04/05/2016 16:08 GMT+7

Xanh hóa Trường Sa để khẳng định chủ quyền

VIỆT HÙNG - QUỲNH TRUNG
VIỆT HÙNG - QUỲNH TRUNG

TTO - Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương thăm các đảo ở Trường Sa và nhà giàn Huyền Trân từ ngày 25-4, kết thúc ngày 4-5 với chủ đề “Trường Sa xanh”.

Đại diện báo Tuổi Trẻ trồng cây cùng các đại biểu và lính đảo Sơn Ca - Ảnh tư liệu

Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ để chia sẻ những hoạt động của chuyến đi.

* Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm nay tại sao chọn chủ đề Trường Sa xanh, thưa bí thư?

- Trong chuyến hành trình 2015, tôi phát hiện một số vấn đề môi trường ở trên các điểm đảo tại Trường Sa. Như là xử lý rác thải sinh hoạt, chăn nuôi, tình trạng thiếu nước ngọt, thiếu cây xanh và bóng mát. Hai là, chúng tôi suy nghĩ khi tiếp cận chủ quyền biển đảo có nhiều cách khác nhau.

Trước đây, chúng ta chỉ quan tâm đến vấn đề tăng cường kháng lực, năng lực huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu cho bộ đội.

Tuy nhiên, chủ quyền VN ở Trường Sa không chỉ có sự hiện diện của quân đội, mà giữa biển khơi của Tổ quốc còn có người dân, tôn giáo, trường học, bệnh xá... nên cần có một sự tiếp cận mềm hơn, khẳng định đầy đủ nhất chủ quyền thiêng liêng biển đảo. Do đó năm 2016 Trung ương Đoàn quyết định chọn chủ đề tuổi trẻ đồng hành vì Trường Sa xanh.

Hồi tháng 3, thanh niên khởi động chương trình Trường Sa xanh với 4 nội dung. Thứ nhất là sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, nhiếp ảnh, nhạc họa về Trường Sa. Các tác phẩm này sẽ giúp tuyên truyền về chủ quyền biển đảo Tổ quốc đến với cộng đồng, thanh thiếu nhi trong và ngoài nước.

Nó sẽ được ấn hành, thương mại hóa và tiền thu được góp vào quỹ Trường Sa xanh. Trong chuyến hành trình Trường Sa lần này phát hành bộ postcard hình ảnh các đảo ở Trường Sa để gây quỹ. Nội dung lớn thứ hai chính là hoạt động xanh hóa Trường Sa.

Chúng tôi hết sức hoan nghênh báo Tuổi Trẻ đưa cây xanh, đất từ quê hương Đồng Khởi, 18 thôn Vườn Trầu, từ đất thép Củ Chi trồng tại đảo Sơn Ca. Rồi phát động trồng cây xanh, rau xanh ở các điểm đảo.

Trung ương Đoàn cũng trang bị máy lọc nước biển thành nước ngọt ở Trường Sa Đông và đang vận động để mỗi đảo chìm có ít nhất một máy. Có máy lọc thì việc trồng rau xanh và chăn nuôi, tăng gia sản xuất sẽ tốt hơn. Trong chuyến hành trình này đã thực nghiệm 2 chế phẩm vi sinh đang cho kết quả tốt trong việc xử lý rác thải công nghiệp và chăn nuôi, trồng trọt.

Ba là đưa các nhà khoa học trẻ xâm nhập thực tiễn hoặc tiếp cận Trường Sa để có ý tưởng, hiến kế tăng cường kháng lực, cải thiện đời sống, sinh hoạt và sức chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ trên các đảo. Nội dung lớn thứ 4 là tiếp tục thực hiện chương trình hậu phương quân đội một cách đồng bộ, bài bản và nghĩa tình hơn, hỗ trợ thêm vốn vay, phương tiện để làm ăn.

Bí thư trung ương Đoàn TNCS HCM anh Nguyễn Anh Tuấn

Chúng tôi hết sức hoan nghênh báo Tuổi Trẻ đưa cây xanh, đất từ quê hương Đồng Khởi, 18 thôn Vườn Trầu, từ đất thép Củ Chi trồng tại đảo Sơn Ca

Bí thư trung ương Đoàn TNCS HCM anh Nguyễn Anh Tuấn

* Thưa bí thư, những hoạt động trên liệu đã đủ làm xanh sạch Trường Sa chưa?

- Thông qua việc tập hợp hiến kế từ các thành viên trên tàu, chúng tôi thấy có những hiến kế rất sát sườn. Ví dụ như là các giải pháp về kiến trúc, xử lý vấn đề môi trường, trồng cây… là khả thi, có thể nghiên cứu và thực nghiệm được.

Chúng ta đang tìm kiếm những sáng kiến, giải pháp cho một địa điểm rất đặc biệt, nơi vừa đảm bảo quốc phòng an ninh, đồng thời khó khăn và khắc nghiệt về điều kiện thiên nhiên. Cái này cần sự phối hợp với Quân chủng hải quân để thấy nó phù hợp thì triển khai.

Rồi có thể giao cho những tỉnh, thành đoàn sẽ đảm nhiệm một công trình cụ thể trên các đảo, vận động nguồn lực thông qua quỹ Trường Sa xanh để có nguồn lực hỗ trợ hải quân thực hiện.

* Trung ương Đoàn có những hoạt động cụ thể gì để phổ biến thông điệp Trường Sa xanh không chỉ gói gọn trong giới trẻ, mà lan tỏa đến các tầng lớp xã hội?

- Hiện bắt đầu khởi động chương trình ở bước thứ hai. Chúng tôi cũng giao cho các cơ quan báo chí có những tuyến bài tuyên truyền chủ trương xanh hóa quần đảo Trường Sa và khẳng định chủ quyền mềm trong lòng nhân dân, bạn bè thế giới. Sau chuyến hành trình này, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tuyên truyền và quảng bá, sàng lọc tiếp thu các hiến kế cho Trường Sa.

Quỹ Trường Sa xanh có tài khoản riêng kêu gọi sự đóng góp của đồng bào trong và ngoài nước, kể cả những tổ chức quốc tế huy động kinh phí triển khai các chương trình. Trước khi khởi động hành trình Trường Sa lần này, quỹ Trường Sa xanh đã huy động được khoảng 3 tỉ đồng để chuẩn bị nhu yếu phẩm và các phần quà ý nghĩa cho các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các điểm đảo.

Chúng tôi đang có ý định sẽ thành lập doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ở huyện đảo Trường Sa, tham gia các lĩnh vực văn hóa và thương mại. Chẳng hạn như thương mại hóa các sản vật ở Trường Sa. Tính ra số lượng người Việt đi nước ngoài mua quà lưu niệm như đồ cắt móng tay và chìa khóa (mỗi người mua ít nhất 20 cái móc khóa) thì mỗi năm nước ta tốn khoảng 400 triệu USD.

Tới đây, chúng tôi cũng sẽ tiến hành sản xuất các móc khóa có in logo Trường Sa xanh hoặc các hình ảnh đặc trưng của Trường Sa như bàng vuông, cây phong ba… Đây là cách tạo ra nguồn lực kinh tế để chăm lo cho Trường Sa, vừa cũng là hình thức quảng bá Trường Sa gần gũi đến mọi người.

Xúc động khi ca sĩ vừa hát vừa khóc

Hình ảnh tôi ấn tượng và xúc động nhất là lúc cô ca sĩ Trúc Lai ở Nhà văn hóa Thanh niên bật khóc khi hát trước các chiến sĩ ở đảo Trường Sa Lớn. Trúc Lai là một cô ca sĩ rất là nhí nhảnh, năng động, vui tươi, mạnh mẽ và cũng thường hát những bài hát trẻ nên tôi không nghĩ cô ấy lại khóc khi hát.

Hình ảnh đó rất xúc động và tự nhiên nhất trong chuyến hành trình này, nó thể hiện tình cảm thiêng liêng và sự tự hào của các bạn trẻ dành cho các chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa.

VIỆT HÙNG - QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên