16/12/2015 10:02 GMT+7

Người và máy cùng đua...

KIM ANH (kimanh@tuoitre.com.vn)
KIM ANH (kimanh@tuoitre.com.vn)

TT - Với mức bình quân thu nhập của người thợ may từ 8-9 triệu đồng/tháng, tổ 2 Xí nghiệp may Thịnh Phước thuộc Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 (Tổng công ty Dệt may Gia Định) trở thành một trong những chuyền may có năng suất đứng đầu công ty.

Tổ 2 Xí nghiệp may Thịnh Phước, Công ty cổ phần May Sài Gòn 3. Trong ảnh: tổ trưởng Nguyễn Thành Trung trao đổi với công nhân Nguyễn Thị Thủy - Ảnh: K.Anh
Tổ 2 Xí nghiệp may Thịnh Phước, Công ty cổ phần May Sài Gòn 3. Trong ảnh: tổ trưởng Nguyễn Thành Trung trao đổi với công nhân Nguyễn Thị Thủy - Ảnh: K.Anh

Trong tổ cũng có nhiều “bông hồng năng suất”. Dấu ấn đó có được nhờ vào sự đoàn kết và đồng lòng của hơn 30 công nhân may trong tổ 2. Mới đây tổ 2 còn được Thành ủy TP.HCM tuyên dương về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2014-2015.

Chúng tôi phải tiết kiệm từng giây, như thế năng suất mới tăng lên để thu nhập của mọi người khá hơn. Nhờ thế cuộc sống công nhân mới được cải thiện

Anh NGUYỄN THÀNH TRUNG

Không cho máy nghỉ, không ngừng đôi tay

Tiếng máy ro ro, mọi người trong tổ thoăn thoắt đôi tay đưa những mảnh vải lướt nhanh dưới những đường kim. Không khí làm việc của tổ 2 Xí nghiệp may Thịnh Phước luôn hối hả như cả người và máy cùng chạy đua nước rút.

“Không để thời gian chết, không cho máy nghỉ” là phương châm được anh tổ trưởng Nguyễn Thành Trung truyền đến hơn 30 công nhân của chuyền may. Vừa nói chuyện, anh vừa cầm những xấp sản phẩm đã hoàn thành từng phần đến từng bàn máy “mồi” thêm cho công nhân may kịp tốc độ của chuyền, nhịp nhàng qua từng công đoạn.

“Chúng tôi phải tiết kiệm từng giây, như thế năng suất mới tăng lên để thu nhập của mọi người khá hơn. Nhờ thế cuộc sống công nhân mới được cải thiện” - anh Trung nói.

Trước khi làm tổ trưởng, anh Trung đã có hàng chục năm kinh nghiệm của một người thợ giỏi nên biết cách sắp xếp vị trí từng công nhân. Biết thế mạnh của từng người để phát huy và giúp họ khắc phục những hạn chế, những thao tác thừa của bất kỳ ai đều được anh chỉnh sửa ngay. Nhờ thế, chuyền may luôn “chạy” ro ro, không ngưng trệ hay ùn ứ ở bất kỳ khâu nào dù mỗi sản phẩm có đến hơn 150 công đoạn, mỗi công nhân đảm nhận 4-5 khâu.

“Tôi biết người thợ nào mạnh ở khâu nào sẽ bố trí họ đảm nhận khâu đấy, nếu họ làm vượt tiến độ sẽ choàng gánh thêm khâu khác để năng suất mọi người đều đạt mức cao. Khi phân công công việc mình phải công bằng với mọi người, không nên vì lý do nào mà ưu ái cho ai” - anh Trung nói thêm. Nhờ thế, anh em công nhân trong tổ luôn hòa đồng, gắn kết và hỗ trợ nhau. Ngay cả khi chuyền có người ốm đau nghỉ việc hay có công nhân mới cũng không bị ảnh hưởng gì nhiều.

Giải thích việc cô công nhân ngồi ở máy một kim may xong một xấp sản phẩm lại chạy qua máy may hai kim tiếp tục cho công đoạn tiếp của chiếc quần, anh Trung cho biết đấy là cách “chạy sô” của những ai có năng suất và tay nghề cao.

Những “bông hồng năng suất”

Những cái tên Nguyễn Thị Thủy, Lê Thị Hạnh, Nguyễn Ngọc Thắm... trong tổ 2 đã trở thành quen thuộc bởi họ luôn nằm trong tốp những “bông hồng năng suất” của chuyền, xí nghiệp và cả công ty. Họ luân phiên nhau đạt danh hiệu lao động giỏi vì thu nhập của các cô luôn đứng ở tốp đầu, khoảng 9 triệu đồng/tháng. Thậm chí có tháng các “bông hồng năng suất” đạt đến chục triệu đồng.

Nguyễn Thị Thủy là một công nhân trẻ (29 tuổi) nhưng đã có chục năm tuổi nghề. Trong tổ, Thủy luôn là một trong những công nhân “chạy sô”, một mình đảm nhận những khâu khó mà còn choàng gánh thêm các công đoạn khác...

Đang ngồi tra thun vào lưng quần, vừa hết sản phẩm Thủy nhảy qua chiếc máy bên cạnh để vắt sổ nắp túi, hết sản phẩm Thủy liền choàng xuống máy phía dưới để gắn mác cho chiếc quần. “Hôm nay chị ngồi máy này nghỉ phép, mình và vài người nữa phải tăng thêm việc để không ảnh hưởng đến cả chuyền may” - Thủy chia sẻ.

Còn “bông hồng năng suất” Lê Thị Hạnh là một trong những người đáng để anh chị em trong tổ noi theo. Kinh nghiệm của đàn chị hơn 20 năm trong nghề được chị Hạnh phát huy tối đa khi đảm nhận những công đoạn khó như vào lai, xăm lai...

Chị Hạnh chia sẻ: “Tôi không để những thao tác thừa và mỗi khi bắt đầu có đơn hàng mới tôi đều nghĩ cách sắp xếp sản phẩm từ đầu vào cho đến đầu ra thật khoa học”.

Những kinh nghiệm của các thợ giỏi đã được chia sẻ cho tất cả anh chị em trong chuyền may để năng suất ai cũng được cải thiện, hàng may ra đạt chất lượng hơn. Gặp những đơn hàng gấp, những bạn công nhân trẻ trong chuyền đồng lòng dành ngày nghỉ vào cắt chỉ hoặc sắp xếp hàng hóa để kịp tiến độ giao cho khách hàng.

“Hàng hóa của xí nghiệp đa số đều xuất khẩu sang Nhật, Mỹ... đòi hỏi rất cao về chất lượng, do vậy chúng tôi luôn kiểm tra gắt gao và thường xuyên nhắc mọi người làm việc không chỉ nhanh mà phải chuẩn” - chị Đặng Thị Bích Liễu, nhân viên KCS (kiểm tra chất lượng sản phẩm) đầu chuyền của tổ 2, chia sẻ.

Chị Trương Ngọc Mai, giám đốc Xí nghiệp may Thịnh Phước thuộc Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, cho biết: “Không khí thi đua của xí nghiệp được tính theo từng giờ, vì thế từng tổ may cũng tăng tốc để về đích sớm. Cứ sau hai giờ bộ phận kỹ thuật lại phát loa về tốc độ và năng suất của từng tổ may để mọi người điều chỉnh công việc.

Xí nghiệp có sáu tổ may thì tổ 2 trong ba quý vừa qua đều là một trong những tổ dẫn đầu của xí nghiệp, hứa hẹn quý 4 này cũng là tổ dẫn đầu. Nhiều năm qua tổ 2 luôn dẫn đầu về năng suất, chất lượng sản phẩm và mức thu nhập của anh em bình quân luôn ở mức cao (8-9 triệu đồng/tháng). Tổ 2 còn là một trong những tổ có năng suất cao của toàn công ty. Trong những lần khen thưởng nào của xí nghiệp hay công ty, tổ 2 cũng đều đạt được”.

KIM ANH (kimanh@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên