10/12/2014 09:00 GMT+7

​Ngày hội việc làm “ưu tiên”

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - Nhiều bạn di chuyển trên những chiếc xe lăn, có người bước không vững trên đôi chân của mình, cả những cánh tay không đủ khỏe, các bạn tìm đến ngày hội để kiếm cơ hội việc làm.

Các lao động khuyết tật trẻ tìm thông tin việc làm, đào tạo nghề tại ngày hội - Ảnh: Q.L.
Các lao động khuyết tật trẻ tìm thông tin việc làm, đào tạo nghề tại ngày hội - Ảnh: Q.L.

Cũng phải ba năm rồi mới có lại ngày hội việc làm tập trung được tổ chức đầu tháng 12 mà ban tổ chức xác định rõ ràng - ngày hội việc làm “ưu tiên người khuyết tật”.

Dù chỉ tổ chức ở cấp độ trung tâm song Trung tâm Bảo trợ, dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM (Sở Lao động - thương binh và xã hội) đã chuẩn bị đón tiếp người khuyết tật của 24 quận huyện và cả những lao động tàn tật các tỉnh đang làm việc tại TP.HCM.

Muôn nẻo tìm việc

Đáp ứng tối đa nguyện vọng

Không chỉ các bạn trẻ, nhiều lao động khuyết tật lớn tuổi cũng đến ngày hội với mong muốn tìm được việc làm, tự lo cho bản thân để không trở thành gánh nặng cho người khác. Có nhiều công việc được giới thiệu tại ngày hội: nhân viên trực tổng đài điện thoại, thiết kế đồ họa, may, thêu, bán vé máy bay, sửa chữa máy tính, điện thoại, lao động phổ thông...

Ngoài những việc có thể phỏng vấn nhận việc ngay tại chỗ, nhiều đơn vị còn ghi nhận thông tin, nguyện vọng việc làm của ứng viên để khi có công việc phù hợp sẽ liên lạc lại. Bên cạnh đó, các thông tin về ngành nghề đào tạo dành cho người khuyết tật cũng đa dạng, đi kèm với chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong quá trình học nghề cũng được nhiều bạn trẻ khuyết tật quan tâm tại ngày hội.

Đi cùng cha, anh bạn khiếm thính Đỗ Đăng Khoa (Q.7) đến ngày hội với tay nghề may và kinh nghiệm làm việc trong một vài xưởng may tư nhân.

Ông Xuân - cha của Khoa - cho biết hiện tại mỗi ngày Khoa vẫn một mình tự đi xe buýt đến xưởng may ở quận Tân Bình.

Nhưng xót con không may mắn như người ta mà cứ phải vượt quãng đường xa đi làm, ông đã xin nghỉ làm buổi sáng để dẫn con đến ngày hội hi vọng có thể tìm được nơi thuận tiện hơn, gần nhà bên Q.7 để con bớt di chuyển.

Chỉ còn cánh tay trái bình thường, bạn Đỗ Thục Quân (Q.10) cho biết vừa hoàn thành hai năm học thiết kế đồ họa. Quân đã hoàn thành chứng chỉ B tiếng Anh và có thể giao tiếp tiếng Hoa.

Điền các thông tin, Quân viết luôn mức lương mong muốn từ 3-5 triệu đồng/tháng vào phiếu tìm việc, gần mục ghi hoàn cảnh gia đình rất nghèo!

Nghe nhân viên giới thiệu còn một nhu cầu đúng công việc thiết kế đồ họa nhưng làm việc tại Thủ Đức, thoáng chút đắn đo, Quân quyết định nhận việc vì “trước nhà mình có tuyến xe buýt, chắc từ Q.10 tới Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức) cũng không xa lắm”.

Trong khi đó Nguyễn Ngọc Hân (Q.Bình Tân) cho biết cùng nhóm bạn thuê xe tìm đến ngày hội.

Phát âm khó nhọc, Hân cho biết đã hoàn thành học nghề thiết kế web, hiện đang làm việc qua mạng và mong có thể tìm được công việc tốt hơn, phù hợp thể trạng di chuyển trên xe lăn của mình.

Có bạn đến tìm việc, có người muốn chuyển đổi công việc hiện tại và không ít người đến tìm thông tin trước khi có quyết định cuối cùng và nhiều bạn khác tìm đến để chọn một nghề dành cho người khuyết tật theo học.

Mở ra nhiều cơ hội

Để có ngày hội việc làm này, nhân viên cả trung tâm tất bật nhiều tháng trước đó. Tất cả mọi thứ đều miễn phí hoàn toàn. Ngay cả chi phí thuê xe đưa người khuyết tật từ các quận đến ngày hội cũng được trung tâm hỗ trợ một phần.

Bà Nguyễn Thị Nhung - phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ, dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM - chia sẻ mong muốn lớn nhất của ngày hội là tạo ra mối liên hệ, gắn kết giữa nhà tuyển dụng với lao động khuyết tật.

“Nhà tuyển dụng dành cơ hội cho lao động khuyết tật đã quý, nếu người lao động tìm được việc ổn định cuộc sống còn quý hơn rất nhiều. Có thể doanh nghiệp không tuyển được người, lao động chưa tìm được việc thì ngày hội cũng là cơ hội tốt để cả bên đào tạo lẫn nhà tuyển dụng cùng nhìn lại công việc của mình”, bà Nhung phát biểu.

Tuy vậy, người bạn liệt hai chân Nguyễn Ngọc Hân (Q.Bình Tân) bộc bạch: “Cơ hội việc làm cho người khuyết tật vẫn gặp nhiều khó khăn vì không phải nhà tuyển dụng nào cũng mở lòng với khiếm khuyết thể chất của chúng tôi”.

Chia sẻ điều này, ông Xuân (Q.7) - phụ huynh của một bạn khuyết tật - nghĩ rằng trừ một số công việc đặc thù, nên có quy định trong luật về việc các công ty phải nhận một tỉ lệ nhất định nào đó người khuyết tật vào làm việc.

“Người khuyết tật hoàn toàn có thể làm việc, nhiều bạn khiếm thính rất khỏe nên nếu không cho họ một cơ hội làm việc là đã đánh mất sự công bằng trong xã hội”, ông Xuân nói.

Thật ra, việc giới thiệu việc làm cho người khuyết tật từ lâu đã là công việc quen thuộc mỗi ngày của trung tâm. Dù biết cơ hội không nhiều, chưa kể tâm lý làm việc của lao động khuyết tật phần lớn không ổn định, nhưng chỉ cần có bất kỳ một cơ hội nào trung tâm cũng không bao giờ bỏ qua.

Không ít lao động khuyết tật đang làm việc ổn định tại nhiều đơn vị vốn từng là học viên được trung tâm đào tạo nghề và cả tìm kiếm, giới thiệu chỗ làm sau khi ra nghề.

Bà Nguyễn Thị Nhung chia sẻ bà ao ước có được sàn giao dịch việc làm cho người khuyết tật. Ở đó, doanh nghiệp và người lao động cùng tìm đến hằng ngày, nếu doanh nghiệp tìm được người cần tìm, lao động có việc làm mong muốn thì còn gì bằng.

“Sắp tới, khi đề án trợ giúp người khuyết tật của thành phố được triển khai rộng rãi, ngày hội việc làm như thế này sẽ được tổ chức thường xuyên hơn để có nhiều cơ hội tìm việc hơn cho các lao động khuyết tật” - bà Nhung nói.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên