13/04/2016 14:03 GMT+7

Những “trí thức 07” trên cao nguyên đá

Đ.BÌNH - L.Đ.DỤC
Đ.BÌNH - L.Đ.DỤC

TTO - Từ cuối năm 2013, đã có 212 trí thức trẻ được Tỉnh ủy Hà Giang tuyển chọn để tăng cường cho các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Hoàng Minh Thông (phải), phó bí thư Đoàn xã Thanh Đức, bên những gốc thanh long “làm mẫu” của mình - Ảnh: Ngọc Quang
Hoàng Minh Thông (trái), phó bí thư Đoàn xã Thanh Đức, bên những gốc thanh long “làm mẫu” của mình - Ảnh: Ngọc Quang

Các bạn từ đề án mang số 07/ĐA-TU của Tỉnh ủy này được trìu mến gọi là “trí thức 07” hay “cán bộ 07” .

Hơn hai năm cắm bản “3 cùng” với dân, các trí thức trẻ, đặc biệt ở vị trí phụ trách Đoàn thanh niên, đang dần khẳng định năng lực của mình, được dân quý, chính quyền tin yêu...

Phó bí thư “làm mẫu”

Dẫn chúng tôi xuống xã, chị Hoàng Thị Thanh Huyền, bí thư Huyện đoàn Vị Xuyên, giới thiệu một phó bí thư Đoàn đã bỏ ghế giám đốc để tình nguyện thi tuyển làm phó bí thư Đoàn xã Thanh Đức.

Đó là cô gái Hoàng Minh Thông (30 tuổi) ở xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Bóng chiều chạng vạng, vợ chồng Thông vẫn đang miệt mài cùng những người thợ xây một dãy lán trại khá rộng.

Thông nói: “Đây là trang trại bò thịt mà tôi đang đốc thúc thợ làm khẩn trương để sớm đưa 100 bò thịt về nuôi. Trang trại này hoạt động thì thanh niên, hộ dân quanh vùng Phong Quang, Thanh Đức sẽ có thêm việc làm, thu nhập”.

Xung quanh trang trại bò là cánh đồng trồng thanh long của Thông. Thông chia sẻ: “Điều kiện đất đai, thời tiết ở cao nguyên đá rất khắc nghiệt.

Đất rất ít, nhưng nơi có đất cũng là những chỗ đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng, vì thế không thể trồng các cây lương thực thông thường. Khi về xã công tác, thấy dân chỉ trồng ngô và rau màu thì không ăn thua, đời sống không thể khấm khá được. Do gia đình kinh doanh các mặt hàng xuất khẩu, thấy trái thanh long xuất khẩu rất được giá nên tôi đã tìm hiểu để đưa cây thanh long về trồng.

Với người dân, để thuyết phục họ thì mình phải trực tiếp làm mẫu. Chính vì thế tôi bàn với chồng đấu thầu thuê lại gần 2ha diện tích đất trồng ngô của dân. Tôi đã trồng 1.600 gốc thanh long.

Thấy tôi trồng quy mô lớn, nhiều hộ dân xung quanh đến theo dõi, dò hỏi. Tôi đã phân tích cho dân rằng mình đầu tư trồng 1.600 gốc thanh long, cả công trồng, chăm sóc khoảng 200 triệu đồng. Nhưng sau hai năm thanh long sẽ cho thu hoạch lứa đầu với sản lượng khoảng 10 tấn.

Trong năm đầu tiên thu hoạch tôi sẽ thu 6-7 lứa, các lứa sau năng suất sẽ hơn hẳn lứa đầu. Với giá xuất khẩu tại Thanh Thủy thấp nhất 40.000 đồng/kg ở thời điểm này, chỉ năm đầu tiên tôi đã có thể thu ít nhất 600 triệu đồng...

Thấy tôi phân tích hợp lý, lại nhìn 1.600 gốc thanh long có cây đã bắt đầu ra quả, nhiều hộ dân trong vùng đã học hỏi, về nhà trồng thử”.

Thấy vợ quá say mê với công việc của xã trong việc tìm tòi, đưa các mô hình phát triển kinh tế, chuyển đổi cây con về bước đầu có hiệu quả, anh Phạm Võ Quan gật gù cười: “Lúc đầu vợ bảo đi xã học làm cán bộ, tôi không thích đâu. Ở nhà bao nhiêu việc, người làm không hết. Tôi phải thuê năm người làm, mỗi người phải trả lương 5-7 triệu đồng/tháng, lại nuôi ăn. Trong khi vợ mình ăn cơm nhà, đi làm ở xã vất vả mà lương chưa được 3 triệu đồng/tháng. Lúc đó bảo vợ ở nhà làm giám đốc, nhưng vợ nhất quyết đi nên phải chiều thôi. Giờ thấy công sức vợ bỏ ra cũng khá được nên mình thấy vợ đúng”.

Thảo “Tày” giới thiệu về mô hình trồng dứa - Ảnh: Ngọc Quang
Thảo “Tày” giới thiệu về mô hình trồng dứa - Ảnh: Ngọc Quang

 

Thảo “Tày” trồng dứa

Thảo “Tày”, Thảo “dứa” là biệt danh vui của Nguyễn Thu Thảo (26 tuổi), phó bí thư Đoàn xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên, mà ông Đỗ Đức Yên, bí thư Đảng ủy xã Phong Quang, nhắc tới.

Khi chúng tôi về xã Phong Quang, cảnh đầu tiên đập vào mắt là những cánh đồng dứa bạt ngàn chạy dọc hai bên đường kéo dài đến sát chân núi. Cùng Thảo xuống thôn Bản Mán, gặp một người dân đang kiểm tra cánh đồng dứa mới trồng, Thảo phăm phăm xuống ruộng cùng người dân đi từng luống để kiểm tra.

Nhổ một cây dứa nhỏ, Thảo nói với người dân gì đó và người dân cười gật gù ra ý đã hiểu. Thảo nói: “Cây dứa đó bị no nước nên thối rễ, tôi chỉ cho họ cách phát hiện những cây dứa kém chất lượng để nhổ đi, trồng giặm cây khác vào...”.

Thảo kể xã Phong Quang nằm trong vùng triển khai dự án liên kết trồng dứa của huyện Vị Xuyên với Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình).

Công ty cung ứng giống, nilông che phủ, chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, người nông dân chăm sóc. Chi phí ước thực hiện cho mỗi hecta là 50 triệu đồng, trong đó phía công ty cung ứng trước 40%, chi phí còn lại người nông dân tự bỏ vốn, hoặc nếu khó khăn thì huyện sẽ đầu tư phần còn lại theo hình thức đầu tư có thu hồi.

“Dự án chắc chắn mang lại hiệu quả nhưng để vận động, yêu cầu dân chuyển đổi từ trồng ngô truyền thống sang trồng dứa là rất khó khăn. Đoàn xã phải xuống từng thôn, tuyên truyền từ những người lãnh đạo thôn, chi đoàn. Dân ban đầu không theo đâu. Khi các hộ gia đình thanh niên xung phong làm mẫu nhổ ngô trồng dứa như gia đình anh Hoàng Quốc Thảo (thôn Bản Mán) bỏ 6.000m2 đất trồng ngô để trồng dứa thì dân vẫn chỉ đứng nhìn và cười. Họ bảo thanh niên thích thì cứ trồng. Rồi khi cả ngàn thanh niên từ các xã trong huyện ra quân xuống trồng dứa thì lúc đó dân mới xắn tay vào làm cùng. Nhưng để có sự thay đổi này, đoàn xã và các chi đoàn phải tích cực tuyên truyền, vận động...” - Thảo kể.

Thảo cho biết dự án trồng dứa ở Phong Quang là 100ha, sau mấy tháng triển khai đến nay toàn xã đã trồng được 52ha.

“Đây là thành tích vận động của cháu Thảo, trước đến nay hiếm có chương trình gì mà xã tuyên truyền, vận động lại hiệu quả như chương trình này. Chúng tôi đánh giá rất cao năng lực, sự năng động, sáng tạo và say mê công việc của Thảo. Xã chúng tôi đang rất cần những người như Thảo” - ông Đỗ Đức Yên nói.

“Giao việc gì là làm hết”

Ông Đỗ Đức Yên, bí thư Đảng ủy xã Phong Quang, tỏ vẻ thán phục: “Cháu Thảo là người Kinh ở bên xã Phú Linh (cách xã Phong Quang gần 20km), khi về xã nhận nhiệm vụ Thảo chả nề hà gì, xã giao việc gì là làm hết.

Suốt ngày xuống bản, xuống thôn, gái người Kinh mà nói tiếng Tày như người Tày bản địa nên mọi người trong cơ quan hay gọi vui Thảo “Tày” là thế. Thảo cũng là người đề xuất các mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tìm tòi đưa các giống cỏ chăn nuôi hợp với môi trương, khí hậu vùng cao nguyên đá về trồng”.

Trong khi đó, theo bí thư Huyện đoàn Vị Xuyên Hà Thị Thanh Huyền, đầu năm 2014 Thông cùng hơn 200 trí thức trẻ trong tỉnh được tuyển chọn đưa về xã. Lúc này, gia đình Thông đã chuyển sang chuyên sản xuất gỗ bóc để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Chồng của Thông (Thông lấy chồng khi đang học ĐH, năm 2010), anh Phạm Võ Quan, cũng làm chủ một doanh nghiệp xuất khẩu (đóng tại cửa khẩu Thanh Thủy). Mặc lời khuyên can của chồng, gia đình, Thông vẫn dứt khoát khoác balô về Thanh Đức để thử sức trên cương vị hết sức mới mẻ phó bí thư đoàn xã là sự xung phong rất ấn tượng.

Đ.BÌNH - L.Đ.DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên