12/04/2016 09:23 GMT+7

​GotIt! - khởi nghiệp từ thị trường gia sư trực tuyến

CÔNG NHẬT (congnhat@tuoitre.com.vn)
CÔNG NHẬT (congnhat@tuoitre.com.vn)

TTO - Là một trong những phần mềm ứng dụng (app) giáo dục có tốc độ phát triển mạnh mẽ ở thị trường Mỹ (nằm trong tốp 10 app được tải về nhiều nhất trên Apple App Store tại Mỹ tính đến đầu năm 2016).

“Nhân tài cũng là những cá nhân thích những gì “dài hạn” hơn “ngắn hạn”. Họ luôn mong muốn được cống hiến, được thử thách với những điều mới mẻ và tạo ảnh hưởng lớn chứ không chỉ quan tâm đến thu nhập, các lợi ích thông thường... 
Tiến sĩ Trần Việt Hùng

 

Sáng lập viên GotIt! là một người Việt - tiến sĩ Trần Việt Hùng.

“Có thể hiểu GotIt! là một app giúp thành viên có thể đặt câu hỏi chi tiết (bằng tiếng Anh) trên điện thoại di động (ĐTDĐ). Khi câu hỏi được đưa lên GotIt!, hệ thống sẽ lập tức kết nối người hỏi với các chuyên gia có thời gian nhàn rỗi và đang online trên hệ thống của GotIt!.

Bằng các thuật toán, trong 10 giây GotIt! sẽ chọn chuyên gia nào phù hợp (đáp ứng cao nhất bảng tiêu chí tuyển chọn do GotIt! xây dựng) để kết nối với người hỏi. Chuyên gia nào phù hợp với yêu cầu nhất sẽ “giành” người hỏi về phía mình và hai bên có khoảng 10 phút để trao đổi sâu” - Việt Hùng giải thích.

“Chiến đấu” 16 tiếng/ngày

Quay lại thời điểm năm 2011 lúc còn là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành khoa học máy tính ở ĐH Iowa (Hoa Kỳ), Việt Hùng từng đi dạy kèm để kiếm thêm thu nhập.

Ý tưởng cung cấp dịch vụ gia sư trực tuyến xuất hiện khi anh nhận ra lĩnh vực này “cầu” quá lớn (theo Forbes, thị trường gia sư toàn cầu sẽ vượt mốc 102 tỉ USD trước năm 2018). Chưa có nhiều vốn trong tay, Việt Hùng tham dự tất cả các cuộc thi mà anh biết và tích lũy được khoảng 60.000 USD, từ đó chập chững khởi nghiệp. Tutor Universe, trang web kết nối gia sư với người học, ra đời từ đó.

Nhưng nhanh chóng nhận ra Tutor Universe không tiềm năng bằng thị trường app trên ĐTDĐ, từ tháng 10-2013 Việt Hùng và các cộng sự quyết định đổi chiến lược: tập trung xây dựng một app giáo dục với mô hình táo bạo hơn có tên GotIt!.

Thực chất đã có nhiều trang web cung cấp dịch vụ trả lời các câu hỏi online như Quora, Question, Question2answer... Vậy GotIt! lấy gì để cạnh tranh?

“Đó là tốc độ. Hầu hết các trang web trên đều buộc người hỏi phải đợi một khoảng thời gian khá lâu để có câu trả lời trong khi với GotIt!, câu hỏi sẽ nhận được tín hiệu trả lời ngay lập tức và chuyên gia sẽ giảng giải cặn kẽ các vấn đề liên quan” - Việt Hùng giải thích. 

Hiện GotIt! có “bộ sậu” khá mạnh khi kéo về thành công nhiều nhân viên từ các “ông lớn” như Google, Oracle...

“Nhưng ở thung lũng Silicon, các công ty thậm chí dùng thuật ngữ “talent war” (tạm dịch: “Cuộc chiến” giành nhân tài) để diễn tả sự khốc liệt.

Nếu tỉnh táo, chúng ta sẽ thấy nhân tài được nhiều người săn đón, nhưng nhân tài cũng là những cá nhân thích những gì “dài hạn” hơn “ngắn hạn”. Họ luôn mong muốn được cống hiến, được thử thách với những điều mới mẻ và tạo ảnh hưởng lớn chứ không chỉ quan tâm đến thu nhập, các lợi ích thông thường...

Tôi “đánh” vào điểm này khi đi thuyết phục họ và phần lớn thành công dù có những trường hợp phải mất ròng rã ba tháng” - anh tiết lộ.

Chia sẻ về áp lực người sáng lập, Việt Hùng cho rằng ở thời điểm nào thì người sáng lập cũng phải làm tốt cả ba nhiệm vụ: lên chiến lược, tầm nhìn cho công ty và sản phẩm, tìm cách thu hút người tài, kéo về nguồn tài chính để công ty tồn tại và phát triển.

Thời gian tới GotIt! có tham vọng sẽ mở rộng thêm các lĩnh vực như khoa học xã hội, truyền thông... thay vì chỉ giải quyết các câu hỏi xoay quanh toán, lý, hóa như hiện tại.

“Khối lượng công việc rất nhiều nên mỗi ngày chúng tôi phải làm việc liên tục từ sáng đến tối, cá nhân tôi thường dành 16 tiếng/ngày cho GotIt!” - anh chia sẻ. 

Khởi nghiệp - tránh ảo tưởng

“Ở thung lũng Silicon, mọi người cho rằng ý tưởng là thứ rẻ mạt nhất. Một ý tưởng chỉ được gọi là tốt khi trở thành sản phẩm hay dịch vụ nhiều người muốn sử dụng. Còn vốn thì tùy theo từng giai đoạn của công ty, các công ty khởi nghiệp liên quan đến ĐTDĐ, Internet... thì không cần quá nhiều vốn để có thể làm được một sản phẩm tối giản. Cá nhân tôi cho rằng chất lượng đội ngũ nhân viên mới là quan trọng nhất” - Việt Hùng nói.

Là vùng đất nổi tiếng tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp nhưng phải đáp ứng các yêu cầu vô cùng khắt khe về đội ngũ, sản phẩm, dịch vụ...

“Ngoài ra, mức độ cạnh tranh cũng rất khốc liệt bởi ngay khi bạn chứng minh được sản phẩm của mình đáp ứng được nhu cầu người dùng, thì sẽ có nhiều người bắt chước và thậm chí có thể còn làm nhanh hơn bạn. Do đó lúc nào chúng ta cũng cần có chiến lược để trong tâm thế người dẫn đầu.

Giai đoạn đầu với GotIt! tôi cũng nhiều lần căng thẳng khi đã đến hạn trả lương mà vẫn chưa kiếm được nguồn tiền đầu tư. Nói chung, khởi nghiệp ở đâu cũng “trầy da, tróc vẩy” nên tuyệt đối tránh trạng thái xem nhẹ, ảo tưởng” - anh Hùng nói thêm. 

Hiện tại GotIt! chấp nhận chịu lỗ khi cung cấp 12 “suất” tư vấn miễn phí cho những thành viên mới và tính giá tượng trưng cho những câu hỏi sau.

“Hiện chúng tôi tồn tại nhờ nguồn tiền từ các quỹ đầu tư chứ không phải từ khách hàng. GotIt! hiện gọi được nhiều vòng vốn đầu tư từ các nhà đầu tư nổi tiếng như Guy Kawasaki, Hong Ge...; các quỹ đầu tư mạo hiểm như Kinzon Capital và Intel Capital...” - Việt Hùng tiết lộ. 

Có tốc độ phát triển 40%/tháng với tiềm năng đáng kể như lời ông Marc Yi, giám đốc quỹ đầu tư Intel Capital, nhận định: “Tôi ngay lập tức bị GotIt! chinh phục bởi đây là một app tuyệt vời và thu hút sự tham gia của nhiều nhân tài, tôi tin tưởng GotIt! sẽ thành công và hỗ trợ hiệu quả cho hàng triệu người học khắp thế giới”, nhưng Việt Hùng vẫn đầy trăn trở khi chưa tạo được điều kiện để nhiều chuyên gia, trí thức trẻ Việt tham gia mạng lưới của GotIt!.

“Sinh viên VN rất giỏi về các môn khoa học tự nhiên nhưng lại có hạn chế về tiếng Anh, ngoài ra có sự khác biệt trong phương pháp giải toán giữa các nước... nên GotIt! chưa có nhiều cơ hội làm việc với chuyên gia VN.

Tôi đang nhờ một số tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài về VN hỗ trợ kỹ năng cho những bạn trẻ mong muốn cộng tác với GotIt!. Còn trước mắt, tôi đã lập một văn phòng của GotIt! tại Hà Nội với khoảng 10 nhân viên VN và giao họ quản lý toàn bộ phần kỹ thuật” - Việt Hùng cho biết.

Gia sư không phải là “cho con cá”

Hiện tại GotIt! đang có mạng lưới 40.000 chuyên gia trên toàn thế giới. Trước khi ký kết hợp đồng với các chuyên gia, GotIt! thực hiện nhiều khâu kiểm tra kiến thức chuyên môn (thông qua ngân hàng câu hỏi do GotIt! tự biên soạn), cung cấp khóa đào tạo cách thức, lộ trình tương tác với người dùng...

Khi phát hiện chuyên gia chỉ đưa đáp án mà không thực hiện theo lộ trình “ba bước bắt buộc” (gợi ý những kiến thức cần thiết để giải quyết vấn đề, trao đổi sâu và cuối cùng mới đưa ra câu trả lời), GotIt! sẽ lập tức ngưng hợp tác.

Bởi theo anh Hùng: “Chất lượng chuyên gia lẫn bài giảng là vô cùng quan trọng vì chỉ cần khách hàng có một ấn tượng xấu thì họ sẽ không quay lại, chưa kể chúng tôi muốn hỗ trợ tối đa người học về mặt tiếp thu tri thức chứ không muốn thuần lợi nhuận”.

 

CÔNG NHẬT (congnhat@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên