27/09/2014 15:14 GMT+7

​Gia đình – tự hào giá trị Việt!

Ngô Thị Thanh Tiên (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn VN)
Ngô Thị Thanh Tiên (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn VN)

Ai cũng biết rằng gia đình là tế bào của một xã hội, các tế bào có khoẻ mạnh, hạnh phúc, vui vẻ thì xã hội mới văn minh, tiến bộ.

Ảnh : Johnny Tran

Cuộc sống ngày càng hiện đại, xã hội Việt Nam đang ở giai đoạn hội nhập văn hóa và ngày càng có nhiều cuộc hôn nhân đa quốc gia. Điều này góp phần làm phong phú văn hoá gia đình nước ta.

Tuy nhiên, cũng chính điều này đặt ra nhiều thách thức trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa gia đình Việt, cụ thể đã có rất nhiều gia đình Việt Nam bị “Tây hoá”. Dẫu vậy, vẫn còn đó rất nhiều gia đình gìn giữ được những giá trị truyền thống cao đẹp, và những giá trị đẹp đẽ ấy được lưu truyền cho các thế hệ sau.

Từ xưa đến nay gia đình truyền thống Việt Nam luôn được gắn với hình ảnh cha mẹ dành tất cả tình thương yêu cho con cháu; con cháu kính trọng, hiếu thảo, chăm sóc ông bà, cha mẹ. Anh em hoà thuận; vợ chồng thương yêu, giúp đỡ nhau, hỗ trợ nhau xây dựng hạnh phúc gia đình... Đó là một truyền thống cực kỳ quý báu.

Nếu ở phương Tây, con cái hoàn toàn độc lập với gia đình về tất cả các phương diện (tài chính, tình cảm, nghề nghiệp, cuộc sống…) khi trưởng thành thì ở Việt Nam, một gia đình có thể có đến ba, bốn thế hệ sống cùng nhau. Con trẻ thường phải xin ý kiến từ người lớn trước nhiều quyết định.

Điều này gây đôi chút cảm giác ngột ngạt, tuy nhiên theo tôi, việc xin ý kiến người đã từng có nhiều trải nghiệm là điều khôn ngoan, cũng là sợi dây nối kết các thế hệ.

Ở gia đình Việt, ông bà cha mẹ có điều kiện ở bên con cháu, quan sát và hướng dẫn con cháu tránh vấp ngã, lạc lối… Mọi người hỗ trợ nhau trong công việc và cuộc sống để cuộc sống hạnh phúc và ấm áp hơn.  Cũng nhờ sự tương thân ấy mà phụ nữ Việt Nam khi lập gia đình với người phương Tây, nếu chọn định cư ở Việt Nam thì việc sinh con và chăm sóc con gặp nhiều thuận lợi hơn khi chọn định cư ở quê hương chồng.

Nếu ở Nhật Bản hiện nay phụ nữ cho rằng việc lấy chồng sinh con là tự trói buộc tự do bản thân thì ở Việt Nam, phần đông phụ nữ quan niệm rằng lấy chồng sinh con là một sứ mệnh đầy tự hào.

Một ưu điểm nữa là ở Việt Nam, việc chăm sóc cha mẹ khi về già từ lâu đã trở thành  thước đo về giá trị con người, con cái chăm lo cho cha mẹ khi về già được hiểu là điều hiển nhiên, cha mẹ khi lớn tuổi thường được tạo điều kiện nhờ cậy vào con cháu.

Không như ở các nước phát triển, rất hiếm khi ông bà cha mẹ được sống với con cháu, họ chọn viện dưỡng lão thay vì ở chung nhà với các con và con cái cũng không muốn cha mẹ ảnh hưởng đến đời sống riêng của họ. Thế nên, ở các quốc gia này, mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình thật sự rất ít gắn bó.

Cũng ở các gia đình Việt Nam, sự chăm sóc qua lại của các anh chị em trong gia đình với nhau được thể hiện rất rõ nét. Anh chị lớn lo cho các em, từ chuyện nhỏ nhất là tiền tiêu vặt đến chuyện lớn nhất là thành gia lập thất.

Các em nghe lời dạy bảo của anh chị mình, lấy anh chị làm tấm gương để noi theo. Có những gia đình cha mẹ mất đi hoặc cha mẹ đi làm ăn xa, anh chị lớn trở thành người chăm lo cho các em như chính cha mẹ các em. Điều này thật sự rất đáng ngưỡng mộ!

Những ưu điểm trên khiến mô hình gia đình Việt Nam nổi bật và được các bạn trên thế giới quan tâm, trân trọng. Đó cũng là lý do càng về sau càng có nhiều đàn ông phương Tây chọn vợ Việt, có lẽ họ muốn có một gia đình kiểu Việt - một kiểu gia đình mà ở đó phụ nữ luôn tần tảo, chịu thương chịu khó, chăm sóc chồng con chu đáo; một gia đình mà ở đó mọi người quan tâm, chia sẻ, gắn bó với nhau; một gia đình đúng nghĩa gia đình!

Có thể nói trải qua bao nhiêu chông gai thử thách, gia đình Việt Nam vẫn bảo tồn được những giá trị truyền thống, là sự tự hào của những người dân Việt.

Chung tay lan tỏa giá trị Việt

Diễn đàn “Tự hào cùng Việt Nam” do báo Tuổi Trẻ và Samsung Việt Nam tổ chức - thuộc chương trình “Samsung tự hào cùng Việt Nam” - nhằm để bạn đọc chia sẻ những trải nghiệm, những câu chuyện tôn vinh phẩm chất, đức tính và các giá trị văn hóa của người Việt.

Đây cũng là cơ hội gạn đục khơi trong nhằm xây dựng giá trị Việt mang đậm bản sắc dân tộc, là niềm tự hào của người Việt Nam.

Thư từ, bài viết tham gia diễn đàn “Tự hào cùng Việt Nam” xin gửi về tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc qua email: tuhaovietnam@tuoitre.com.vn.

Bạn đọc cũng có thể đóng góp ý kiến, theo dõi các ý kiến, tranh luận và làm khảo sát xoay quanh chủ đề trên ở trang: tuhaovietnam.tuoitre.vn.

Ngô Thị Thanh Tiên (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn VN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên