19/07/2016 11:49 GMT+7

ASEP 2016 - Sân chơi lớn cho tình yêu môi trường

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Hai trong số những vấn đề cấp thiết nhất của môi trường hiện nay là sự nóng lên của Trái đất và việc bảo toàn tính đa dạng của sinh vật, chính vì vậy ASEP 2016 sẽ tập trung vào các giải pháp cho câu chuyện đa dạng sinh học.

*** Error ***
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại ASEP 2015 diễn ra tại Hà Nội

ASEP 2016 sẽ diễn ra từ ngày 3 đến 8-8 tại Nhật Bản (ở các thành phố Tokyo, Chiba và Hokkaido) với sự tham gia của 84 đại biểu là những sinh viên ĐH, cao học có trình độ tiếng Anh tốt và nắm vững kiến thức về môi trường đến từ các trường hàng đầu: ĐH Waseda (Nhật Bản), ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc), ĐH Hàn Quốc (Hàn Quốc), ĐH Malaya (Malaysia), ĐH Quốc gia Hà Nội (Việt Nam), ĐH Hoàng gia Phnom Penh (Campuchia), ĐH Indonesia (Indonesia).

Các đại biểu tham gia những hoạt động ý nghĩa như thảo luận chuyên đề, trồng cây, giao lưu với lãnh đạo cấp cao tại Nhật Bản. Chương trình nhận được sự hợp tác, hỗ trợ truyền thông từ nhật báo Mainichi (Nhật Bản), báo Tuổi Trẻ (Việt Nam).

Đại diện Việt Nam tham gia ASEP 2016 là 12 sinh viên của ĐH Quốc gia Hà Nội. Bạn Bùi Tuấn Anh (khoa môi trường) cho biết bản thân cảm thấy rất háo hức và tự hào khi được chọn tham dự chương trình.

Bạn chia sẻ: “Nhật Bản là một quốc gia có chính sách và hành động bảo vệ môi trường rất hiệu quả, tôi mong muốn được học hỏi nhiều hơn từ đất nước mặt trời mọc để áp dụng vào Việt Nam. Môi trường hiện là vấn đề rất nghiêm trọng nhưng vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ người Việt. Ngoài ra, tôi tin mình sẽ tiếp cận được nhiều góc nhìn về vấn đề môi trường từ các đại biểu quốc tế”.

Với Tuấn Anh, điều khiến bạn hiện đau đáu, mong tìm được giải pháp là “sự cố môi trường biển” Formosa vì đã tàn phá nặng nề hệ sinh thái biển ở khu vực ven bờ các tỉnh miền Trung cũng như ít nhiều tác động đến các khu vực trong dòng chảy.

Đã nhiều năm trôi qua nhưng câu chuyện Vedan “giết” sông Thị Vải vẫn chưa thể phai nhòa trong tâm trí của bạn Nguyễn Thanh Phương (khoa môi trường) và Nguyễn Xuân Đức (khoa khoa học máy tính).

Dù là dân “ngoại đạo” nhưng Xuân Đức cho rằng giới trẻ không nên chỉ giỏi kiến thức chuyên môn mà phải luôn tìm hiểu, bức xúc trước các vấn đề về môi trường vì đó không là câu chuyện của riêng ai. Bạn Ngô Đức Lộc cho biết tuy bản thân theo học khoa quan hệ công chúng nhưng từ những năm đầu ở ĐH, bạn đã tham gia hoạt động ở một số tổ chức môi trường.

“Mong mỏi của mình là giúp người dân ý thức hơn về môi trường, không cần phải từ những hành động vĩ mô mà từ những điều rất nhỏ. Chẳng hạn như trong những ngày lễ tết, khi thả cá vàng thì mọi người đừng vứt luôn cả túi nilông xuống hồ” - Đức Lộc nói.

ASEP 2015 được tổ chức thành công tại Hà Nội với sự tham dự của 72 đại biểu quốc tế có chủ đề “Tính đa dạng của sinh vật và con người”.

Được biết, ASEP lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2012 với sự tham gia của ba nước gồm Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Số lượng các nước tham gia sau đó tăng dần và ban tổ chức hi vọng đến năm 2020 thì ASEP sẽ thành một diễn đàn lớn với sự tham gia của nhiều nước Đông Á và toàn bộ các nước Đông Nam Á.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên