24/10/2015 09:30 GMT+7

​Bền chí nuôi ước mơ cho con

THÚY HẰNG
THÚY HẰNG

TTO - Ham học, học giỏi nhưng vì gia đình nghèo khó đã khiến những ước mơ vào giảng đường đại học trở nên xa vời đối với tân sinh viên Trương Dương Thục Nhi (xã Bình Ninh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long).

Thục Nhi giúp mẹ tưới rau
Thục Nhi giúp mẹ tưới rau - Ảnh: Thúy Hằng

Để xây ước mơ ấy, những giọt mồ hôi, nước mắt của cha mẹ đã rơi suốt 12 năm em đến trường. Giờ đây dù đã kiệt sức nhưng cha mẹ vẫn ráng tìm cách để con bước đến ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời - cánh cửa đại học.

Chiều muộn. Khi nhiều gia đình đang vui vẻ ăn bữa cơm thì trong căn nhà dột nát, chật chội của mình, hai mẹ con chị Dương Lệ Bích và Trương Dương Thục Nhi (tân sinh viên khoa Luật, trường Đại học Cần Thơ) vẫn còn loay hoay nhặt cho xong mớ rau để kịp buổi chợ khuya. Đó là số rau hai mẹ con vun vén suốt mấy tháng để có chút tiền lời.

Đều đặn mỗi ngày cứ 2g sáng, chị Bích tất bật mang rau lên xe, rồi chạy một vòng gom thêm mớ rau ở các chợ gần nhà để mang đến bán ở chợ thị trấn Trà Ôn. Mang tiếng là bán ở chợ thị trấn nhưng thực chất hàng rau của chị Bích chỉ là một manh nilông nhỏ, đặt ở ven đường, bày đủ loại rau. Có thứ bán được vài ba ngàn đồng nhưng cũng có thứ chị bán 500-1.000 đồng/bó rau để giữ mối.

Chuỗi ngày khó khăn đến với chị Bích khi chồng qua đời vào khoảng năm 2001, hai đứa con thơ còn đang tuổi ăn, tuổi ngủ. Cuộc sống ở quê chồng trở nên khó khăn hơn, ba mẹ con đùm túm nhau về ở nhờ trên mảnh đất của cha ruột. Bốn năm sau khi không còn đủ sức lo nổi cho cả hai đứa con, chị gạt nước mắt giao đứa con trai út cho người chị ruột nuôi nấng giùm.

Cái đáng giá nhất là khánh vàng Trạng nguyên

Một mẹ, một con, chị Bích bươn chải đủ nghề để nuôi đứa con gái còn lại nên người. Hết bán bánh, bán cơm rồi chuyển qua bán rau. Theo thời gian, đôi tay chị ngày càng đau nhiều hơn, các vết nứt trên tay ngày càng sâu hơn mỗi khi cầm mớ rau nhút, rau muống lên nhặt.

Thế nhưng kiếm được đồng nào chị lại chăm chút hết vào việc học của con. Chị nói trong nhà không có gì quý giá, chỉ có cái “khánh vàng” Thục Nhi giành được khi thắng cuộc thi Trạng nguyên vào năm học lớp 5 lúc nào cũng được giữ kỹ như món đồ vô giá.

“Đã lỡ không lo được cho một đứa thì đứa còn lại phải ráng lo cho nó, không để khổ như mẹ. Đời mẹ bán rau nhưng đời con thì phải khác” - chị Bích vừa nói vừa lấy tay quệt vội những giọt mồ hôi pha lẫn nước mắt đang nhễ nhại trên gương mặt.

Ngày đến thăm nhà, khi chúng tôi hỏi về khoản tiền học phí đầu năm, hai mẹ con đều lắc đầu rồi im lặng. Tranh thủ lúc mẹ bước ra ngoài xách thùng nước, Thục Nhi tâm sự: “Má mượn hết chỗ rồi mà mới có hơn một triệu đồng thôi. Cũng chưa biết phải thế nào, em không dám hỏi nhiều, sợ má buồn”.

Nhi nói tiếp: “Hôm trước ngồi nhặt rau, má vừa khóc vừa nói ráng học, đừng lo má cực. Má ráng lo chừng nào em có ngành, có nghề má chết cũng vui”.

12 năm học, không phụ lòng mẹ, Thục Nhi lúc nào cũng là học sinh xuất sắc. Ngày nào học về sớm em ghé chợ phụ mẹ bán rau. Về đến nhà, cơm nước, giặt giũ và phụ mẹ nhặt rau, tưới rau xong là Nhi lao vào mùng nằm học đến khuya.

Kỳ thi đại học này Nhi đạt số điểm khá cao - 25 điểm ở khối C. Nhi đã chọn theo ngành Luật. 

Hai mẹ con Thục Nhi nhặt rau chuẩn bị cho buổi chợ khuya
Hai mẹ con Thục Nhi nhặt rau chuẩn bị cho buổi chợ khuya - Ảnh: Thúy Hằng
THÚY HẰNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên