12/07/2016 09:42 GMT+7

Đã tình nguyện thì không vụ lợi

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Người tham gia tình nguyện có chờ được bồi dưỡng, đãi ngộ? Cơ chế nào để hoạt động tình nguyện được xã hội nhìn nhận đúng đắn? Tình nguyện là cống hiến hay đi tìm một cơ hội?...

Chiến sĩ tình nguyện TP.HCM làm sạch môi trường trong Mùa hè xanh 2016 tại TP.HCM - Ảnh: QUỐC LINH
Chiến sĩ tình nguyện TP.HCM làm sạch môi trường trong Mùa hè xanh 2016 tại TP.HCM - Ảnh: QUỐC LINH

 

 

“Tình nguyện không phải là làm cho vui và đừng bao giờ suy nghĩ tham gia để được đi du lịch, vui chơi đến một nơi nào đó. Tình nguyện phải là công việc thiết thực đi vào cuộc sống người dân

Bà NGUYỄN THỊ THU (phó chủ tịch UBND TP.HCM)

Hàng loạt vấn đề đã được đặt ra từ chương trình đối thoại thanh niên do Ủy ban Quốc gia về thanh niên VN phối hợp cùng Bộ Nội vụ và UBND TP.HCM tổ chức hôm qua 11-7.

Chủ đề “Chính sách hoạt động tình nguyện - tiếng nói người trong cuộc” được chọn khi quyết định 57 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên vừa có hiệu lực từ đầu năm 2016 song đã nhận nhiều phản hồi về những bất cập.

Tính quá mất hay

Anh Giang Ngọc Phương - nguyên phó chủ tịch Hội Sinh viên VN TP.HCM - cho rằng không cần thiết phải đưa quy định “được hưởng tiền bồi dưỡng trong thời gian hoạt động tình nguyện” vào quyết định 57.

Anh Phương cho rằng tình nguyện là điều ai cũng có thể và chỉ cần có điều kiện, thời gian hợp lý ai cũng mong muốn được làm.

“Đã hoạt động tình nguyện phải là bất vụ lợi nên vô tình quy định như vậy có vẻ mang tính vụ lợi quá, làm mất ý nghĩa của hành động đẹp trong giới trẻ” - anh Phương băn khoăn.

Cùng suy nghĩ, bạn Trần Đỗ Thành Cường (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM) thẳng thắn: “Đọc vào các quy định có cảm giác đi tình nguyện để được gì, trong khi chúng tôi không mong được gì, nếu có chăng chỉ là mong được bồi dưỡng về mặt tinh thần”.

Theo Thành Cường, với những ai đã trải qua những tháng ngày sống trong phong trào tình nguyện, điều họ chờ mong nhất chỉ là được đảm bảo các điều kiện cơ bản về nơi ăn, chỗ ở, các sinh hoạt thường nhật trong thời gian diễn ra hoạt động ở một nơi nào đó chứ không phải bất kỳ điều gì khác.

Từ thực tế ấy, Thành Cường cho rằng nếu có bất kỳ sự hỗ trợ hay khoản kinh phí nào dành cho tình nguyện thì hãy dành cho chính địa phương, người dân nơi sẽ tiếp nhận các hoạt động tình nguyện chứ không phải là người tham gia.

Chia sẻ, ông Vũ Đăng Minh - vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) - nói trong vai trò người tham gia soạn thảo quyết định 57, mục tiêu lớn nhất của các quy định này nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người tham gia tình nguyện.

Song song đó, làm rõ trách nhiệm của cơ quan tổ chức hoạt động tình nguyện trong việc cần đảm bảo các yêu cầu tối thiểu nhất cho việc tổ chức hoạt động.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn - Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia về thanh niên VN Lê Quốc Phong nói thêm: “Chúng ta không đòi hỏi hay vụ lợi nhưng việc đặt lại về sự quan tâm của Nhà nước, Chính phủ trước kết quả đã có qua hoạt động tình nguyện là cần thiết mà quyết định 57 hết sức thuận lợi cho hoạt động tình nguyện hiện nay”.

Tình nguyện đi vào chiều sâu

Chị Trần Hoàng Khánh Vân (ban quốc tế Thành đoàn TP.HCM) nói cần bổ sung hoạt động tình nguyện quốc tế vào chính sách về hoạt động tình nguyện.

“Thanh niên nước ngoài qua VN, thanh niên nước ngoài đang sống tại VN và thanh niên VN qua nước ngoài hoạt động tình nguyện đều là đối tượng cần được điều chỉnh và có quy định trong chính sách hoạt động tình nguyện mà hiện chưa thấy” - chị Vân nêu vấn đề.

Gắn chuyên môn trong từng hoạt động, phần việc tình nguyện là điều được nhiều ý kiến đề cập. Anh Giang Ngọc Phương nói có lúc phải cương quyết khi nhận nhiệm vụ, không thể bắt sinh viên chuyên ngành xã hội làm hiệu quả việc đào hố rác tự hoại được.

“Chuyên môn không cần quá cao nhưng phải vận dụng đúng trong hoạt động tình nguyện, cái gì người dân tự làm được thì mình không cần làm thay” - anh Phương nói.

Anh Phạm Thanh Tân (ĐH Ngân hàng TP.HCM) đề nghị nêu rõ việc ứng dụng chuyên môn trong hoạt động tình nguyện vào các quy định của quyết định 57, vì nhiều khi chúng ta mang hoạt động mình có đến địa phương họ cũng sợ, e dè không biết giúp được tới đâu!

Còn anh Trương Ngọc Thanh Nhân (xã An Phú Tây, H.Bình Chánh, TP.HCM) cho rằng nên đánh giá lại các hoạt động tình nguyện những năm qua, cái nào hiệu quả hãy giữ lại, không hiệu quả cần mạnh dạn bỏ bớt, đầu tư cho hoạt động mới.

Anh Lê Quốc Phong khẳng định phải nâng chất lượng hoạt động tình nguyện, Đoàn - Hội cũng cần tự nâng mình lên mới mong đáp ứng nhu cầu tình nguyện của thanh niên.

“Hoạt động tình nguyện thường xuyên, theo chuyên đề, chương trình trọng điểm là chiều rộng, còn chất lượng công trình, đảm nhận công việc đòi hỏi chuyên môn cao trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội chính là tính chiều sâu mà khi thiết kế hoạt động tình nguyện cần tính đến” - anh Phong nói.

Đoàn không “độc quyền” tình nguyện

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong nói: “Đã từng có ý kiến đặt vấn đề rằng tổ chức Đoàn có “độc quyền” hoạt động tình nguyện thanh niên không và tôi xin khẳng định là không bao giờ có điều đó”.

Anh Phong nói tổ chức Đoàn chỉ như chất men xúc tác mời gọi người dân, thanh niên cùng tham gia hoạt động tình nguyện, như vậy mới là hoạt động mang tính bền vững.

Chưa kể nhiều câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện hiện không thuộc tổ chức Đoàn, Hội có thể xem Đoàn, Hội như người chia sẻ, hỗ trợ thông tin qua Trung tâm tình nguyện quốc gia để tìm kiếm, hoạt động thuận lợi nhất.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu cho rằng hiệu quả hoạt động tình nguyện chỉ nâng cao khi có người dân, thanh niên tại chỗ cùng làm vì nếu không sẽ vẫn còn tình trạng công trình làm xong rồi chỉ ít thời gian sau lại trở về như cũ.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên