18/09/2015 23:56 GMT+7

Thắt lòng chuyện những tân sinh viên nghèo đất Quảng Trị

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - Tối 18-9, tại nhà văn hóa trung tâm tỉnh Quảng Trị, 158 tân sinh viên nghèo của Quảng Trị đã được nhận học bổng Tiếp sức đến trường năm 2015.

Các em tân sinh viên chụp ảnh kỉ niệm cùng đại biểu và nhà tài trợ sau lễ trao học bổng - Ảnh: Quốc Nam

Chương trình do báo Tuổi trẻ, tỉnh đoàn, hội khuyến học, Sở Giáo dục, đài PTTH và báo Quảng Trị phối hợp tổ chức.

Tham dự lễ trao, mỗi tân sinh viên đã được nhận một suất học bổng trị giá 7 triệu đồng. Tổng trị giá của học bổng này là 1 tỉ 106 triệu đồng, trong đó có 100 suất do CLB Nghĩa tình Quảng Trị tại TP HCM tài trợ, 56 suất của các nhà hảo tâm thông qua hội khuyến học Quảng Trị tài trợ, một nửa suất do bác sĩ Lê Nhân Trung - một cựu sinh viên đã từng được nhận học bổng Tiếp sức đến trường năm 2003 - đóng góp ngay trước lễ trao.

Vào những phút cuối trước khi chương trình bắt đầu, một số nhà hảo tâm trên mạng xã hội facebook đã góp thêm 1,5 suất còn lại. 

Phát biểu tại lễ trao, bà Nguyễn Thị Hồng Vân - chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Quảng Trị - cho biết để có những suất học bổng này, hàng trăm nhà hảo tâm, trong đó có hội Nghĩa tình Quảng Trị tại TP.HM, cùng những nhà hảo tâm tại Quảng Trị đã đóng góp từ mấy trăm ngàn đến mấy trăm triệu đồng cho các tân sinh viên.

Đây như là cầu nối giúp đưa các em tân sinh viên thực hiện được mơ ước đến giảng đường.

Như mọi năm, câu chuyện về những tân sinh viên có hoàn cảnh éo le nhưng vẫn vươn lên thi đậu ĐH là những câu chuyện xúc động nhất trong lễ trao học bổng.

Tôi nhớ rất rõ hôm về Trường THPT thị xã Quảng Trị theo lời giới thiệu của thấy hiệu trưởng Nguyễn Tiến Dũng. Thầy nói rằng ở đó có hai đứa học trò đều mồ côi cả cha mẹ nhưng đều đậu đại học năm nay.

Tôi về nhà em Nguyễn Đức Công, ở thôn Phú Liêu, xã Triệu Tài (Triệu Phong). Công đang ở một mình trong ngôi nhà lụp xụp từ bốn tháng nay vì mẹ bệnh nặng vừa qua đời. Bố Công mất từ bốn năm trước.

Tuy nhiên, câu chuyện về Công dù bi đát nhưng vẫn còn ấm áp hơn hoàn cảnh của em Nguyễn Thị Thu Thương, tân sinh viên ĐH Nông lâm Huế, dù gì Công vẫn còn có một người anh ở gần nhà, và một người chị đang lấy chồng và sống ở Hà Nội mà bấu víu, còn có một ngôi nhà để về, còn Thu Thương hiện đang sống đúng nghĩa của từ “bơ vơ”: không còn một ai thân thích, và cũng không có nổi một mái nhà để về.

Thương xuất hiện trên sân khấu chương trình trao học bổng Tiếp sức đến trường cùng với một người phụ nữ. Đó chính là người đã cưu mang em sau những ngày em đủ tuổi phải ra khỏi Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Trị.

Bà tên Phạm Thị Huê, sống tại thị xã Quảng Trị, chẳng bà con thân thích gì với Thương mà chỉ là mẹ của một người bạn học từ hồi cấp hai của em.

Nghe chuyện đời của Thương, tôi cứ hình dung ra cảnh một đứa trẻ lớn lên với những ngọn đèn sáng xung quanh. Nhưng khi nhận biết được ánh sáng thì từng ngọn đèn cứ tắt dần. Đến giờ quanh đứa trẻ đó chỉ còn là một màu đen ám ảnh.

Thương không có ba. Mẹ Thương người ở Gio Linh vào chợ thị xã Quảng Trị làm thuê. Cực chẳng đã không biết làm thuê gì, bà mới hàng ngày xuống sông Thạch Hãn múc nước sông gánh lên bán cho các tiểu thương trong chợ rửa đồ dùng để kiếm mỗi ngày một hai chục ngàn nuôi con.

Hai mẹ con không có nhà, không có đất ở nên được ban quản lý chợ cho che tạm một ô bằng mấy tấm tôn bên nách chợ để có chỗ che nắng che mưa. Khi Thương lên 7 tuổi thì mẹ lâm bệnh và mất. Các tiểu thương trong chợ thấy Thương bơ vơ nên gửi thương vào trung tâm bảo trợ xã hội.

Trên tấm bia tại mộ mẹ Thương hiện tại vẫn ghi người lập bia là “bà con tiểu thương chợ thị xã Quảng Trị phụng lập”.

Lớn hơn một chút Thương mới biết mình còn có một người dì ruột. Dì sống ở một xã miền núi của huyện Gio Linh nhưng cũng quá nghèo khó nên không có điều kiện tìm và cưu mang cháu. Đến năm Thương mới vô lớp 12, dì cũng lâm bệnh và mất.

Trước khi dì mất, dì khuyên Thương nên đi tìm ba cùng một vài thông tin khá mơ hồ. Vì dù sao đó bây giờ cũng là người thân duy nhất của Thương. Thương lặn lội đi tìm thông tin về ba. Bạn bè thân trong lớp biết chuyện cũng góp đứa vài chục ngàn cho Thương có lộ phí đi tìm.

Cả tháng trời Thương mới tìm được manh mối về ba mình. Ông đang sống cùng gia đình tại Vĩnh Linh, cách đó khoảng 60km.

Câu chuyện rơi nước mắt về em Nguyễn Thị Thu Thương, tân sinh viên ĐH Nông lâm Huế chia sẻ ngay trong đêm trao học bổng - Ảnh: Quốc Nam

Thương chờ đến ngày nghỉ học để ra gặp ba. Nhưng khi ra đến nhà thì mới hay ba cũng vừa mất trước đó một ngày. Thương lặng lẽ vào thắp nhang cho ba như một người quen và không hề để ai biết mình chính là con gái của người vừa khuất.

Thương chính thức bơ vơ.

Bà Huê biết hoàn cảnh của Thương từ hồi cấp hai. Khi Thương đúng 18 tuổi phải ra khỏi trung tâm bảo trợ xã hội theo quy định, bà đưa Thương về nhà mình cưu mang và coi như con gái trong nhà.

“Nhìn những gì Thương đã trải qua, tui cũng không thể cầm lòng. Nhưng tui cũng nghèo, chỉ có thể lo cho Thương bữa ăn, cho Thương chút hơi ấm gia đình mà Thương thiếu thốn...”, nói rồi bà khóc...

Chuyện về Thương cũng buồn như chuyện của Nguyễn Diệu Quỳnh, tân sinh viên Trường ĐH Nông lâm Huế. Hàng trăm người có mặt trong buổi lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường lặng người rưng rưng khi nghe Quỳnh kể chuyện của mình.

Quỳnh cũng đi nhận học bổng với mợ của mình. Bà Trần Thị Quyên là người lâu nay thường cưu mang cho mẹ con Quỳnh từng bữa cơm. 

Quỳnh vẫn còn mẹ. Tuy nhiên từ năm 4 tuổi, mẹ Quỳnh đã bị bệnh và nằm liệt giường từ đó đến nay. Hai mẹ con Quỳnh sống được mười mấy năm qua là nhờ sự cưu mang đùm bọc của bà con làng xóm.

Từ khi còn rất nhỏ Quỳnh đã phải lo bữa đi học, bữa về lo cơm nước và chăm sóc mẹ. Trước khi đi thi, Quỳnh cũng chỉ nghĩ đi thi cho vui, chứ không thể đi học, phần vì tiền không có, phần vì không thể để mẹ ở nhà một mình được, không ai cơm nước mỗi ngày.

Thương Quỳnh, bà hàng xóm đã đứng ra nhận phần việc ấy về mình để cho Quỳnh được tiếp tục giấc mơ đến giảng đường.

Em Nguyễn Diệu Quỳnh, tân sinh viên ĐH Nông lâm Huế khóc khi chia sẻ về câu chuyện của mình - Ảnh: Quốc Nam
Ông Lê Quốc Phong, chủ nhiệm câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị chia sẻ tâm sự về quá trình 12 năm kêu gọi tài trợ cho tân sinh viên nghèo Quảng Trị - Ảnh: Quốc Nam
Ông Nguyễn Đức Chính, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị trao học bổng cho tân sinh viên nghèo - Ảnh: Quốc Nam
Cũng tại lễ trao học bổng, các cựu sinh viên đã từng nhận học bổng Tiếp sức đến trường tại Quảng Trị 13 năm nay đã quyết định thành lập Ban liên lạc để kết nối tất cả những sinh viên này với nhau - Ảnh: Quốc Nam
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, chủ tịch Hội Khuyến học Quảng Trị trao học bổng cho tân sinh viên - Ảnh: Quốc Nam
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, chủ tịch Hội Khuyến học Quảng Trị trao học bổng cho tân sinh viên - Ảnh: Quốc Nam

Lá đơn đến muộn và suất học bổng bất ngờ

Cũng như những năm trước, luôn có rất nhiều điều bất ngờ đến ngay trước lễ trao học bổng. Chỉ một ngày trước khi lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường diễn ra, chúng tôi bất ngờ nhận thêm một lá đơn khẩn thiết của một phụ huynh lên xin “cứu” con mình.

Ông tên Phan Văn Tưởng, là bố của em Phan Thanh Tịnh, ở xã Triệu Tài (Triệu Phong). Tịnh vừa đậu vào trường ĐH Y dược Huế với số điểm 26. Nhà Tịnh thuộc hộ cận nghèo.

Nhưng điều ám ảnh nhất với chúng tôi chính là danh sách những đứa con học ĐH của gia đình nông dân này, kèm theo đó là một danh sách khác ghi tổng dư nợ tiền vay vốn cho sinh viên đi học của gia đình ông hiện đang ở con số 160 triệu đồng.

Nhà ông có sáu người con. Chị gái đầu đã tốt nghiệp CĐ Sư phạm Quảng Trị đã bốn năm hiện đang thất nghiệp. Con gái thứ hai tốt nghiệp ĐH Kinh tế Huế được hai năm hiện cũng thất nghiệp. Con gái thứ ba cũng vừa tốt nghiệp ĐH Kinh tế Huế mấy tháng nay và cũng đang chưa có việc làm.

Chị gái thứ tư đang học năm ba CĐ Y tế Huế. Cùng một đứa em đang học lớp 10.

Đúng lúc đó chúng tôi nhận được điện thoại của một bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị. Bác sĩ này là Lê Nhân Trung, trước ở Đông Hà, chính là một trong số rất ít những sinh viên đã từng nhận học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ lứa đầu tiên năm 2003.

Bác sĩ Trung ngỏ ý muốn góp một số tiền nhỏ để giúp lại học bổng này cho những em tân sinh viên năm nay tại Quảng Trị. Khi nghe kể câu chuyện về em Phan Thanh Tịnh, bác sĩ Trung đồng ý góp ngay 3,5 triệu đồng, tức một nửa suất học bổng cho em Tịnh.

Câu chuyện về Tịnh tiếp tục được chúng tôi đưa lên facebook. Từ những dòng thông tin sơ bộ về chuyện của Tịnh, chỉ sau một giờ, những vòng tay trên cộng đồng facebook đã ngay lập tức dang ra. Người góp một triệu, người góp 500.000 đồng. Suất học bổng thứ 157 ngoài danh sách đã ra đời như thế.

Bác sĩ Trung cũng có mặt trong buổi lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường năm nay. Anh cho biết đang học tiếp lên bác sĩ chuyên khoa 1. Nhưng nghĩ về những ngày này 12 năm trước, đã từng được học bổng này giúp đỡ để đến được giảng đường nên muốn nhân dịp này làm một điều gì đó giúp lại các em tân sinh viên nghèo như mình ngày xưa đi học.

Bác sĩ Lê Nhân Trung - cựu sinh viên từng nhận học bổng Tiếp sức đến trường năm 2003 - chia sẻ câu chuyện của mình 13 năm về trước với các em tân sinh viên - Ảnh: Quốc Nam
QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên