09/10/2015 08:27 GMT+7

Tự tìm điểm tựa cho ngày tỏa sáng

MAI VINH (maivinh@tuoitre.com.vn)
MAI VINH (maivinh@tuoitre.com.vn)

TT - Trong quay quắt đói nghèo, trong mồ côi đơn độc, nhiều sinh viên nhận ra mình cần một điểm tựa, đó chính là kinh nghiệm sống từ những năm tháng bươn chải khắp nơi để tự lo thân.

Tăng Vũ Hồng Phúc kiểm vé số cho mẹ đi bán - Ảnh: M.Vinh
Tăng Vũ Hồng Phúc kiểm vé số cho mẹ đi bán - Ảnh: M.Vinh

Già dặn hơn so với những sinh viên cùng lứa là điểm chung của những tân sinh viên đã tự mình xoay trở đi tìm điểm tựa cho cuộc đời mình, những đốm lửa của vùng đất Tây nguyên được trao học bổng “Tiếp sức đến trường” lần này.

Nghèo vẫn lo giúp bạn

So với bạn học cùng lớp tại khoa du lịch ĐH Đà Lạt, Phan Sanh Tài lớn hơn đến 5 tuổi. Số tuổi chênh là số năm Tài đi kiếm sống. Vừa ra đời (năm 1992), Tài bị bỏ rơi tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), được một vị sư nhận sau đó đưa về chùa Phước Quang (Bình Định) nuôi dưỡng. Quãng thời gian sau đó, Tài sống nhờ nhiều chùa khác nhau tại huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng).

Càng lớn, Tài càng cảm nhận được rằng mình không thể sống dựa vào nhà chùa mãi khi chùa lúc nào cũng trong tình trạng thiếu thốn. Ngẫm rằng nếu chỉ an phận trong nhà chùa, hằng ngày đi học, mình sẽ thành người vô tâm.

Tài tự lên cho mình một kế hoạch táo bạo để có một điểm tựa vào đời. Tài xác định điểm tựa đó là vốn sống mà trường học không thể nào dạy cho học sinh. Đó là vào năm lớp 8, Tài xin nghỉ học để đi làm.

Nhưng chưa bao giờ Tài định đi làm kiếm tiền mà bỏ học mãi mãi. Như lời hứa với vị sư đỡ đầu, sau hai năm đi làm, Tài quay trở lại đi học và hoàn thành chương trình cấp II bằng chính những đồng tiền mình đi làm thuê có được.

“Nói không ai tin chứ ra đến Hà Nội mình chỉ còn 30.000 đồng” - Tài bộc bạch chuyện bỏ học lần hai để đi Hà Nội làm việc.

Hai năm tại thủ đô, Tài hiểu nỗi khổ cực của những người lao động chân tay sau khi tham gia rất nhiều việc từ bốc vác, nhân viên giặt ủi cho đến phục vụ ở quán ăn. Thấm vất vả, Tài càng hiểu giá trị của việc đổi đời bằng học hành. Có trong tay hơn 20 triệu đồng, Tài quay về xin học ở trung tâm giáo dục thường xuyên, nửa tiền lo học phí, nửa giúp người bạn cùng lứa khó khăn trong lúc học ĐH.

Ngoài đi tìm vốn sống cho mình, Tài nghỉ học nhiều lần còn bởi một lý do khác, đó là đi nhiều nơi để tìm cha mẹ. “Ba mẹ có nỗi niềm nào đó mới phải dứt mình. Những khi ở chùa, thắp nén nhang, mình cầu xin ba mẹ hãy còn sống, bình an để có lần tình cờ nào đó con được gặp” - Tài nói.

Bạn Phan Sanh Tài vừa nhập học đã đi làm thêm tại một quán cà phê - Ảnh: M.Vinh
Bạn Phan Sanh Tài vừa nhập học đã đi làm thêm tại một quán cà phê - Ảnh: M.Vinh

Khó khăn làm nên sức mạnh

Trong nghèo khó, mất mát, những tân sinh viên rướn mình vươn tới để chứng minh rằng nếu đủ kiên định thì khó khăn sẽ thành sức mạnh.

Nguyễn Trung Hải Nam bước vào ĐH Bách khoa TP.HCM từ Làng SOS Đà Lạt. Khi Nam 7 tuổi, mẹ Nam qua đời. Hai năm sau cha đi biệt tích. Nam ở với gia đình bà ngoại tại huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng).

Gia đình ngoại quá nghèo khó phải gửi Nam vào sinh hoạt tại Làng trẻ em SOS Đà Lạt. Nam bảo những ngày học cấp II Nam không hề thấy áp lực gì vì vẫn còn có ngoại bên cạnh an ủi, điều kiện sống của làng SOS lại tốt. Học lực Nam khi đó chỉ xếp hạng trung bình. Nhưng năm 2011, bà ngoại mất khi Nam vừa bắt đầu năm học THPT đầu tiên. Nam hụt hẫng. Cậu học sinh ngày đó cảm giác như cả gia đình đã bỏ rơi mình, mọi thứ trống trơn. Nam toan bỏ học.

Nhưng rồi thấy mình không xứng đáng với sự cưu mang của bà ngoại, Nam lao đầu vào học để rồi kết quả học tập thay đổi khiến nhiều người ngỡ ngàng. “Không có ai bên cạnh, mình càng sợ trước ngưỡng cửa vào đời, càng sợ càng phải học để có đủ kiến thức mà sống với người ta” - Nam nói. Ngày nhận được giấy báo trúng tuyển ĐH, Nam quay về quê, đặt tấm giấy lên bàn thờ bà ngoại và mẹ thắp nhang rồi khóc.

“Chính lúc đó, cảm giác tự ti của đứa trẻ mồ côi biến mất, cảm ơn ngoại và mẹ” - Nam bật ra câu nói ấy như thể đang cảm ơn mất mát đã hun đúc cho mình một sức bật.

Gặp Tăng Vũ Hồng Phúc (sinh viên ĐH Đà Lạt) trong căn phòng ẩm thấp chừng 10m2 là nơi ở của Phúc cùng người cha bị bại liệt, người mẹ bị suy giảm trí nhớ do tai biến. Phúc đang đan len thuê thì dừng lại kiểm vé số cho mẹ chuẩn bị đi bán.

Xóm nơi Phúc ở gọi căn phòng cả gia đình quây quần là “căn phòng khốn khổ”. Khổ vậy nhưng chưa bao giờ Phúc có ý định nghỉ học. “Cơ hội cuối cùng để có tiền thang thuốc cho mẹ cha về sau là phải học để có công việc ổn định” - Phúc quyết tâm.

“Xót con, mình nhịn thuốc thang lấy tiền cho con đi học. Nó lại nói ba mẹ uống thuốc đều cho con vui con học. Tiền học thiếu tới đâu con đi làm thêm lo tới đó” - cha Phúc, ông Tăng Ngọc Tín, kể. Nhiều năm nay, sau giờ học, nếu mẹ đi bán vé số chưa về, Phúc lại đi tìm mẹ rồi lấy vé số bán phụ, cô tân sinh viên cười vui vẻ như vất vả không hề tồn tại.

Gần 1 tỉ đồng học bổng cho sinh viên Tây nguyên

Tối 9-10, báo Tuổi Trẻ phối hợp với tỉnh đoàn, sở GD-ĐT 5 tỉnh Tây nguyên và Đài PT-TH tỉnh Lâm Đồng trao 142 suất học bổng “Tiếp sức đến trường”, mỗi suất 7 triệu đồng. Học bổng thuộc chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần thứ 406 của báo Tuổi Trẻ TP.HCM.

Tổng kinh phí gồm 994 triệu đồng từ Giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” do Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, VTV9, báo Tuổi Trẻ TP.HCM và Công ty golf Long Thành phối hợp tổ chức.

MAI VINH (maivinh@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên