minh làm thợ hồ, chị Thúy bán vé số, còn cậu con trai duy nhất đang thực hiện nghĩa vụ quân sự. Hôm qua, anh chị có mặt trong chương trình “Vươn lên từ nghị lực” do Quận đoàn và Hội LHTN Q.6 tổ chức.

Anh vượt qua thử thách xây bức tường gạch trong vài phút. Thử thách của chị là quấn 25 vòng kẽm cũng vài phút. Hỗ trợ cùng hai anh chị ngoài các bạn cán bộ Đoàn còn có cả người chủ vựa buôn bán kẽm.

Sau tất cả thử thách, gia đình anh Minh nhận được số tiền hơn 65 triệu đồng. Phó bí thư Đoàn P.14 (Q.6) Trần Thanh Hiếu cho biết món quà này là tấm lòng của nhiều cá nhân, đơn vị của phường cùng vận động tặng anh chị sửa lại ngôi nhà đã xuống cấp lâu năm với ước mong giúp gia đình anh chị ổn định hơn.

“Mình làm thợ hồ theo công trình nay đây mai đó, có khi cả tháng mới về được một lần, để vợ con ở nhà cũ kỹ quá mỗi khi đi làm xa không yên tâm chút nào. Có được số tiền này tui mừng lắm, sẽ dành sửa nhà để có cái chỗ chắc chắn ra vào cho cả nhà. Thiệt lòng cảm ơn mọi người rất nhiều” - anh Minh xúc động.

Cũng hôm qua, chiến sĩ tình nguyện Mùa hè xanh nhiều trường đã đến với các cụ già tại Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè (Q.Bình Thạnh). Các bạn phụ dọn dẹp phòng, tặng quà, trò chuyện và cùng chuẩn bị để phụ nhân viên trung tâm nấu bữa trưa cho các cụ.

Cụ Cao Thị Đậu (86 tuổi) - đảng viên lão thành sống tại trung tâm hơn năm năm - tâm sự: “Bà rất vui, hầu như cuối tuần nào cũng có các cháu học sinh, sinh viên các nơi vào đây thăm. Tuổi già biết sống được bao lâu, có người nói chuyện là quý lắm”.

140 suất học bổng đã được trao tặng đến các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn chuẩn bị năm học mới. Bạn Nguyễn Thị Thanh Hương (Q.6) cho biết hết hè này sẽ vào học lớp 10 tại Trường THPT Bình Phú và sẽ dùng số học bổng này đóng tiền học, phụ thêm mua sách vở để ba mẹ bớt vất vả phần nào.

Nhiều bạn trẻ khác đã tham gia hiến máu được tổ chức tại công viên Bình Phú (Q.6). Cũng tại đây, một số bác sĩ Bệnh viện 175 đã khám, tư vấn sức khỏe cho nhiều người dân.

Phó chủ tịch Hội LHTN VN TP.HCM Hồ Tấn Đạt cho biết cùng với các hoạt động góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ngày hoạt động còn có nhiều công việc để tuổi trẻ bày tỏ lòng tri ân, ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ, gia đình thương binh, chính sách.

QUỐC LINH

MAI HƯƠNG - VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên