30/12/2014 09:19 GMT+7

​Trang sách chắp cánh đam mê

CÔNG NHẬT thực hiện
CÔNG NHẬT thực hiện

TT - Diễn đàn kỳ này là những chia sẻ từ bạn Nguyễn Dương Kim Hảo (lớp 8/8 Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q. Tân Bình, TP.HCM), một trong 10 “Gương mặt trẻ VN tiêu biểu 2013”.

Trẻ em đọc truyện Doraemon tại nhà sách Kim Đồng trên đường Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Bên cạnh việc đoạt rất nhiều giải thưởng tin học từ cấp thành đến toàn quốc, Hảo còn từng giành huy chương vàng sáng tạo trẻ của Malaysia, Indonesia, giải thưởng đặc biệt Viện Sáng tạo hàn lâm Hàn Quốc 2013...

* Hảo có nhớ lần đầu tiên được tiếp xúc với sách?

- Em không nhớ chính xác vì thời điểm đó em còn chưa biết mặt chữ, chỉ nhớ đó là một cuốn truyện tranh cổ tích. Lúc nhỏ đêm nào trước giờ đi ngủ mẹ cũng đọc truyện cho nghe, chi tiết nào không hiểu thì mẹ giải thích cặn kẽ. Có lẽ tình yêu sách trong em bắt nguồn từ đó.

Sau này khi đã biết mặt chữ em chủ động hơn trong việc đọc nhưng mẹ và em vẫn duy trì thói quen cùng nhau đọc sách những lúc rảnh.

“Cùng xây tủ sách thông minh” (thuộc dự án “Thư viện thông minh Samsung”) là chương trình do báo Tuổi Trẻ và Samsung VN phối hợp tổ chức.

Chương trình hướng tới việc hỗ trợ các bậc phụ huynh cách tiếp cận, hướng dẫn, khuyến khích tình yêu đọc sách ở trẻ em. Cùng với cha mẹ, “Tủ sách thông minh” sẽ là người thầy, người định hướng tương lai cho các em ngay từ khi còn nhỏ.

Các bậc phụ huynh muốn chia sẻ những câu chuyện liên quan đến việc đọc sách của con có thể gửi email về: tusachthongminh@tuoitre.com.vn.

* Ðạt được nhiều thành tích quốc tế, quốc gia các môn tin học, điện tử... vậy chắc Hảo chỉ mê đọc sách những lĩnh vực này?

- Em đọc rất nhiều loại sách khác nhau. Bên cạnh sách tin học, khoa học em cũng đọc truyện Cô tiên xanh, Tâm hồn cao thượng, Doraemon...

Vì ba em là giáo viên môn vật lý nên em được tiếp cận với sách môn học này từ lúc nhỏ, tuy không hiểu nhiều nhưng những cuốn sách này có sức hút đặc biệt với em, nhất là khi ba luôn sẵn sàng giải thích những điều em thắc mắc.

Rồi từ những cuốn sách trên, em được gợi ý về những quyển sách có nội dung liên quan và bắt đầu có thêm sở thích đọc sách về cuộc đời của các danh nhân như Bill Gates, Thomas Edison...

Nhiều người lớn cho rằng trẻ em nên hạn chế đọc truyện tranh, còn em nghĩ đó là một thế giới đầy màu sắc, ý nghĩa.

Truyện tranh ngoài yếu tố thư giãn còn giúp chúng em hình dung mọi thứ một cách sinh động, dễ hiểu hơn.

Cá nhân em học được những thông điệp không được la cà sau giờ học, phải chăm ngoan, lễ phép... từ truyện tranh. Truyện Thám tử Conan còn giúp em tập khả năng phán đoán tình huống, tư duy logic.

* Nếu cố ép Hảo đọc một cuốn sách mà Hảo không thích thì sao?

- Em nghĩ việc đọc truyện, sách phù hợp với lứa tuổi, sở thích mới có tác động tích cực. Khi bị buộc đọc những cuốn sách mà em không thích thì chỉ làm tốn thời gian vô ích.

Rất may là ba mẹ luôn để em tự do chọn sách đọc, chỉ định hướng và tư vấn thêm trong những trường hợp cần thiết. Nếu gia đình cố “rèn” em đọc sách theo ý muốn của mọi người thì chắc em đã không đạt được những thành tích như hiện tại.

* Mỗi ngày Hảo dành bao nhiêu giờ cho việc đọc sách?

- Em không đặt ra mục tiêu cụ thể mỗi ngày đọc bao nhiêu mà chỉ đọc lúc bản thân thấy thoải mái, dễ tiếp thu nhất. Ðọc đến khi nào mệt em ngừng ngay vì có cố cũng không tiếp thu được gì. Không kể thời gian dành cho sách giáo khoa thì mỗi ngày trung bình em đọc 2-3 giờ, cũng có lúc ít hơn.

* Hảo đọc nhiều như vậy thì việc học trên trường có bị ảnh hưởng?

- Ði học thì dĩ nhiên việc đọc sách giáo khoa rất quan trọng, nhưng kiến thức trong đó được cô đọng tối đa. Việc tìm hiểu thêm từ thầy cô, bạn bè và từ sách bên ngoài... giúp kiến thức của mình phong phú, hoàn thiện hơn.

Em thấy việc đọc sách hoàn toàn không ảnh hưởng đến kết quả học tập, quan trọng là biết sắp xếp thời gian hợp lý. Chẳng hạn như kết quả học kỳ I này em được xếp hạng nhất. Trong lớp em cũng có nhiều bạn ham đọc sách nhưng học vẫn rất giỏi đó thôi.

Ðọc sách, truyện nguyên ngày mà bỏ bê việc học hay cố đọc dù biết đọc xong không được gì... thì mới là điều cần tránh.

Ở dưới quê nhà em có tủ sách lớn lắm, còn trên đây vì phòng chật kín hàng hóa (Hảo và mẹ đang ở nhờ phòng của dì ruột làm nghề buôn bán quần áo) nên không có chỗ cho tủ sách. Nhưng em nghĩ điều quan trọng là mình có ý thức đọc chứ không nằm ở chỗ mình đang có bao nhiêu quyển sách, có tủ sách lớn hay nhỏ.

Nguyễn Dương Kim Hảo - Ảnh: Công Nhật
Nguyễn Dương Kim Hảo - Ảnh: Công Nhật

Không có sách, Hảo khó thể có được ngày hôm nay

Đó là khẳng định từ chị Dương Trần Thanh Thảo, mẹ Kim Hảo. Chị cho biết từ khi mới biết đánh vần Hảo đã có niềm đam mê sách kỳ lạ, luôn đòi ba mẹ dắt vào thư viện, nhà sách để được thỏa sức đọc.

Từ trải nghiệm thực tế với hai người con trai, chị Thảo cho rằng trẻ em 3-4 tuổi đã có thể hiểu được những thông điệp được gửi gắm qua trang sách.

“Khi không hiểu, con tự khắc sẽ hỏi lại. Và tập cho con làm quen với sách từ lúc nhỏ cũng là tạo cơ hội để con sớm bộc lộ khả năng sáng tạo, tự tìm tòi. Lúc Hảo còn học tiểu học ở Tiền Giang, trường không có giáo viên dạy tin học, nhà cũng chẳng có Internet nên Hảo tự tìm hiểu môn này hoàn toàn qua sách vở”, chị Thảo “tiết lộ” câu chuyện phía sau phần mềm sáng tạo từng giúp Hảo đoạt giải nhất tỉnh rồi sau đó là giải nhất Hội thi tin học trẻ toàn quốc 2012.

 

CÔNG NHẬT thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên