27/03/2016 12:10 GMT+7

Ngày tôi vào đoàn: Vì thanh danh của Đoàn...

MAI HOA - HẢI HƯƠNG
MAI HOA - HẢI HƯƠNG

TTO - 20 tuổi, chàng thanh niên được kết nạp Đoàn. Nhưng những rung cảm đầu tiên đã đến từ khi anh mới 15 tuổi, là khi bắt đầu có phong trào Trần Văn Ơn.

Ông Lê Hồng Tư, nguyên phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, nay đã 81 tuổi, kể chuyện về ngày vào Đoàn cách đây hơn 60 năm cho các đoàn viên  - Ảnh: Tự Trung
Ông Lê Hồng Tư, nguyên phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, nay đã 81 tuổi, kể chuyện về ngày vào Đoàn cách đây hơn 60 năm cho các đoàn viên - Ảnh: Tự Trung

Người thanh niên ấy là Lê Hồng Tư, nay đã 81 tuổi, nhưng câu chuyện về ngày vào Đoàn cách đây hơn 60 năm ông vẫn nhớ như in. Thi thoảng, vì ông quá xúc động, bà Nguyễn Thị Châu - vợ ông, người đồng chí từ những năm tháng ấy - lại trìu mến đỡ lời.

Điều lệ gồm 14 điều, ghi vào bốn trang giấy. Tôi ghi nhớ trong lòng tới tận hôm nay: Đoàn gồm những thanh niên ưu tú nhất, có nhiệm vụ đấu tranh cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và hành động vì lợi ích nhân dân, vì thanh danh của Đoàn

Ông LÊ HỒNG TƯ

Rừng trúc, bốn người và hai lá cờ

Phong trào Trần Văn Ơn nổ ra khi Lê Hồng Tư đang đi học nghề. Cậu học trò thấy người ta là học sinh mà có tinh thần yêu nước rất đáng khâm phục như vậy, nên bắt đầu hướng theo con đường đó. Cậu vừa đi làm, vừa dành dụm tiền học thêm buổi tối.

Năm 1954, hòa bình lập lại, Tư vào học Trường Kiến Thiết ở Q.3. Trong trường, anh em đi kháng chiến về học cùng, nói cho cậu hiểu thêm về mưu đồ của Mỹ Diệm phá hoại Hiệp định Genève. Nhờ đó, cậu biết sẽ có chiến tranh ở miền Nam, nên cố gắng học để chuẩn bị cho ngày vô căn cứ.

Học sinh sinh viên Sài Gòn ủng hộ phong trào bảo vệ hòa bình do luật sư Nguyễn Hữu Thọ cùng một số nhân sĩ khởi xướng rồi tổ chức cứu tế, đấu tranh giúp dân “Bám lấy đất, cất lấy nhà”.

Cứ đến ngày chủ nhật, Tư lại cùng các bạn mình tới dựng nhà cho người dân bám trụ. Chàng trai hăng hái trở thành trưởng ban đại diện học sinh Trường Kiến Thiết. Anh được một đoàn viên giới thiệu và hướng dẫn kết nạp vào Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam.

Buổi lễ kết nạp diễn ra giữa vườn trúc rậm rì, chỉ có ba người dự. Bây giờ nhắc lại, chàng trai năm ấy giờ đã là ông lão ngoài 80 vẫn giữ nguyên nét nghiêm trang, tự hào. Hôm đó là dịp nghỉ hè, mấy anh em mới rủ nhau về nhà người bạn ở Củ Chi. Anh bạn này cũng chuẩn bị được kết nạp Đoàn.

Ngoài ra có anh Võ Phá là người giới thiệu và anh Ba “cà lăm” là đảng viên. Bốn anh em ra vườn trúc, trải tấm nệm ngồi sinh hoạt về điều lệ Đoàn. Giữa rừng trúc, chỉ có bốn người và hai lá cờ, là cờ đỏ búa liềm và cờ Tổ quốc được treo lên thân trúc.

Không có huy hiệu, không có cờ Đoàn, không có đoàn ca. Chỉ có lời tuyên thệ của các đoàn viên mới sẽ trung thành với lý tưởng. Một dấu mốc linh thiêng trong lòng người thanh niên, để rồi từ đó anh lao vào cuộc đấu tranh vì lý tưởng.

Đấu tranh và trưởng thành

Từ ngày vào Đoàn, anh hoạt động càng sôi nổi hơn nhưng cũng vì thế mà anh bị công an theo dõi. Khi hết hè, đi học trở lại thì anh cùng bảy người khác bị trường đuổi học.

Cả nhóm tập hợp tại nhà chị Ái để bàn bạc đấu tranh. Nhưng khi vừa đạp xe tới nơi, anh thấy không khí yên ắng khác thường, dù các bạn đang ngồi trong nhà. Anh nói trỏng vô: “Chị Ái có nhà không?”. Không có tiếng trả lời. Anh nói lớn: “Chị thiếu tiền tui, nói bữa nay trả mà lại không có nhà. Nhờ mấy anh nhắn lại giùm chị là chiều tui lại qua lấy”.

Vừa quay xe đi thì một đám cảnh sát nấp sau cánh cửa xông ra hỏi giấy tờ. May sao tên đi học của anh lại khác nên chúng tha cho đi. Số anh em bị bắt lần đó, một số bị đày ra Côn Đảo, một số vượt ngục thì đều hi sinh.

“Một phần cũng vì hồi đó tụi tôi mất cảnh giác nên mới vậy” - ông Tư buồn rầu nhớ lại. Vụ bắt bớ đó làm anh Tư mất liên lạc với tổ chức Đoàn một tháng.

Sau đó, tổ chức phân công vào Trường Văn Lang làm bí thư chi đoàn. Trước hết, các đoàn viên cố gắng học tập thật tốt để gần gũi với nhóm học sinh miền Nam chăm học.

Rồi đứng ra tổ chức cho học sinh các hoạt động xã hội như cứu tế, thăm cô nhi viện để giáo dục tinh thần xã hội, khéo léo quy trách nhiệm cho chính quyền. Thăm cô nhi viện, thấy những cảnh tượng mồ côi bệnh hoạn, chết chóc. Đi cứu tế, nghe đồng báo tố khổ, tố cáo tội ác của chính quyền đốt nhà, ép người dân vô khu trù mật. Những điều ấy đã khơi dậy trong lòng các học sinh Trường Văn Lang ý thức đấu tranh.

Gây dựng được lực lượng rồi cũng là lúc Tư đỗ tú tài. Tư vào học Trường Nguyễn Văn Khuê và trở thành một trong những thủ lĩnh của phong trào nơi đây. Tham gia hoạt động, Tư bị bắt, đưa ra xét xử ngày 23-5-1962. Bị xử tử hình, anh không thèm làm đơn ân xá, chỉ tuyên bố trước tòa: “Tôi chỉ tiếc không đủ tạc đạn để đánh Mỹ”. Anh bị đày ra Côn Đảo.

Tình yêu đến từ những ngày tranh đấu

Nguyễn Thị Châu là một học sinh Trường Văn Lang. Nghe giọng miền Nam, Tư “xáp” vô làm quen, gây dựng cảm tình cho tổ chức. Qua nhiều thử thách, Châu được kết nạp vào Đoàn.

Bà Châu nhớ lại: Ngày kết nạp có ảnh Bác Hồ còn cờ Đoàn thì tự vẽ. Khi Lê Hồng Tư học hết chương trình ở Văn Lang, anh tin tưởng để Châu lại phụ trách hoạt động ở đó. Châu đành phải cố tình thi trượt tới ba năm dù học rất giỏi.

Châu bị bắt trước anh Tư mấy tháng. Trước đó, anh đã ngỏ lời yêu nhưng Châu lạnh lùng đáp lại: Không có ý định lập gia đình vì còn nặng gánh gia đình và cách mạng còn dài.

Trong tù, Châu nghe tin anh Tư bị xử tử. Châu nghẹn ngào nói mình là hôn thê của Lê Hồng Tư. Năm 1975, Tư được trả tự do, hai người làm đám cưới vào tháng 8. Năm ấy, anh Tư 40 tuổi còn chị Châu 37, một đời bên nhau, cho đến tận bây giờ.

MAI HOA - HẢI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên