28/07/2015 11:00 GMT+7

Học cách thoát hiểm

TÂM AN
TÂM AN

TT - Thời gian gần đây, tại các trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi ở TP.HCM, nhiều bạn trẻ đi học các lớp kỹ năng thoát hiểm. Nếu trước đây mỗi lớp có 10 - 15 bạn thì nay có 40 - 50 học viên.

ThS Đào Lê Hòa An tái hiện chiêu lừa “rớt ví giữa đường” trong một khóa học thoát hiểm tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM Ảnh: TÂM AN
ThS Đào Lê Hòa An tái hiện chiêu lừa “rớt ví giữa đường” trong một khóa học thoát hiểm tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM - Ảnh: Tâm An

Tại Nhà văn hóa Phụ nữ, các buổi học về kỹ năng thoát hiểm đang tăng dần độ “nóng”.

Cách đây khoảng 2 - 3 năm, một lớp học chuyên đề thoát hiểm có số lượng học viên dao động 10 - 15 người, nhưng những tháng gần đây số lượng ấy đã tăng lên gấp đôi, gấp ba. Dù đã mở thêm các lớp học bổ sung, nhưng số lượng học viên vẫn đông hơn hẳn so với các năm trước.

Còn tại Nhà văn hóa Thanh niên, trước đây các buổi kỹ năng thoát hiểm chỉ là một phần phụ trong những khóa học kỳ quân đội hay chỉ là một chuyên đề nhỏ lẻ thì nay số lượng học viên tăng 20 - 30%.

"Nãy giờ đụng tui 80 lần rồi nha"

Tại một buổi kỹ năng thoát hiểm ở Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, bạn Xuân Anh (16 tuổi) kể chuyện của mình và nói: “Sợ nhất là gặp yêu râu xanh trên xe buýt”. Lớp học làm hoạt cảnh dựng lại tình huống này.

Buổi học sinh sinh động hẳn lên khi ThS tâm lý Đào Lê Hòa An (Hội Tâm lý học xã hội VN) bày cách: cứ nhìn thẳng vào mắt người ấy và la lớn lên: “Ê ông kia nãy giờ đụng vô người tui 80 lần rồi nha, có ý đồ gì hả?”.

Rồi thầy Hòa An giảng giải đừng ngại hay chọn cách im lặng vì như vậy sẽ thiệt thòi cho bản thân. Bạn Xuân Anh nói: “Học xong mình tự tin hẳn lên”.

Bạn Thanh Thảo (cựu học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu) kể: “Vì nhà xa nên ba mẹ sắm cho mình chiếc xe đạp điện mới toanh để thuận tiện di chuyển. Đang đi trên đường, bỗng bị hai thanh niên ép xe lại rồi nạt mình: “Mày phải là con Trang không? Mày uýnh em tao bầm mặt rồi, đi ra góc kia nhận mặt mau, nếu không phải thì thôi, nếu phải tao uýnh mày chết!”. Ban đầu mình cũng rất sợ, nhưng mình nghĩ cây ngay không sợ chết đứng nên quyết định đi theo. Tới quãng đường vắng, cậu thanh niên ngồi sau xô mình té rồi nhảy lên cướp xe. Mình chưa kịp tri hô thì họ đã chạy mất”.

Tình huống khác do Huy Hưng (19 tuổi) chia sẻ, đó là lúc trước xóm của bạn hay có mấy vụ cướp với thủ đoạn yêu cầu mình ra nhận mặt rồi nhân lúc không để ý thì xô mình té để cướp xe.

Sau khi bàn luận cùng nhau và mỗi người đưa ra những cách đối phó, ThS Hòa An chỉ “tuyệt chiêu” gồm hai bước đối phó. Thứ nhất, mình phải xác định rõ ràng là không quen người kia bằng cách la lên: “Cô ơi, chú ơi, con không quen anh này”, sau đó sử dụng bốn chữ vàng “dàn cảnh cướp xe” để vạch trần thủ đoạn của tên cướp.

“Mình muốn nhắn nhủ với các bạn, khi kêu cứu cũng cần phải có kỹ thuật, phải nhận dạng rõ tên cướp, phải dùng các từ cụ thể như: “Chú ơi, anh ơi, bác ơi giúp con”, như vậy sẽ tăng độ thuyết phục hơn” - ThS Hòa An nhấn mạnh.

Bạn Thành Hiệp (18 tuổi) kể: “Có một lần mình đi xe đạp học thêm, tầm 17g, gặp một tình huống rất nguy hiểm. Đang đạp xe trên đường, bỗng có một chú đi xe Air Blade cặp sát vào một bên xe mình và hỏi: “Cho chú hỏi đường ra nhà thờ Đức Bà”. Mình cũng nhiệt tình chỉ cặn kẽ cho chú ấy. Tưởng xong chuyện, ai ngờ chú đó hỏi tiếp: “Con đang đi đâu vậy?”. Cảm thấy hơi hoảng sợ, nhưng nhờ có đi học một khóa kỹ năng thoát hiểm nên mình cũng rất “thành thật” nói: “Dạ con đi đưa đồ cho ba con”. “Ba con làm ở đâu?” - người đàn ông lạ mặt hỏi tiếp. “Ba con làm ở công an phường nè chú, khoảng 100m nữa là tới rồi”. Nghe tới đây, ông chú đó không nói không rằng vụt xe chạy mất”.

Chuyển thế bị động sang chủ động

“Tình huống nguy hiểm có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, trong nhà, ngoài đường, nơi vắng vẻ hay những nơi rất đông đúc, nếu không đề cao cảnh giác bạn dễ dàng rơi vào bẫy và bị kẻ xấu lợi dụng” - chuyên gia huấn luyện kỹ năng thoát hiểm nhiều năm, ThS Đào Lê Hòa An cho biết.

Theo ThS Hòa An, tình huống nguy hiểm hội tụ bốn yếu tố: xảy ra bất ngờ, khó lường trước, người bị nạn thường ở thế bị động và không có kinh nghiệm ứng phó, nếu không xử trí kịp thời sẽ gây tổn hại đến tinh thần, vật chất, sức khỏe.

“Để thoát khỏi tình huống nguy hiểm, các bạn cần phải tìm cách triệt tiêu từng yếu tố nêu trên” - ThS An nói.

Tham gia những khóa học kỹ năng, các học viên cho biết họ được trang bị nhiều bài học bổ ích và các mẹo hay để tự bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh. Bà Bích Thủy (phụ huynh bạn Đăng Khoa, 14 tuổi) cho biết: “Tôi đăng ký cho con học vì bây giờ phải có nhiều kỹ năng sống mới an toàn”.

ThS Hòa An chia sẻ: “Kỹ năng thoát hiểm chính là chiếc “chìa khóa vàng” giúp các bạn hạn chế tốt nhất những tình huống hiểm nguy trong cuộc sống. Làm sao để đối phó với yêu râu xanh một cách hiệu quả? Khi phát hiện trộm vào nhà thì cần phải có những biện pháp nào? Nếu như đang đi giữa đường mà gặp cướp sẽ tri hô ra sao? Lúc rảnh rỗi, các bạn hãy tự đặt những câu hỏi như vậy và suy nghĩ những phương án hành động thích hợp nhất, để khi sự việc xảy ra chúng ta có đủ kinh nghiệm nhằm chuyển thế bị động sang chủ động”.

Mở lớp học, không còn là buổi chuyên đề

Ông Nguyễn Hồng Lâm (trưởng phòng đào tạo Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM) cho biết: “Chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng lớp học kỹ năng thoát hiểm một cách bài bản chứ không còn là những buổi chuyên đề nhỏ lẻ như trước đây. Các nội dung mà chúng tôi xây dựng là trang bị những kỹ năng ứng phó khi gặp kẻ gian đột nhập vào nhà, hỏa hoạn, chết đuối, các kỹ năng sơ cấp cứu, các thế võ tự vệ và nhiều nội dung liên quan đến tâm lý xã hội...”.

Theo ông Lâm, bên cạnh các chuyên gia tâm lý còn có các võ sư, lực lượng vũ trang, y bác sĩ... tham gia giảng dạy và huấn luyện trong những lớp học kỹ năng này.

TÂM AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên