05/07/2016 09:06 GMT+7

Chuyện về An “tuyệt vời”

NGÔ NGUYỆT HỮU
NGÔ NGUYỆT HỮU

TTO - "Tuyệt vời" là mỹ từ mà nhiều công nhân cạo mủ cao su dành cho đồng nghiệp Lê Thị An, người có 13 năm tuổi nghề...

Lê Thị An đang lấy mủ cao su - Ảnh: QUANG PHƯƠNG
Lê Thị An đang lấy mủ cao su - Ảnh: QUANG PHƯƠNG
“Tôi chọn nghề công nhân cao su này đến nay chưa thấy mất gì mà trái lại được nhiều thứ
LÊ THỊ AN

Trong khi đó, cô công nhân 31 tuổi khai thác mủ của đội 3 Nông trường cao su Nhà Nai (thuộc Công ty cổ phần cao su Phước Hòa, tỉnh Bình Dương) chỉ nói ngắn gọn: “Tôi cảm thấy hạnh phúc” vì tình cảm của đồng nghiệp và vì Trung ương Đoàn vinh danh là người thợ trẻ giỏi toàn quốc năm 2016.

Nghỉ học đi làm công nhân cao su

Cứ 2g30 sáng, khi con còn đang ngon giấc thì An đã dậy, khoác lên mình bộ đồng phục màu xanh của công nhân cao su và tới nông trường để bắt đầu công việc.

Giữa rừng cao su bạt ngàn, tối om như mực, những ngọn đèn pin của người công nhân đang cạo vỏ cao su để lấy mủ lóe sáng một cách lẻ loi. Mãi đến khoảng 6g sáng, An và các công nhân khác mới xong một phần việc của một ngày lao động.

“Năm 2003, cha mất. Nhà tới sáu anh chị em, dưới tôi còn hai đứa em đang đi học. Nhà khó khăn quá nên tôi nghỉ học rồi xin đi làm công nhân khai thác mủ cao su” - An kể lại.

Những ngày mới vào nghề còn bỡ ngỡ nhưng bằng sự nỗ lực của bản thân, An quyết tâm học hỏi các lớp anh chị công nhân khai thác mủ đi trước nên dần dần tay nghề càng thành thạo. Chẳng mấy chốc, lô cao su do An đảm nhiệm chăm sóc và lấy mủ đem về sản lượng vượt trội hơn các anh chị đồng nghiệp.

Năm 2006, An được chọn đi thi tay nghề khai thác mủ cấp nông trường và đoạt giải nhất. Các năm sau, An liên tiếp giành giải cao trong các hội thi tay nghề: năm 2007 An đoạt giải khuyến khích cấp công ty, năm 2008 An tiếp tục “rinh” về giải thí sinh trẻ xuất sắc nhất cấp công ty. Năm 2014, An đoạt giải nhì cấp công ty và cũng trong năm này, An tham gia thi tay nghề khai thác mủ cấp tập đoàn và đoạt giải khuyến khích.

Những bằng khen, chứng nhận khác dành cho cô công nhân này đến từ nhiều cấp: Tập đoàn Công nghiệp cao su VN, Đảng bộ Nông trường cao su Nhà Nai, giải thưởng “Thanh niên tiêu biểu ngành cao su” lần thứ 3, bằng khen của chủ tịch tỉnh Bình Dương.

“An... tuyệt vời!”

8g30 sáng, tiếng vỗ tay hô hào của các công nhân làm rộn rã cả một góc rừng cao su bạt ngàn. Hóa ra, trong lúc giải lao giữa ca, An cùng các anh chị trong đội tranh thủ luyện tập môn bóng chuyền. Dù với dáng người nhỏ nhắn nhưng phát bóng, đỡ bóng điệu nghệ nên khi An có bóng là “khán giả” bên ngoài lại vỗ tay rần rần.

An chia sẻ: “Tôi chọn nghề công nhân cao su này đến nay chưa thấy mất gì mà trái lại được nhiều thứ: được đi du lịch trong và ngoài nước nhiều lần. Những người khác thấy nghề này nhàm chán nhưng với tôi thì không, tôi rất tự hào vì mình là một công nhân cao su”.

Khi hỏi về An, nhiều anh chị nơi An làm việc chỉ dùng từ “tuyệt vời!” để nhận xét về tác phong làm việc và ứng xử của An trong hoạt động hằng ngày.

Anh Lê Bá Tĩnh - đội trưởng đội 3, nơi An đang làm việc - nói: “Tuyệt vời, chỉ có từ đó mới nói hết về con người An thôi. Giao việc gì cho An chúng tôi cũng rất an tâm bởi An luôn hoàn thành nhiệm vụ một cách đầy sáng tạo. An là người có tố chất làm quản lý, tuy nhiên hạn chế lớn nhất của An là trình độ học vấn chưa đạt chuẩn. Chúng tôi đang cố gắng tìm mọi cách để An học lên cao hơn”.

Anh Nguyễn Văn Hưng, chủ tịch công đoàn Nông trường cao su Nhà Nai, nói An là một công nhân xuất sắc và đa tài. Anh Hưng nói rằng An tham gia vào tất cả các hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ của nông trường. An còn là một tổ trưởng công đoàn rất nhiệt tình và hết mình vì công nhân. “Hiện chúng tôi đang tìm mọi cách để An đi học tiếp lên cao hơn để bổ sung vào đội ngũ quản lý của nông trường” - anh Hưng cho biết.

“Nhiều anh chị ở đây làm quản lý cũng xuất thân từ những người công nhân như tôi. Lúc trước gia cảnh khó khăn, tôi không có điều kiện để học tiếp nên khi nghe nông trường có liên kết với các trường nghề tổ chức cho công nhân học nghề là tôi đăng ký liền. Năm ngoái, tôi đã đăng ký học lớp trung cấp nghề nhưng do không đủ lớp nên trường không mở. Năm nay tôi tiếp tục đăng ký và hi vọng đủ lớp để đi học nâng cao trình độ lên” - An cười nói.

NGÔ NGUYỆT HỮU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên