11/04/2016 11:16 GMT+7

Ai đã làm âm nhạc miễn phí cho phố đi bộ

KIM ANH (kimanh@tuoitre.com.vn)
KIM ANH (kimanh@tuoitre.com.vn)

TTO - Hai tháng qua, tối thứ bảy hằng tuần trên phố đi bộ Nguyễn Huệ mọi người đã có thêm tụ điểm thưởng thức âm nhạc dân tộc ngay trên đường phố.

Các nghệ sĩ trẻ, sinh viên Nhạc viện TP.HCM biểu diễn âm nhạc dân tộc tại phố đi bộ Nguyễn Huệ - Ảnh: K.Anh
Các nghệ sĩ trẻ, sinh viên Nhạc viện TP.HCM biểu diễn âm nhạc dân tộc tại phố đi bộ Nguyễn Huệ - Ảnh: K.Anh

Đây chính là công trình thanh niên “Không gian văn hóa, nghệ thuật và thể thao” của Đoàn khối Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch thuộc Thành đoàn TP.HCM.

“Chúng tôi muốn nhiều người biết và yêu âm nhạc của đất nước mình, đó cũng là cách để gìn giữ nét truyền thống, bản sắc văn hóa Việt” - anh Nguyễn Bá Hùng, phó bí thư Đoàn khối, cho hay.

Và mong muốn đem âm nhạc dân tộc đến gần hơn với công chúng nên hằng đêm nhóm các nghệ sĩ sẽ dành thời lượng biểu diễn các nhạc cụ dân tộc nhiều hơn so với các loại hình nghệ thuật khác.

Những người trẻ giữ “hồn dân tộc”

Tiếng nhạc rộn ràng một góc phố đi bộ, vây xung quanh ban nhạc là hàng trăm bạn trẻ, công chúng và du khách nước ngoài. Người đứng, người ngồi bao vòng trong vòng ngoài nhưng rất trật tự.

Bản nhạc hòa tấu kết hợp giữa các nhạc cụ dân tộc thể hiện liên khúc Lý kéo chài - Lý giăng câu vừa dứt, những tràng pháo tay ủng hộ các nghệ sĩ rần vang.

Ngay sau đó, nghệ sĩ trống Trung Hiền liền giới thiệu đến mọi người về bộ trống dân tộc: “Trống này không chỉ đánh trong các bài nhạc dân tộc mà vẫn có thể phối hợp chơi các bài nhạc hiện đại, nhạc trẻ nhưng mang âm hưởng hòa quyện, giao thoa giữa âm nhạc dân tộc và hiện đại. Mỗi lần đánh trống tại phố đi bộ, khán giả đứng ngay cạnh mình trong không gian hết sức lãng mạn này, bỗng thấy mình chơi cuồng nhiệt hơn và cảm giác như chạm được cảm xúc của khán giả”.

Không có nhiều kinh phí nhưng các nghệ sĩ trẻ đã ủng hộ nhiệt tình khi công trình thanh niên được ấp ủ. Ở buổi diễn đầu tiên “chào sân” diễn ra cuối tháng 2-2016, nhóm đã bất ngờ khi khán giả vây kín khu biểu diễn. Đồ nghề của nhóm thì “hồn ai nấy giữ”, nghĩa là ai chơi nhạc cụ nào thì tự mang đến để ráp vô chơi phục vụ bà con, bộ loa được đảng ủy khối hỗ trợ để các bạn thực hiện công trình.

“Chúng tôi đã dự tính thực hiện công trình thanh niên đưa âm nhạc dân tộc đến với công chúng bằng hình thức biểu diễn phục vụ ở những nơi đông người. Và khi có phố đi bộ, chúng tôi đã xin ý kiến đơn vị quản lý để được ra đây biểu diễn phục vụ công chúng. Chúng tôi xem đây như sân chơi để các bạn trẻ giao lưu âm nhạc” - anh Hùng cho biết.

Các bạn còn lập fanpage “Nghệ thuật phố đi bộ Nguyễn Huệ” đã có nhiều người vào xem và bày tỏ cảm xúc. Thậm chí qua đó có bạn ở tận TP Biên Hòa biết được nên đến đây để được xem ban nhạc biểu diễn. Bạn Nguyễn Tâm chia sẻ: “Cảm ơn các bạn đã cho tôi cơ hội thưởng thức âm nhạc dân tộc vào mỗi tối thứ bảy”.

Có mặt hôm thứ bảy 2-4 vừa rồi, anh Tạ Minh Hùng (Q.8) cho biết: “Phố đi bộ có không gian thoáng đãng nhưng quả thật chưa có nhiều điểm để thưởng lãm như không gian nghệ thuật của các bạn trẻ. Mỗi lần ra đây vào tối thứ bảy, tôi không thể không đến để nghe, xem các bạn biểu diễn. Không ngờ âm nhạc dân tộc khi biểu diễn hòa tấu nghe rất hay”.

Từ chối sô diễn để phục vụ miễn phí

Cuối tuần các nghệ sĩ thường có nhiều lời mời diễn tại các sân khấu, nhà hàng nhưng các thành viên của nhóm đều sẵn sàng từ chối những sô diễn ấy để duy trì hoạt động tại phố đi bộ.

Bạn Phương Linh (đàn tranh), sinh viên năm cuối Nhạc viện TP.HCM đã tham gia biểu diễn nhiều nơi, cho biết: “Khi được biểu diễn tại phố đi bộ, mình thấy niềm vui rất trọn vẹn vì không có khoảng cách giữa khán giả và người nghệ sĩ. Chính vì thế tuần nào mình cũng dành thời gian tập luyện với nhóm để phục vụ mọi người nhiều bài nhạc, “đổi món” cho mọi người. Nhiều lần mình phải từ chối không nhận sô diễn cuối tuần chỉ vì thích biểu diễn cùng nhóm tại không gian phố đi bộ”.

Nghệ sĩ thổi sáo Trần Lâm cho biết mỗi đêm ra đây biểu diễn anh thổi có khi gần chục bài, khi thể hiện riêng, khi phối hợp chung với ban nhạc. Khi giới thiệu về cây sáo trong bộ nhạc cụ dân tộc, Trần Lâm nâng niu cây sáo nhỏ đưa lên thổi vài hơi lảnh lót như tiếng chim hót rồi cùng bạn Nguyễn Quyết biểu diễn bài Cánh chim tự do nghe réo rắt. Cả đám đông vỗ tay nhiệt tình. Trần Lâm chia sẻ: “Biểu diễn tại đây tôi luôn thấy được sự hiện hữu của mình trong lòng khán giả”.

Công trình thanh niên của Đoàn khối Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch không chỉ dừng lại ở phố đi bộ, thời gian tới sẽ được triển khai đến tận các trường học, nhà xưởng, khu trung tâm thương mại, doanh trại bộ đội...

“Chúng tôi đang liên hệ để đến phục vụ âm nhạc dân tộc tại các nơi như trường học, nhà xưởng... Chỉ cần tranh thủ giờ ra chơi hay một khoảng thời gian nghỉ giải lao, chúng tôi sẽ biểu diễn nhạc để mọi người thưởng thức. Chúng ta sẽ đi từ từ để các bạn trẻ và công chúng ngày càng yêu hơn âm nhạc dân tộc” - anh Hùng cho biết.

Đưa âm nhạc dân tộc đến với đông đảo công chúng

Ông Lương Văn Nhiền, bí thư Đảng ủy khối Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, cho biết: “Tôi đã quan sát một số buổi biểu diễn của các bạn với vai trò như một người khách đến phố đi bộ và nhận thấy rất đông bạn trẻ, công chúng và cả du khách tỏ ra thích thú với những màn biểu diễn của các bạn.

Những buổi biểu diễn này đúng nghĩa là âm nhạc đường phố vì gần gũi với công chúng, không giống như những buổi diễn trên sân khấu mà chúng ta thường thấy. Tất cả các bạn tham gia đều trên tinh thần tình nguyện phục vụ.

Đảng ủy khối sẽ tiếp tục hỗ trợ để các bạn thực hiện công trình ý nghĩa này”.

KIM ANH (kimanh@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên