30/03/2015 09:29 GMT+7

Xin đổi chiếc xe đạp giúp cụ già nghèo

B.TRUNG - T.ĐĂNG
B.TRUNG - T.ĐĂNG

TT - “Em xin hỏi thiệt là sau đó ban tổ chức có đồng ý cho em đổi một chiếc xe đạp cũ để dư ra ít tiền giúp một cụ già nghèo trong xóm được không?”.

* Học bổng “Ngăn dòng bỏ học” và tặng xe đạp đến trường dành cho 200 học sinh khá giỏi, vượt khó tỉnh Bình Định.
* Tổ chức: báo Tuổi Trẻ và Tỉnh đoàn Bình Định
* Tài trợ: Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood.

Đó là một câu chuyện, trong chương trình trao giải học bổng “Ngăn dòng bỏ học” do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Bình Định, tặng xe đạp đến trường cho 20 học sinh vượt khó, học giỏi.

Đặng Phúc Thịnh ngoài giờ học đi làm thuê dọn cỏ lúa, cỏ mì, dọn vườn và chăm sóc một cụ già neo đơn bị bệnh tật 

Em không thích nói về khó khăn, thiếu thốn của mình đâu

Đặng Phúc Thịnh (lớp 11A2 Trường THPT Hùng Vương, Quy Nhơn) nhận được tin sẽ được tặng xe đạp trên đường đi làm cỏ lúa thuê về nhà, chỉ bộc lộ một chút băn khoăn: “Em xin hỏi thiệt là sau đó ban tổ chức có đồng ý cho em đổi một chiếc xe đạp cũ để dư ra ít tiền giúp một cụ già nghèo trong xóm được không?”.

Thịnh là con trai út trong gia đình tám người con ở vùng ven Quy Nhơn. Các anh chị đã trưởng thành phiêu bạt làm ăn khắp nơi, cũng vất vả nên ai lo phận nấy.

Thịnh sống với ba mẹ ở quê. Cách đây hai năm mẹ Thịnh bị tai biến mạch máu não. Bà con hàng xóm kẻ ít người nhiều góp cho Thịnh đưa mẹ đi nhập viện. Sau cơn thập tử nhất sinh, nằm viện gần một tháng, mẹ Thịnh thoát chết nhưng giờ chỉ quanh quẩn từ nhà trên xuống bếp, không làm được việc nặng.

Cha Thịnh cũng đã ngoài 70, sức yếu và bệnh tật, ai kêu gì làm nấy. Thịnh trở thành cánh tay phải của gia đình vừa lo chạy ăn từng bữa vừa đi học.

“Khó khăn, túng bấn là vậy nhưng 11 năm học thì Thịnh đã có thành tích chín năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi, hai năm gần đây em đạt học sinh tiên tiến” - cô Trần Thị Mùi, chủ nhiệm lớp 11A2 Trường THPT Hùng Vương, nói.

“Em không thích nói về nỗi khổ cực, thiếu thốn của mình đâu. Em còn trẻ, em tin là nếu vượt khó học tốt, em sẽ có tương lai sáng sủa thôi mà” - Thịnh luôn cười nói lạc quan.

Thầy cô, bạn bè thương yêu, cả làng xóm thương yêu và coi sự vượt khó của Thịnh như một tấm gương nhắc nhở con cái mình. Thấy vườn nhà hàng xóm bề bộn, ngập cỏ là tự vác cuốc đến dọn dẹp. Cứ lặng lẽ làm, không đòi hỏi gì, cuối ngày nhìn vườn tược sạch sẽ có người cho ba chục, có người cho năm chục ngàn.

“Em chỉ cần chừng đó hằng ngày để phụ giúp cha mẹ, em không cần nhiều hơn, bà con quanh đây nhà ai cũng nghèo, mình giúp người ta, khi nhà mình ngặt nghèo thì bà con ít nhiều chia sẻ, em nghĩ vậy thôi” - Thịnh nói.

Tháng chạp cận tết và những tháng nghỉ hè, hết làm cỏ vườn, cỏ lúa, cỏ mì cho bà con trong xóm, Thịnh xuống phố chạy bàn cà phê. Có hôm do ban ngày đi làm thuê mệt mỏi, Thịnh ngủ gật trên bàn nhưng “ngủ gật thì giật mình thức liền, mùa thi em không dám lên giường ngủ, vì dễ ngủ quên đến sáng là không thuộc bài” - Thịnh thật thà gãi đầu phân bua.

“Thịnh sống rất chia sẻ và trách nhiệm nên thầy cô thương. Các khoản thu của nhà trường nếu khoản nào miễn giảm được là miễn cho Thịnh, các thầy cô bộ môn cũng biết gia cảnh nên ai cũng miễn học phí cho Thịnh. Em cần mẫn, siêng năng và thông minh, chịu thương chịu khó, thầy cô tin rằng Thịnh sẽ có tương lai tốt đẹp nên ai cũng động viên em”- cô Mùi nói.

Hẹn Thịnh gặp lại nhau trong đêm 30-3 tại lễ trao học bổng nhưng Thịnh cứ gặng hỏi: “Cho em hỏi thiệt lòng, nhận xe đạp mới nhiều tiền quá, em có thể đổi một chiếc xe đạp cũ để dành ra ít tiền cho cụ Hoa trong xóm bồi dưỡng thuốc men được không?”.

Ông Lê An, tổ trưởng dân phố nơi Thịnh ở, cho biết gần hai năm nay sáng sớm nào Thịnh cũng chạy sang nhà bà cụ Đặng Thị Hoa (80 tuổi, vợ liệt sĩ) để bón cháo giúp bà cụ trước giờ đi học, đều đặn hằng ngày. Bà cụ Hoa già yếu, giờ đang nằm một chỗ, hoàn cảnh cũng rất neo đơn, khó khăn...

Thay mặt UBND tỉnh Bình Định, tôi đánh giá cao chương trình học bổng “Ngăn dòng bỏ học” của báo Tuổi Trẻ. Cũng như nhiều năm qua, các chương trình học bổng “Tiếp sức đến trường” dành cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, chương trình “Cùng học sinh vùng lũ trở lại trường”, “Tết cho học sinh nghèo vùng lũ”, “Trợ vốn giáo viên vùng khó khăn”, “Xây nhà ở cho học sinh dân tộc bán trú”, “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” của báo Tuổi Trẻ đã giúp thầy và trò Bình Định vượt qua khó khăn, tiếp tục bám lớp bám trường. Những chương trình này thấm đẫm ý nghĩa nhân văn sâu sắc
Ông Hồ Quốc Dũng (chủ tịch UBND tỉnh Bình Định)

Đường đến trường xa quá

Ngô Thị Sinh đan lưới thuê giúp bà nội - Ảnh: Trường Đăng

Hai em Ngô Thị Sinh (lớp 11A5 Trường THPT số 3 Tuy Phước, Bình Định) và Nguyễn Ngọc Minh (lớp 10A1 - THPT số 1 Tuy Phước, Bình Định) hằng ngày theo bạn đi xe đạp đến trường. Cả hai em đều mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Sinh đang sống với bà nội, còn Minh sống với gia đình cậu ruột. Trường cách nhà hơn 10km nên cả hai đều mơ ước có chiếc xe đạp đến trường.

“Có xe đạp em sẽ về nhà sớm hơn và đan lưới thuê nhiều hơn giúp nội. Bây giờ mỗi buổi em đan lưới thuê được 8.000 đồng, nhưng có xe đạp em sẽ về sớm hơn nên chắc chắn tiền công sẽ tăng lên 10.000-12.000 đồng” - Ngô Thị Sinh vui vẻ nói khi biết mình sẽ nhận được một chiếc xe đạp mới. Trong khi đó Nguyễn Ngọc Minh thì đan ghế mây tại nhà. Minh nhận đan ghế mây gia công gần ba năm qua.

“Gia đình cậu cũng khó khăn, cậu mợ nuôi ba đứa em ăn học nên em phải ráng làm thuê giúp cậu bớt khổ”- Minh nói.

Em Nguyễn Thị Dư (lớp 12A3 Trường THPT Nguyễn Hồng Đạo, huyện Phù Cát, Bình Định) mồ côi cha từ lúc 5 tuổi. Gần một năm qua mẹ Dư ngã bệnh hiểm nghèo, giờ nằm một chỗ không đi lại được. Chị gái Dư nghỉ học ở nhà làm thuê nuôi em.

“Tài sản của em gần chục con vịt, vài chục con gà, đó là vốn liếng để em vào đại học. Nghe tin em được nhận học bổng mẹ em mừng. Lần đầu tiên gần một năm qua em nhìn thấy mẹ cười, dù mẹ nằm liệt giường và rất đau đớn” - Dư kể.

Một người hàng xóm thương may cho Dư chiếc áo dài, Dư nói vậy là sau này vào đại học em cũng đỡ đi một khoản. “Em sẽ giữ nguyên học bổng 2 triệu đồng để vào đại học, còn tiền bán trứng gà vịt mỗi phiên chợ là để mua gạo sống qua ngày và lo thuốc thang cho mẹ” - Dư cười thật tươi...

Khởi công nâng cấp công viên Ngô Mây

100 suất học bổng (2 triệu đồng/suất) và quà tặng là 100 xe đạp (trị giá 1,5 triệu đồng/xe) được trao cho học sinh khá giỏi, vượt khó tỉnh Bình Định vào tối nay 30-3 do Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood tài trợ.

Trong dịp này vào sáng 31-3, báo Tuổi Trẻ, Tỉnh đoàn Bình Định phối hợp cùng UBND huyện Phù Cát sẽ khởi công nâng cấp công viên Ngô Mây (tại thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) với tổng kinh phí hơn 1 tỉ đồng, trong đó Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood thông qua báo Tuổi Trẻ TP.HCM đóng góp kinh phí 750 triệu đồng.

T.BÌNH

 

B.TRUNG - T.ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên