28/11/2014 09:48 GMT+7

​“Ngôi trường kỳ lạ” Minerva

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TT - Minerva là ngôi trường ĐH có “giảng đường” là bất cứ địa điểm nào thuận tiện cho người học, việc tương tác giữa sinh viên và giảng viên hoàn toàn thông qua các lớp học trực tuyến.

Các sinh viên của ĐH Minerva sẽ học và tương tác chủ yếu qua màn hình vi tính. - Ảnh: Minerva cung cấp

Là một cái tên còn khá xa lạ với người Việt nhưng ĐH Minerva (trụ sở chính tại TP San Francisco, Hoa Kỳ) lại là một mô hình giáo dục đang “gây bão” truyền thông thế giới thời gian gần đây khi liên tục xuất hiện trên các ấn phẩm của New York Times, Forbes, Business Insider... vào hè 2014.

Gọi “kỳ lạ” bởi Minerva là ngôi trường ĐH có “giảng đường” là bất cứ địa điểm nào thuận tiện cho người học, việc tương tác giữa sinh viên và giảng viên hoàn toàn thông qua các lớp học trực tuyến. Đặc biệt là mỗi lớp học chỉ tối đa 19 học viên, sinh viên sẽ vừa học vừa hoạt động ngoại khóa tại bảy quốc gia trước khi kết thúc chương trình học...

Hơn hết thảy, toàn bộ sinh viên khóa đầu tiên sẽ được học bổng hỗ trợ học phí 100% cho suốt bốn năm học.

Minerva khác với mô hình MOOC (tạm dịch: các khóa học trực tuyến đại trà mở) ở điểm MOOC là những bài giảng được ghi và phát lại, trong khi sinh viên của Minerva sẽ được học trực tiếp với giảng viên và sẽ được ở ký túc xá của trường, cùng tham gia những hoạt động ngoại khóa...

Trải qua ba tháng du học tại Minerva, bạn Nguyễn Thị Mai Thy (cựu học sinh THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM, khóa 1 tại Minerva), sinh viên Việt Nam duy nhất của trường, chia sẻ: “Tôi quyết định chọn học tại môi trường giáo dục quá mới mẻ này vì tin rằng bên cạnh những khó khăn, thử thách sẽ là cơ hội.

Và quả thật chương trình học tuy mới nhưng được xây dựng rất khoa học, tính tương tác và thực tế cao. Sinh viên chỉ học từ thứ hai đến thứ năm, khoảng thời gian còn lại để tham gia những hoạt động ngoại khóa”.

Tuy nhiên Mai Thy cũng cho rằng trường còn hạn chế về cơ sở vật chất.

Chia sẻ với NST, ông Kenn Ross (giám đốc điều hành Minerva khu vực châu Á, từng tốt nghiệp ĐH Harvard) cho biết: “Nhà trường sẽ tập trung đầu tư chủ yếu vào chất lượng bài giảng. Vì sao phải tốn tiền xây thư viện, phòng tập thể thao, phòng thí nghiệm... khi chúng ta có thể tận dụng từ những nguồn có sẵn? Bớt được những khoản trên chính là một trong những cách giảm học phí của sinh viên”.

Chính vì vậy mà dù giảng viên của ĐH Minerva phần lớn đều đến từ những trường ĐH hàng đầu như Harvard, Stanford, MIT... nhưng học phí cho những khóa học sau dự kiến chỉ khoảng 10.000 USD/năm, bằng 1/3 so với các trường ĐH khác.

Cũng theo ông Kenn, mô hình giáo dục này hiện nhận được sự hưởng ứng của các giáo sư đầu ngành, số lượng người nộp đơn để ứng tuyển vào vị trí giảng dạy chương trình đã lên tới con số hàng nghìn. Song song đó, các nhà đầu tư đã bắt đầu tin tưởng đầu tư hàng trăm triệu USD vào Minerva.

ĐH Minerva được Ben Nelson - nguyên chủ tịch dịch vụ lưu trữ, chia sẻ hình ảnh trực tuyến Snapfish - cho ra đời từ nguyện vọng xây dựng một môi trường giáo dục vừa tiết kiệm tối đa học phí vừa đảm bảo cung cấp những chuẩn mực giáo dục tốt nhất với sự hỗ trợ của công nghệ, nơi người học sẽ thật sự là “trung tâm” của chương trình.

Nghĩ là làm, ông và giáo sư thần kinh học Stephen Kosslyn (ĐH Harvard, Hoa Kỳ) đã có nhiều buổi gặp, chia sẻ và tìm hiểu với nhiều trường ĐH lớn trước khi bắt tay cho ra đời mô hình ĐH Minerva vào năm 2014.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên