19/05/2015 20:00 GMT+7

Khi đất nước bị nói xấu, bạn sẽ làm gì?

TTO (tổng hợp)
TTO (tổng hợp)

TTO - Buồn khi nghe những lời nhận xét không mấy tích cực của người nước ngoài về đất nước, con người Việt Nam.

Rác được các bạn trẻ bỏ lại sau khi kết thúc live show ca sĩ Mỹ Tâm tại sân vận động Quân khu 7, TP.HCM tối 10-11-2014 - Ảnh: Quang Định

Nhưng đằng sau nỗi buồn ấy, chúng ta cần và nên làm gì để không phải buồn thêm lần nào nữa?

Cần lắm “văn hóa thẳng”

Rất nhiều bạn đọc đã nhắc đến chữ “buồn” trong phần bình luận của mình sau bài viết “Khi đất nước tôi bị nói xấu” của tác giả Hữu Công (từ New Zealand).

Bạn đọc Lê Công Sĩ viết: "Có dịp đi xa, nghe ai đó “nói xấu” về dân tộc của mình hẳn “nghe tim mình đau nhói” là điều khó tránh khỏi".

Tuy nhiên, bạn đọc này cũng cho rằng cảm thấy buồn, cảm thấy bị xúc phạm khi ai đó nói không hay về mình là cần thiết. Tuy vậy qua sự  “xúc phạm” vô tình hay hữu ý của người khác để nhận ra cái sai, cái yếu kém nếu có của mình để khắc phục chắc chắn sẽ càng tốt hơn.

Bình luận này đã nhận được gần 400 lượt thích của bạn đọc.

Huỳnh Như (Q.7, TP.HCM) chia sẻ đã không ít lần nghe những câu chuyện tương tự về góc nhìn của người nước ngoài về những điểm chưa đẹp lắm của người Việt. “Buồn chứ. Càng buồn hơn khi biết rằng những điều họ nói là không sai”.

Cùng suy nghĩ này, bạn Đặng Duy Lân bình luận: Yêu nước và có tinh thần dân tộc thì tốt nhưng mỗi người trẻ Việt Nam hiện tại cần có tinh thần dũng cảm, tôn trọng và dám nhìn thẳng sự thật ở đất nước mình để sẵn sàng tiếp nhận những phê phán (có thể đôi khi với ngữ khí hơi nặng) và có hướng đóng góp tích cực cho sự cải thiện thực trạng.

Nhiều người cũng thẳng thẳn chỉ ra những thói quen “xấu xí” khiến hình ảnh người Việt Nam đôi khi trở nên không đẹp. Chẳng hạn việc xả rác, khạc nhổ bừa bãi, ồn ào, chen lấn, hút thuốc nơi công cộng, cướp giật, chèo kéo khách, bán hàng lừa đảo với giá cắt cổ…

“Chúng ta đừng ảo tưởng về những lời khen mà hãy nhìn trực diện vào thực tại của mình, cái thực tại đó có cả văn hóa thẳng thắn - cần lắm!”, bạn đọc Trang An viết.

Bạn đọc này thẳng thắn nhìn nhận: Hãy biết lắng nghe những điều như vậy một cách khách quan từ người nước ngoài về những thực tế đang là vấn nạn trầm trọng của đất nước thì mới trông mong vào sự tiến bộ của dân tộc trong tương lai gần. Không thể biện hộ rằng những thói hư tật xấu là vấn đề đặc trưng của một dân tộc nào đó được.

Chia sẻ suy nghĩ này, chị Thảo Nguyên (Q.Bình Thạnh) cho rằng mỗi nhận xét đều có lý do riêng và đó là ý kiến của người nói, việc tiếp nhận và xử lý nhận xét đó ra sao lại thuộc về chúng ta.

“Một điều quan trọng của việc tiếp nhận là phải thẳng thắn với chính mình, với chính những điều xấu xí tồn tại, không lẩn tránh chỉ vì hai chữ tự tôn”, chị Nguyên nói.

Bạn đọc Nguyễn Ngọc Ánh thì cho rằng “ta cũng nên cảm ơn họ vì đã thẳng thắn chỉ ra những lỗi lầm của ta để ta hoàn thiện hơn”.

Hãy tự tôn bằng hành động

Buồn, tự ái để thay đổi và làm tốt hơn, làm đẹp hơn những điều còn xấu xí là thái độ mà rất nhiều người cho rằng mình sẽ lựa chọn khi nghe những câu chuyện không hay về đất nước, con người Việt Nam từ góc nhìn của người nước ngoài.

Bởi suy cho cùng, không thể bắt ép họ nói đẹp, nói tốt nếu thực tế chúng ta không tốt, không đẹp.

“Ghi nhớ những vấn đề họ nói để thay đổi và sẽ có kết quả tốt hơn, chứ cứ vì tự ái rồi lý giải này nọ thì đến bao giờ mới khá nổi”, đó là ý kiến của bạn Nguyễn Thanh Minh.

Bạn Lâm Phương chia sẻ quan điểm tự tôn dân tộc là tốt nhưng hãy thể hiện bằng hành động chứ đừng bằng lời nói suông.

Tràn ngập rác được bỏ lại trên cầu Thủ Thiêm, TP.HCM sau khi bắn pháo hoa - Ảnh: Quang Định

Có cùng suy nghĩ này, bạn Truc Mai cho rằng nếu là người yêu nước thì không né tránh những điều này, cần tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục.

“Bạn không thể bắt những người nước ngoài tới Việt Nam khi về nước nói tốt về đất nước mình khi mà họ đã có những trải nghiệm kinh khủng ở Việt Nam được”, bạn Lâm Phương viết.

Anh Giang Thành (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết bản thân người Việt đôi khi cũng không hài lòng về hành động, cư xử của người Việt thì “làm sao ép người nước ngoài luôn luôn yêu thích, luôn luôn nói tốt về chúng ta?”.

“Chúng ta phải sống tốt hơn” là ý kiến của một độc giả. Sống tốt hơn bằng cách không xả rác bừa bãi, không đái bậy giữa đường phố, không vượt đèn đỏ, không chen chúc, học cách xếp hàng, không khạc nhổ bừa bãi...

“Chừng ấy thôi đã đủ làm người Việt đẹp lên bao nhiêu”, bạn đọc viết.

Làm gì khi đất nước bị nói xấu?

Bạn sẽ phản ứng thế nào trước những lời nhận xét không tích cực của người nước ngoài về đất nước, con người Việt Nam?

Bạn có đồng tình với quan điểm cho rằng cần nhìn thẳng vào cái chưa đẹp và triệt tiêu nó?

Bạn chọn cách gì để góp phần thay đổi cách nhìn, cách nghĩ của người nước ngoài về những điều chưa đẹp của Việt Nam?

Mời bạn cùng chia sẻ quan điểm, câu chuyện của mình về vấn đề này. Bạn có thể email đến tto@tuoitre.com.vn hoặc để lại bình luận dưới bài viết này.

TTO (tổng hợp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên