28/11/2014 09:44 GMT+7

​Thổi hồn vào cầu bộ hành

PHƯỚC TUẦN
PHƯỚC TUẦN

TT - Một nghiên cứu khoa học của nhóm sinh viên về cải tạo không gian cầu bộ hành ở TP.HCM vừa vào vòng chung kết Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2014.

Phương Quỳnh (phải) và Mỹ Duyên - Ảnh: P.T.

Nghiên cứu thật sự đã chạm vào thực trạng nhiều cầu bộ hành hiện nay có rất ít người dân TP.HCM sử dụng.

Những cây cầu bộ hành... khô cứng

Trước tình trạng các cầu bộ hành trên địa bàn TP.HCM xuống cấp, khô cứng về mỹ quan, an ninh trật tự không bảo đảm... khiến nhiều người dân thờ ơ ít sử dụng dẫn đến lãng phí, mất an toàn cho người tham gia giao thông, hai sinh viên Đỗ Nguyễn Phương Quỳnh và Hồ Thị Mỹ Duyên (năm 4 ĐH Văn Lang) đã quyết định phản ánh thực trạng và nghiên cứu đưa ra định hướng, giải pháp cho vấn đề này trong đề tài nghiên cứu khoa học “Cải tạo không gian cầu bộ hành ở TP.HCM”.

Nâng chất cầu bộ hành

Để có khoản kinh phí duy trì chất lượng của cầu bộ hành, nhóm sinh viên còn nghĩ ra giải pháp tận dụng quảng cáo trên cầu bằng nhiều hình thức: in trên ghế, trên mặt đường, cầu thang, vừa làm sinh động không gian cầu lại có thêm khoản lợi nhuận thu lại để chi trả vào công tác bảo vệ, vệ sinh, tưới cây... và tạo không gian cầu bộ hành thật sinh động, thoải mái.

Bạn Phương Quỳnh cho biết thành phố đã và đang triển khai các dự án phát triển phương tiện giao thông công cộng. Để sử dụng các phương tiện đó người dân phải hình thành thói quen đi bộ.

Tuy nhiên khi quan sát, phân tích, nhóm nhận thấy cầu bộ hành là một trong những mục tiêu quan trọng cần cải tạo và phát triển, vì hầu hết cầu bộ hành hiện nay không phát huy hết công năng.

Chức năng của cầu bộ hành là đảm bảo an toàn cho người đi bộ sang đường, đồng thời giúp dòng lưu thông dưới đường không bị cản trở.

Nhưng thực tế cho thấy người dân vẫn vô tư đi lại dưới lòng đường bất chấp nguy hiểm, trong khi cầu bộ hành được xây lên lại bị bỏ không.

Từ những trăn trở đó, Phương Quỳnh và Mỹ Duyên đã dành hơn sáu tháng nghiên cứu, khảo sát bức tranh toàn cảnh cầu bộ hành ở TP.HCM để đưa ra giải pháp thay đổi diện mạo mới cho cầu bộ hành, thu hút người đi bộ.

“Hầu hết cầu bộ hành phía trước các bệnh viện lớn như Ung bướu, Từ Dũ, Nguyễn Tri Phương đến các cầu ở xa lộ Hà Nội, đại lộ Võ Văn Kiệt, quốc lộ 1A... người dân vẫn ít sử dụng mà vô tư băng qua đường rất nguy hiểm. Một phần vì cầu thang dẫn lên cầu cao, dốc, thiết kế thiếu mỹ quan, rác khắp nơi, trên cầu lại là nơi thường xuyên tập trung các đối tượng hút chích ma túy, người vô gia cư, thậm chí là đối tượng giật dọc...” - Duyên nói.

Phối cảnh cầu bộ hành Nơ Trang Long của nhóm sinh viên

Không gian xanh cho cầu bộ hành

Nhóm đã thống nhất chọn cầu bộ hành trên đường Nơ Trang Long trước cổng Bệnh viện Ung bướu (Q.Bình Thạnh) để đưa ra định hướng, giải pháp cụ thể.

Phương Quỳnh cho rằng đây là cây cầu cần sự thay đổi để tạo một không gian thật thoải mái cho người thân bệnh nhân qua lại thăm nuôi...

Đường Nơ Trang Long lúc nào cũng đông đúc, xô bồ, cổng bệnh viện chật hẹp, lưu lượng người vào ra bệnh viện quá đông khiến quang cảnh nơi đây vô cùng nhốn nháo.

Trong khi đó cầu bộ hành lại xuống cấp, đầy rác thải, tệ nạn hoành hành khiến người dân rất e ngại khi đi qua cầu bộ hành.

Để tìm lối ra cho cầu bộ hành, cả hai nữ sinh viên đã đến Bệnh viện Ung bướu rất nhiều lần để khảo sát, đo đạc, thu thập các số liệu phục vụ đề tài.

“Nhiều lúc nhóm mình ở đây cả ngày quan sát cách di chuyển của người dân, có khi là để nói chuyện, tâm sự với các cô chú. Vượt qua những khó khăn đó, những bảng khảo sát về nhu cầu, thông tin của người dân dần hình thành...” - Duyên chia sẻ.

Về định hướng, nhóm muốn tạo một không gian xanh với mái che nửa kín nửa hở để vừa che nắng, vừa thoáng mát, hệ thống mái vòm hứng nước mưa phục vụ việc tưới cây bên dưới.

Trên cầu được bố trí ghế ngồi, thùng rác phân loại, sạp báo, tạp chí phục vụ người thân bệnh nhân thư giãn. Và đặc biệt có khu triển lãm, các em bé có thể vẽ tranh, ghi lại ước mơ của mình, có bảng tuyên dương các tấm gương nghị lực, vượt khó.

“Chúng mình ước chiếc cầu bộ hành khô khan vốn bị xa lánh sẽ trở thành một không gian xanh mát, dễ chịu, ai cũng muốn đi qua. Người dân có thể xem đây như một công viên mini để tạm quên nỗi lo âu về bệnh tật, nơi mọi người có thể thoải mái giao lưu với nhau, trao đổi thông tin và nâng cao kiến thức...” - Quỳnh tâm sự.

Đề tài cũng đề cập những giải pháp về mặt văn hóa - xã hội nhằm giúp nâng cao ý thức người sử dụng cầu bộ hành, tăng tính kết nối giữa cầu bộ hành và người sử dụng, giúp thay đổi quan điểm về lưu thông an toàn, ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân.

Ngoài ra đề tài cũng có phần kiến nghị cơ quan chức năng cần linh hoạt trong quản lý, bảo vệ an ninh để tệ nạn xã hội không còn tái diễn trên cầu, đảm bảo mỹ quan và an toàn cho người sử dụng cầu.

PHƯỚC TUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên