03/07/2015 09:12 GMT+7

Trên cả những giấc mơ con

S.LÂM - H.THƯƠNG - T.TRANG - P.TUẦN - M.DUYÊN - , L.HOÀI - TH.HOÀNG
S.LÂM - H.THƯƠNG - T.TRANG - P.TUẦN - M.DUYÊN - , L.HOÀI - TH.HOÀNG

TT - Trên 900.000 thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia có lẽ cũng mang theo ngần ấy tâm sự của những người thân: ông bà, cha mẹ...

Một nhóm phụ huynh ngồi bệt xuống đất chờ con thi môn vật lý tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM trưa 2-7 Ảnh: QUANG ĐỊNH
Một nhóm phụ huynh ngồi bệt xuống đất chờ con thi môn vật lý tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM trưa 2-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dù sau kỳ thi này mỗi thí sinh sẽ chọn một lối vào đời: học tiếp lên ĐH, CĐ, học nghề, thậm chí chỉ đủ trình độ THPT rồi phải “lăn” ngay vào cuộc mưu sinh khi đã tròn 18 tuổi, vẫn không thể xa rời những tình thương với nhiều mong mỏi, nhất là với những phụ huynh nghèo.

Nhóm PV - CTV Nhịp sống trẻ đang theo dõi kỳ thi tại khắp mọi miền đất nước cùng ghi lại những tâm sự này.

Học để bớt lam lũ

- Đời làm nông của mình cơ cực quá nên mong muốn con mình học hành cho giỏi để có được cái nghề nhẹ nhàng hơn, đỡ cực hơn. Vì vậy, cháu Huyền con tui đã nghe lời tui thi vào ngành sư phạm tiểu học. Học ngành này không tốn học phí, lại nhẹ nhàng với con gái cho nó đỡ cực, đỡ lam lũ hơn so với nghề nông.

Ông Mai Văn Lợi (Tháp Mười, Đồng Tháp)

* Nhà tui có bốn công đất, nửa trồng vú sữa, nửa trồng sầu riêng. Tuy lấy giống vú sữa Lò Rèn nổi tiếng nhưng mùa vừa rồi thu cũng không được bao nhiêu. Sầu riêng vừa đâm hoa, phải năm tháng nữa mới thu hoạch được. Cả dòng họ tui không ai học quá lớp 9. Tui chẳng mong mỏi con học hành đỗ đạt to lớn gì, nhưng cũng khuyên nó ráng hết sức học đặng sau này khỏe tấm thân. Nếu nó đậu ĐH, tui bán đất phụ nuôi nó học. Không trông mong nó đem gì lại cho mình, chỉ mong nó có cái chữ để sống nhàn nhã hơn đời hai lúa tui thôi.

Ông Trần Văn Đậm (50 tuổi, đưa con trai lớn Trần Văn Navel đi thi ở Trường ĐH Tiền Giang)

* Nhà tui có 4 sào ruộng nên phải làm thuê, kiếm tiền thêm chăm chút cho con từ lúc sinh ra đến hôm nay. Hồng Lam - con gái tui - muốn vào khoa ngoại ngữ ĐH Tiền Giang để làm biên, phiên dịch kiếm tiền nuôi ba mẹ. Mình làm ruộng khổ quá. Gần nhà có chú hành nghề biên dịch trên thành phố làm có nhiều tiền lắm nên con Lam thích. Mong sao nó thi đậu được, mình ráng thêm mấy năm cho con có cái nghề tự nuôi thân về sau.

Bà Nguyễn Thị Loan (Thạnh Phú, Bến Tre)

* Con gái út Đặng Nguyệt Thùy An đi thi tại cụm thi ĐH Sài Gòn là niềm hạnh phúc của tôi. Cũng vì cái nghèo mà hai anh chị đầu của An đã sớm nghỉ học, xa nhà lên thành phố làm công nhân. Thùy An là người duy nhất trong gia đình học lên lớp 12. Vợ chồng tôi luôn buồn vì nghèo mà không thể nuôi hai đứa lớn học đến nơi đến chốn. Vì thế dù khó khăn, vất vả đến mấy hai vợ chồng cố gắng dành dụm, làm việc để đứa út học hành đàng hoàng. Lam lũ đến mấy tôi cũng chịu được, mong sao con gái út thi tốt, học lên để sau này có cuộc sống tốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Việt Anh (Thạnh Hóa, Long An)

* 20 năm nay gia đình bốn miệng ăn của tui chỉ sống phụ thuộc vào mâm bánh bò chứ không có đất canh tác. Từ khuya hai vợ chồng phải dậy làm bánh để kịp mang ra chợ bán sớm. Nhiều lúc bán ế cả nhà phải ăn bánh trừ cơm, có lẽ nhờ vậy mà hai đứa con chị tui rất ý thức học tập, đứa lớn đã học năm 2 ngành luật, đứa thứ hai là Hồ Nguyễn Phong Phúc thi ngành công an để đỡ tốn học phí. Tôi chỉ kỳ vọng vào hai đứa con, cố gắng nhắc nhở con học thật tốt để không cực khổ như ba mẹ.

Bà Trần Thị Kim (Long Hồ, Vĩnh Long)

* Nhà có vài sào ruộng trũng khi được khi mất mùa, tôi làm thợ xây, còn vợ tôi buôn thúng bán mẹt nuôi ba con ăn học. Thú thật mà nói cả ba đứa lực học bình thường, không quá giỏi giang nên tôi chẳng dám trông mong gì cao siêu. Cái mong nhất là con thi đủ điểm để vào một trường ĐH - CĐ nào đó cho thoát cảnh đồng ruộng quê mùa. Bố mẹ lam lũ cả đời rồi, con mà thi đỗ thì khổ thế này chứ khổ nữa để cho con ăn học vợ chồng chúng tôi cũng không sợ.

Ông Đào Công Bền (Thanh Oai, Hà Nội)

Mong con trưởng thành hơn

* Đưa con đi thi, điều tôi và những phụ huynh khác mong muốn nhất là con bình tĩnh, làm bài tốt và đạt điểm cao. Xa hơn là vào được trường ĐH, tìm được việc làm con yêu thích.

Cháu là một người ít nói, vui vẻ nhưng cũng tùy người tiếp xúc. Vì vậy, những bước đi tiếp theo trong cuộc sống hi vọng cháu sẽ cởi mở, hòa đồng và vững vàng hơn. Mong muốn thì nhiều nhưng dù có chuyện gì xảy ra, tôi và gia đình sẽ luôn bên cạnh để ủng hộ, tôn trọng những quyết định đúng đắn của cháu. Con cái bây giờ đâu giống như con cái trước đây, các cháu có nhiều sự lựa chọn, cách thức để thực hiện mong muốn của mình, vì vậy gia đình không bao giờ áp đặt cháu.

Bà Trương Thị Kim Mai (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

* Tôi luôn ủng hộ mọi sự lựa chọn của con vì nghĩ con đủ trưởng thành để biết mình thích cái gì, phù hợp với ngành nghề gì.

Những ngày thi, tôi tìm cách động viên và an ủi giúp cháu có tinh thần tốt để làm bài. Làm cha làm mẹ, điều mình muốn nhất là con cái thành đạt trong cuộc sống. Mặt khác, tôi cũng mong con nhớ rằng ba mẹ luôn bên cạnh, sẵn sàng chia sẻ mọi chuyện. Tôi không nặng nề quá ở kỳ thi này, hi vọng những gì lớn lao, chỉ cần con cố gắng hết sức của mình và trân trọng tình cảm của những người xung quanh.

Bà Mai Thị Yến Phương (Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai)

* Đây là lần thứ ba tôi đưa con đi thi ĐH nhưng cảm giác hồi hộp, lo lắng cho con vẫn y như lần đầu. Cháu nó ước mơ trở thành người lính biên phòng, hai năm đầu thi vào Học viện Biên phòng chỉ thiếu có một ít điểm. Năm ngoái cháu đi thực hiện nghĩa vụ quân sự, được đơn vị tạo điều kiện cho tiếp tục ôn luyện và đăng ký thi. Thấy con kiên trì với ước mơ được vào Học viện Biên phòng, người làm cha mẹ cũng chỉ biết động viên con cố gắng và sẽ làm hết sức có thể song hành với con trên hành trình hiện thực ước mơ.

Bà Mai Thị Hà (41 tuổi, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh)

Chị Lê Thị Kim Yến (phụ huynh một thí sinh từ Đồng Nai):

Con gái tôi bị bướu cổ, cháu không mạnh khỏe như các bạn bình thường. Lâu nay cháu cũng chưa lên thành phố nên đường sá không rành, với lại cháu là con gái, lên Sài Gòn lạ nước lạ cái nên để đi một mình tôi không yên tâm.

Hằng ngày tui ở nhà đi bán cá, bán rau dạo. Trước khi đi cũng được cậu mợ cháu, bà ngoại ủng hộ ít tiền động viên tinh thần và để cháu lên Sài Gòn thuê phòng trọ, ăn uống trong những ngày thi. Ở nhà anh trai nó chỉ học hết lớp 8 rồi nghỉ đi làm thợ hồ, nó là đứa đầu tiên của gia đình học hết lớp 12 đó! Nói thiệt tui muốn nó thi đậu ĐH để làm gương cho ba đứa em của nó. Bố nó mất rồi, tôi phải một mình gồng gánh lo cho các con. Còn nước còn tát, còn sức khỏe thì cứ đi bán để lấy tiền lo cho các con. À, tôi có nghe Nhà nước cho vay tiền đi học, nếu không đủ tiền thì đi vay để lo cho cháu đi học. Khi nào hết lo nổi thì vay!

QUANG PHƯƠNG ghi

* Tuy nghèo nhưng tôi hết sức lo cho con ăn học với hi vọng con mình sẽ thoát cảnh nghèo khó. Kỳ thi này mong muốn con mình đạt điểm cao để có bằng tốt nghiệp vừa được xét tuyển vào ĐH. Mấy năm nay sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều khiến tôi cũng phân vân. Con học lên ĐH thì tốn kém, mình phải chạy vạy lo toan đủ thứ, chắc chắn sẽ rất khốn khó, nhưng rồi khi ra trường liệu con có kiếm được việc làm không? Dẫu biết vậy nhưng thương con, vì tương lai và kỳ vọng cho con nên chúng tôi cam chịu, sẽ hết lòng lo cho con cái.

Bà Trần Thị Dậu (Hòn Đất, Kiên Giang) - Đ.VỊNH ghi

* Con bé nhà tôi yếu ớt từ nhỏ vì bị nhiễm trùng máu, ai cũng tưởng nó chết, may mà ráng lớn được tới ngày nay. Nhà tôi làm nông, mà con bé yếu quá làm không nổi. Tôi chỉ mong con vô được ĐH kiếm cái chữ để sau này tự lo cho bản thân thì tôi mừng lắm.

Bà Nguyễn Thị Ngọc (Đại Lộc, Quảng Nam)

* Tôi mong con vượt qua kỳ thi này một cách êm xuôi, thể hiện được bản lĩnh như những lần thi học sinh giỏi mà cháu từng tham dự. Cha mẹ luôn hi vọng và tin tưởng con cái, nhưng thi cử không thể nói trước. Dù kết quả thế nào đi nữa, cả gia đình tôi sẽ luôn ở sau lưng cháu, nhất là lần thử thách đầu đời này.

Ông Bảo Sáu (Duy Xuyên, Quảng Nam)

HOÀI GIANG - TRƯỜNG TRUNG ghi

Nét lo lắng của một phụ huynh khi chờ con mình sắp hết thời gian môn thi vật lý tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chiều 2-7  Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nét lo lắng của một phụ huynh khi chờ con mình sắp hết thời gian môn thi vật lý tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chiều 2-7 - Ảnh: Quang Định

Học vì... ruộng đồng

Tui có con trai duy nhất là Trần Thanh Phong. Với 2ha đất trồng lúa, con tui sẽ sống được nếu nó không học tiếp. Tuy nhiên, vợ chồng tui vẫn động viên nó học hành đàng hoàng. Tuy học lực của cháu không được giỏi lắm nhưng cứ để nó cố gắng. Mai đây lỡ nó không đậu vào trường ĐH nào đi nữa thì với kiến thức phổ thông có được, nó dễ dàng thay tui tiếp thu các kiến thức khoa học kỹ thuật phục vụ ruộng đồng. Bây giờ trên cánh đồng An Phong người ta đang hướng đến sản xuất lớn, cả nhà chỉ có nó mới có thể tiếp thu và theo kịp cái mới.

Ông Trần Văn Cắc (Sáu Cắc, ngụ xã An Phong, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp)

THANH TÚ ghi

Cửa ĐH lớn nhưng không phải là duy nhất

* Ông sẽ nói điều gì với con, nếu kết quả kỳ thi năm nay của cháu không được tốt như kỳ vọng?

- Ông Nguyễn Đình Hùng (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định): Cũng buồn lắm chứ, nhưng tôi sẽ giữ trong lòng. Tôi biết hơn ai hết con tôi sẽ là người chịu áp lực nhiều nhất. Trước khi đi lên Hà Nội dự thi, tôi có nói với cháu dù kết quả ra sao thì bố luôn tin con đã cố gắng hết mình. Cánh cửa ĐH tuy lớn nhưng không phải là duy nhất, có thể con sẽ phải đi qua một cánh cửa nhỏ hơn, hẹp hơn, vất vả hơn, nhưng khi vượt qua nó thì bố tin con sẽ trưởng thành. Hãy lựa chọn một ngành nghề mà con cảm thấy yêu thích nhất, bởi chúng ta sẽ không làm được gì nếu không có đam mê.

Cháu sẽ là tấm gương cho các em noi theo

* Trước khi vào phòng thi, cháu nói điều gì khiến ông xúc động nhất?

- Ông Mai Văn Cải (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định): Đợt này bố mẹ của nó phải bận giao hàng cho khách nên tôi (là ông ngoại - PV) đưa cháu lên Hà Nội dự thi. Tôi có ba người con và hiện tại có sáu đứa cháu nội, ngoại. Vũ Quang Công là cháu lớn nhất trong nhà và là đứa đầu tiên thi ĐH. Trước khi vào phòng thi, cháu có nói với tôi sẽ thi tốt và là tấm gương cho các em noi theo. Tôi cứ ừ biết vậy, chứ nói thật tôi chỉ mong chúng lớn lên khỏe mạnh, không cờ bạc, nghiện hút. Tất nhiên tôi và gia đình cũng rất mong mỏi cháu thi tốt, đỗ đạt, mang lại niềm tự hào cho gia đình.

NGUYỄN KHÁNH thực hiện

Ông bà chia sẻ

- Năm đầu tiên cháu tôi thi đỗ vào một trường ĐH nhưng cháu thấy không phù hợp, năm thứ hai lại thi thiếu 0,5 điểm. Đây là năm thứ ba tôi đưa cháu đi thi. Bố nó bị tai nạn cụt chân, còn mẹ thì làm gần một mẫu ruộng, đúng vào ngày mùa nên tôi đưa cháu đi thi để cháu vững tâm. Nguyện vọng của cháu tôi và gia đình là mong cháu làm bài tốt, có kết quả cao để xét tuyển vào Trường ĐH An ninh vì học ngành này giảm nhẹ gánh nặng cho gia đình, cũng dễ xin việc hơn.

Ông Trần Hữu Tú (70 tuổi, Nghi Lộc, Nghệ An)

- Con đang bận buôn bán nên kỳ thi này tôi đưa cháu Vũ Thị Loan đi thi để tiện chăm sóc sức khỏe, vừa động viên tinh thần cho cháu. Tôi chỉ mong cháu đạt được nguyện vọng của nó là tôi mừng rồi.

Bà Vũ Thị Thanh (66 tuổi, Đắk Song, Đắk Nông)

DOÃN HÒA - TIẾN THÀNH ghi

Chỉ có học mới thoát nghèo

Con gái tôi học cũng khá, rất lo lắng cho tương lai nên học hành rất kỹ để đi thi. Đứa con trai và con gái đầu của tôi đều đã tốt nghiệp ĐH, đi làm ổn định nên con bé quyết tâm như anh chị. Ở quê chỉ có con đường học mới thoát nghèo. Con cái nhà nào cũng vậy cả.

Ông Lê Trung Thắng (Quảng Ninh, Quảng Bình)

GIA HƯNG ghi

S.LÂM - H.THƯƠNG - T.TRANG - P.TUẦN - M.DUYÊN - , L.HOÀI - TH.HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên