22/05/2015 10:14 GMT+7

Chi đoàn giữ hồn cồng - chiêng

QUANG PHƯƠNG
QUANG PHƯƠNG

TT - Cứ tối chủ nhật hằng tuần, nhà văn hóa cộng đồng ấp Bưng Sê, xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) lại rền vang tiếng cồng, chiêng.

Ngọc Hải biểu diễn cồng chiêng trong nhà văn hóa ấp - Ảnh: Q.Phương
Ngọc Hải biểu diễn cồng chiêng trong nhà văn hóa ấp - Ảnh: Q.Phương

“Sự kiện hằng tuần” đó do các đoàn viên thanh niên dân tộc S’Tiêng sinh sống tại ấp đảm trách.

Chị Thị Hoa, bí thư chi đoàn ấp, cho biết đội cồng - chiêng của chi đoàn được thành lập năm 2013 và hiện có 11 thành viên gồm hai cô gái và chín chàng trai S’Tiêng trong độ tuổi 18-28.

“Chúng tôi là người S’Tiêng, cồng - chiêng từ lâu đã gắn liền với đời sống thường ngày nhưng đội cồng - chiêng của người S’Tiêng tại ấp đều là những người lớn tuổi. Từ thực tế đó mà đội cồng - chiêng của chi đoàn ấp ra đời”- Thị Hoa cho hay.

Nghĩ là làm, Thị Hoa bắt đầu đi vận động các đoàn viên tham gia đội. Ban đầu chỉ có vài người nhưng lâu dần thì đông lên, có tuần tới 15 bạn cùng tham gia tập luyện. Để duy trì và tạo cảm hứng cho các bạn trẻ, Thị Hoa mời già làng và những người lớn tuổi trong đội cồng - chiêng đến chỉ dạy cách đánh.

Cứ thế, tối chủ nhật hằng tuần các chàng trai, cô gái trẻ người S’Tiêng lại tập trung về nhà văn hóa cộng đồng ấp tập luyện.

Ban đầu họ học cách đánh các điệu cơ bản, sau đó bắt đầu tập những bài hát, điệu nhảy truyền thống của người S’Tiêng như: mừng lúa mới, ru con...

Đến nay mỗi khi trong ấp có sự kiện gì, đội cồng - chiêng của chi đoàn ấp lại góp vui và được người dân trong ấp ủng hộ nhiệt tình và gọi họ bằng cái tên thân thương: Đội cồng - chiêng tuổi trẻ Bưng Sê.

Điểu Ngọc Hải, một thành viên của đội, chia sẻ rằng các bạn đoàn viên thanh niên tham gia đội làm nhiều công việc khác nhau nên việc tập trung tập luyện đôi khi không đầy đủ.

“Dù vậy nhưng khi đã tham gia thì rất nhiệt tình. Với lại tiếng cồng - chiêng đã thấm vào chúng tôi từ nhỏ nên giờ mỗi khi nó vang lên là chúng tôi bị cuốn hút ngay.

Những người trẻ như chúng tôi nếu không chịu khó học hỏi, tiếp thu thì nghệ thuật cồng - chiêng của cha ông sẽ bị thất truyền”- Hải nói.

Trong khi đó ông Điểu Khem, một trong những người chỉ dẫn cho các thanh niên của ấp đánh cồng - chiêng, trăn trở:

“Trước kia lễ hội, tiệc tùng gì của đồng bào tôi chỉ có tiếng chiêng tiếng cồng, giờ đây người ta sử dụng toàn nhạc sống. Với tôi, tiếng cồng tiếng chiêng của cha ông để lại hết sức sâu lắng, nếu không truyền lại cho con cháu, lớp trẻ không học hỏi tiếp thu thì sau này những người như chúng tôi chết đi, nét đẹp truyền thống của dân tộc cũng mất theo. Phải duy trì nó chứ không là mất hết”.

Cũng theo ông Khem, khó khăn hiện tại của đội là bộ cồng chiêng đang thiếu một chiếc chiêng Chrau và một chiếc trống, vì vậy khi biểu diễn vòng hòa thanh của đội chưa thật hay.

Anh Bùi Viết Bằng, phó bí thư Xã đoàn Tân Thành, chia sẻ mô hình chi đoàn ấp bảo vệ và duy trì nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình là một mô hình khá đặc biệt của các bạn trẻ để duy trì, bảo vệ nét đẹp riêng của đồng bào S’Tiêng.

QUANG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên