05/02/2016 11:08 GMT+7

Tết là phải trở về

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

TTO - Những ngày cuối năm, tôi thường theo dõi các bản tin về các cuộc hành trình trở về quê ăn Tết.

Người dân đi đón thân nhân về quê ăn tết ngóng chờ bên ngoài sảnh ga đến - Ảnh: Tự Trung
Người dân đi đón thân nhân về quê ăn tết ngóng chờ bên ngoài sảnh ga đến - Ảnh: Tự Trung

Và năm nào cũng vậy, Tết là những cuộc hành trình của cả triệu người từ các đô thị lớn, kiếm một chỗ trên xe đò, xe lửa để có thể về kịp quê nhà, nơi họ đã ra đi cả năm trời để tha phương mưu sinh.

Họ về quê ăn tết và nhu cầu về quê ăn Tết ấy thực ra là nhu cầu sum họp. Những hành trình ấy phải nói thật là rất gian khổ, không giống như người ta đi du lịch.

Chuyện kể là bị chèn ép trong những chiếc xe chật hẹp, toát mồ hôi để đến được quê nhà, đôi khi còn bị lừa đảo hay trộm cắp. Nhưng chỉ cần có một chỗ ngồi trong một cuộc hành trình sum họp ấy đối với họ đã là hạnh phúc.

Tết, đó không đơn giản là thời gian của thời tiết, cũng chẳng phải là giáp vòng quay của đất trời. Mà đó mang tính đoàn viên, cái từ Tết ấy bao hàm sự đoàn tụ, sự gặp gỡ và chia sẻ. Cái nôn nao đợi Tết không hề phân biệt hoàn cảnh hay lứa tuổi, thời gian hay không gian.

Nó tự khắc đến trong thẳm sâu lòng người, khi những ngọn gió  xuân nhẹ nhàng, khi cỏ cây tươi thắm và phố phường rực rỡ sắc hoa. Tết, để trong căn nhà rộng thênh thang trở nên chật chội, để bếp lửa đỏ hồng, để tiếng cười tiếng nói rộn rã, để bữa cơm nghe tiếng chén bát chạm nhau. Bao nhiêu đó là lòng tràn ngập niềm vui. Vì lẽ đó mà mọi người hay gọi là Tết đoàn viên, còn từ Ăn Tết cũng chỉ còn là cách gọi.

Tết, ngày mùng một là cha mẹ con cái cùng đi thăm mộ. Dừng chân ở hàng hoa trước cổng nghĩa trang mua giúp người bán hoa vài bó hoa để lên mộ, thủ sẵn ít tiền lẻ để cho mấy cô cậu bé vào ngày Tết chỉ cầm cái chổi đót, lựa ngôi mộ nào có người đến thăm là giả vờ xăng xái quét bụi như kể công.

Những mùa xa lắc đó cả nhà cùng về nhà ngoại, rồi ăn bữa cơm đầu năm cùng cả nhà ngoại, dẫu chỗ ngồi đã kín, tìm mọi cách để ngồi nhưng lòng lại rất vui.

Những mùa tết cũ trôi qua, con cái lớn lên rồi lấy chồng, ở tận Sài Gòn và Hà Nội giờ đây là xa. Để rồi đi thăm mộ chỉ còn hai vợ chồng, những bước chân đi như không đủ làm cho không gian ồn ả. Ngẫm lại thì đó là quy luật thường tình của cuộc sống, vạn vật luôn thay đổi huống chi là những mùa Tết đi qua.

May mà công nghệ hiện đại, muốn thấy mặt nhau chỉ cần vào máy, bấm nút, nhưng vẫn là khoảng cách. Còn giờ đây, ngày tết lại bắt đầu từ mùng hai tết, khi hai đứa con gái theo phong tục Việt là phải về nhà chồng trước 30 tết, sau mùng một mới về nhà mình. Để đêm ba mươi Tết căn nhà vẫn đang đợi Tết, dẫu ngoài ngõ bao người chộn rộn, bao người đã kéo nhau đi xem bắn pháo hoa.

Những ngày cuối năm, tôi hay ra sân ga xem những sum vầy, tôi ra quốc lộ xem những chuyến xe nối liền những trái tim. Và nhủ có lẽ không đất nước nào như đất nước mình, sợi dây tơ gia đình  rất thiêng liêng, tết là phải trở về, dẫu căn nhà chỉ là một mái lá đơn sơ ở một làng quê hiu quạnh.

Có thể sau đó sẽ lại bắt đầu một năm mới đầy lo toan, có thể cuộc hành trình sum họp ấy vô cùng cực nhọc. Nhưng Tết là phải trở về.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên