01/08/2015 11:02 GMT+7

3 năm, 58km đường và hơn thế nữa...

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - Trên mảnh đất Càng Long (Trà Vinh), chiến sĩ Mùa hè xanh ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) đang gấp rút để hoàn thiện những món quà trước ngày chia tay.

Chiến sĩ ĐH Bách khoa và người dân đang cùng làm con đường tại xã Phương Thạnh, huyện Càng Long (Trà Vinh) trong Mùa hè xanh 2015 - Ảnh: Q.L.
Chiến sĩ ĐH Bách khoa và người dân đang cùng làm con đường tại xã Phương Thạnh, huyện Càng Long (Trà Vinh) trong Mùa hè xanh 2015 - Ảnh: Q.L.

Đi cùng màu áo xanh tình nguyện với bà con Càng Long vào hè suốt ba năm qua là nhiều công trình mang đậm dấu ấn và công nghệ Bách khoa. Để đi đến đâu trên khắp xóm, ấp tại 14 xã, thị trấn toàn huyện cũng thấy những con đường, cây cầu bêtông, mái ấm nghĩa tình do bàn tay chiến sĩ góp công để lại.

Công trường trước ngày đóng máy

Tuần cuối của chiến dịch 2015, một số công trình đã hoàn thành nhưng cũng còn nhiều công trình khác hối hả tiếng máy trộn bêtông để kịp bàn giao trước ngày rút quân.

Năm nay, con đường do chiến sĩ Mùa hè xanh xây tặng tại xã An Trường khá đặc biệt. Đường nằm giữa một bên là thoai thoải cánh đồng, một bên là con kênh liên ấp và không một bóng cây xanh. Chưa kể các chiến sĩ còn phải đi cầu khỉ bắc ngang con kênh mới đến được công trình.

Chiến sĩ Võ Tình (khoa kỹ thuật xây dựng) nói sáng thì không sao chứ chiều các bạn phải làm trễ hơn để cái nắng dịu bớt vì cả tuyến đường không một bóng cây. Cả đội gần 50 quân chia thành hai nhánh để hoàn thành con đường dài 1.600m, mặt đường rộng 2m và dày tối thiểu 10cm. “Với tiến độ làm hiện tại, cả đội sẽ đóng máy và bàn giao kịp công trình hoàn thiện trước ngày rút quân” - Võ Tình chỉ vào phần đường còn lại chừng gần 200m nối ra quốc lộ khẳng định chắc nịch.

Trong khi đó tại công trình lớn nhất trong Mùa hè xanh năm nay ở xã Phương Thạnh, không chỉ chiến sĩ mà còn có nhiều bà con địa phương cũng hối hả chạy đua với thời gian. Bước đi trên đoạn đã hoàn thành, bà Mười Dứt (71 tuổi) cười móm mém: “Có con lộ này thiệt mừng hết sức chứ hồi đó giờ muốn bán con heo cũng phải lùa bộ ra tới đầu lộ lớn vì xe đâu có vô được, còn trái cây tụi tui bán cũng bị thương lái ép giá dữ lắm bởi vận chuyển nhiều chặng mới ra được điểm tập kết hàng của họ”.

Con đường chạy qua ấp Phú Thạnh, xã Phương Thạnh do chiến sĩ và bà con cùng làm dài gần 1,4km, mặt đường rộng 2,5m, dày 10cm, có đoạn gần 15cm, đủ sức cho xe ba gác chở hàng và cả xe hơi loại nhỏ đi qua.

Tham gia phụ làm từ ngày đầu, ông Nguyễn Hồng Thanh và ông Nguyễn Văn Sáu nói bà con phấn khởi lắm khi con đường hiện ra từng ngày vì rồi đây việc vận chuyển hàng hóa, đi lại, đến trường không phải vất vả nữa.

Lãnh đạo ấp Phú Thạnh cho biết dù lúc đầu cũng có người ý kiến này kia nhưng khi biết rõ dự án, ai cũng đồng thuận chủ trương và sẵn sàng đóng góp kinh phí để mong con đường bêtông sớm hoàn thành, nhất là khi mùa mưa đang về.

Khi “đất hóa tâm hồn”

Không thiếu những câu chuyện ân tình đã bén rễ, ăn sâu giữa bà con và chiến sĩ. Ở vùng đất này, bà con không gọi là “nuôi quân” mà dùng từ... “nuôi chứa”. Bà con lý giải khi nhận quân là “nuôi và chứa trong nhà hết chiến dịch, nhà có gì ăn nấy chứ không gửi gạo nên không gọi là nuôi quân”.

Một chi tiết nhỏ nhưng không thể không nhắc là khi có đám tang của bất kỳ người dân nào, đội hình Mùa hè xanh dù có đóng quân tại ấp đó hay không cũng sẽ đến thắp nhang chia buồn cùng gia đình.

Hôm chúng tôi trở lại con đường Phú Đức 1 và Phú Đức 2 (xã Bình Phú) do chiến sĩ làm hai năm trước, bà Năm Ảnh (ấp Phú Đức 2) nhắc: “Mấy đứa hè xanh làm cực vậy mà hổng thấy đứa nào than một câu. Năm nay mấy đứa không về ấp này thấy nhớ lắm chớ, hồi tụi nó ở đây bà con ai cũng thương hết sức”.

Bí thư Huyện đoàn Càng Long Nguyễn Chí Luyện chia sẻ hầu như chưa nghe phàn nàn gì của bất kỳ người dân nào mà toàn những lời khen vì sự lễ phép, sống kỷ luật của các chiến sĩ khi đóng quân tại đây. Nên hầu như ngày nào trên các công trình, khi thì trái cây, lúc lại bánh ít do bà con tự làm mang ra tận nơi để chiến sĩ ăn đặng lấy sức mà làm.

Phó chủ tịch UBND huyện Càng Long Ưng Hồng Hải - chỉ huy trưởng chiến dịch Mùa hè xanh của huyện - nói: “Bà con và lãnh đạo huyện rất vui khi thầy trò của trường đã tiếp sức cùng huyện trong ba mùa hè qua. Theo lịch trình của trường thì đây là năm cuối chứ bà con mong năm nào cũng được đón các bạn về đây”.

Theo ông Hải, những con đường, cây cầu do chiến sĩ Mùa hè xanh thực hiện đã hỗ trợ các xã hoàn thành tiêu chí về giao thông nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ông Ưng Hồng Hải cũng cho biết việc đối ứng, phối hợp của các xã trong chiến dịch là yêu cầu tiên quyết từ khi chiến sĩ chưa về địa bàn, mọi việc liên quan đến Mùa hè xanh luôn được ưu tiên trước hết. “Các công trình đã khắc phục việc đi lại khó khăn của bà con, đường đến trường của học sinh, giúp địa phương xây dựng hạ tầng nông thôn và đó cũng chính là tạo động lực phát triển kinh tế địa phương” - ông Hải khẳng định.

Những con số đáng nhớ

Gần 2.500 thầy cô giáo trẻ và sinh viên của trường đã làm chiến sĩ Mùa hè xanh tại Càng Long trong chiến dịch các năm 2013, 2014, 2015.

Thống kê đến thời điểm gần kết thúc Mùa hè xanh 2015, thầy trò của trường cùng lực lượng đối ứng địa phương đã làm mới hơn 58.000m đường bêtông nông thôn, sửa chữa trên 4.000m đường cũ, xây mới 15 cây cầu, sửa chữa và xây tặng 12 nhà nhân ái, nhà tình nghĩa, đồng thời sửa chữa nhiều nhà cũ cho gia đình chính sách, hộ nghèo.

Cạnh đó, các bạn còn sơn sửa một trường tiểu học, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng hơn 4km đường quê, tặng 207 bộ lọc nước sạch cho một số trường học, nhà dân. Đó là chưa kể còn nhiều hoạt động khác liên quan đến tuyên truyền, tư vấn, vận động người dân cùng nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cũng như các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho gia đình chính sách, người dân và học sinh nghèo trên toàn huyện.

“Kỷ luật thép” làm nên thương hiệu

Điều mà mỗi chiến sĩ Bách khoa nằm lòng chính là “kỷ luật thép” được áp dụng ngay sau lời tuyên bố xuất quân. Kỷ luật này được áp dụng từ ban chỉ đạo là lãnh đạo nhà trường đến các chiến sĩ là sinh viên, không ngoại lệ với cả ban chỉ huy chiến dịch của địa bàn đóng quân. Nếu vi phạm kỷ luật sẽ phải đóng tiền phạt theo quy định.

Cuối chiến dịch, số tiền phạt thu được sẽ được dùng để ủng hộ hoạt động từ thiện tại địa phương. Có năm tại mặt trận Bến Tre, số tiền phạt được trường bù thêm đủ để địa phương xây tặng nhà tình thương cho một hộ dân nghèo.

Thạc sĩ Võ Tấn Thông - phó ban chỉ đạo Mùa hè xanh ĐH Bách khoa - cho biết đi Mùa hè xanh không chỉ giúp dân mà còn là quá trình rèn luyện của chính mỗi sinh viên nên bao nhiêu năm qua kỷ luật vẫn được áp dụng nghiêm ngặt.

Điều này lý giải vì sao ngay khi Mùa hè xanh 2015 còn chưa bắt đầu, nhà trường đã nhận được “đặt hàng” của khoảng chục tỉnh nhiều khu vực cả nước mong đón chiến sĩ Mùa hè xanh Bách khoa về địa bàn mình trong mùa chiến dịch năm sau.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên