23/10/2014 09:10 GMT+7

Mở rộng quy mô, vận hành linh hoạt

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - Nhu cầu vốn khởi nghiệp của các bạn trẻ thành phố rất lớn nên các bộ phận liên quan đã lập dự án xin tăng quy mô quỹ và tính đến việc vận hành sao cho nhanh gọn nhất.

Giờ học của các cháu nhỏ tại Trường mầm non Cầu Vồng (Q.Tân Bình) - dự án của chị Nguyễn Lê Ái Vị được vay tổng cộng 450 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp - Ảnh: Q.L.
Giờ học của các cháu nhỏ tại Trường mầm non Cầu Vồng (Q.Tân Bình) - dự án của chị Nguyễn Lê Ái Vị được vay tổng cộng 450 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp - Ảnh: Q.L.

Đến cuối nhiệm kỳ, 30 tỉ đồng đã phải xoay vòng vốn nhiều lần, đã cho vay hết và phải thu hồi nợ để hoàn trả cho thành phố.

“Hiện tại nếu có dự án muốn vay thì cũng chịu vì không còn tiền để giải ngân” - giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Trương Lý Hoàng Phi cho biết.

Cần giải ngân nhanh hơn nữa

Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp duy nhất

Đây là nguồn quỹ duy nhất hỗ trợ đối tượng thanh niên khởi nghiệp trên cả nước. Hình thức vay tín chấp và lãi suất 9,6%/năm (0,8%/tháng) cố định suốt quá trình vay, nếu so với các nguồn vốn vay khác đã ưu đãi hơn nhiều.

Ngoài việc đề xuất mở rộng quy mô quỹ, sắp tới bộ phận điều hành quỹ tính đến việc hoàn chỉnh quy trình quản lý, tăng cường giám sát, chú trọng tập huấn đội ngũ quản lý quỹ cũng như thiết kế đa dạng các chính sách, chương trình hỗ trợ vốn sao cho có thể giải quyết tốt nhất nhu cầu khởi nghiệp của thanh niên thành phố.

Thủ tục vay từ quỹ không quá phức tạp nhưng thời gian giải ngân lại khá chậm, có khi làm lỡ cơ hội và ảnh hưởng đến kế hoạch làm ăn của những bạn có nhu cầu.

Tại nhiều hội nghị khác nhau khi bàn về chuyện hỗ trợ vốn vay giúp thanh niên làm kinh tế điều này đã được nhắc đến.

Anh Trần Hữu Minh Cường (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn) đề nghị bộ phận quản lý quỹ nên tham mưu với các đơn vị sao cho thời gian thẩm định dự án và giải ngân rút ngắn hơn nữa.

Một số cán bộ Hội LHTN các quận huyện nói thời gian giải ngân có khi lên đến vài tháng là quá dài, khi nhận được vốn thì cơ hội làm ăn đã qua mất nên vô tình ý nghĩa của việc Hội muốn làm bạn đồng hành, trợ sức kịp thời cho thanh niên không đạt được.

Cùng ý kiến trên nhưng phó chủ tịch Hội LHTN huyện Bình Chánh Trương Phi Hùng cho rằng quỹ còn phải tính toán lại về mức lãi suất.

“Hiện lãi suất là 0,8%/tháng nhưng cách trả nợ lại tính mức cố định từ đầu đến cuối kỳ vay, nghĩa là sau khi đã trả một phần vốn thì người vay vẫn chịu mức lãi suất như ban đầu, như vậy có thiệt thòi cho thanh niên không?” - anh Hùng đặt câu hỏi.

Tuy quỹ do Hội LHTN VN TP.HCM quản lý và giao cho Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp chịu trách nhiệm vận hành, xét duyệt và thẩm định dự án vay, nhưng thực tế tiền lại không nằm trong tay của Hội.

“Mọi dự án sau khi vượt qua thẩm định theo quy trình, thủ tục sẽ được chuyển đến các bộ phận liên quan của thành phố chờ giải ngân. Do vậy thời gian nhanh hay chậm hoàn toàn phụ thuộc các bộ phận này mà trung tâm có muốn cũng khó lòng can thiệp sâu hơn” - chị Hoàng Phi cho biết.

Những băn khoăn xoay quanh nguồn vốn

Nhìn từ góc độ người trực tiếp điều hành quỹ, chị Trương Lý Hoàng Phi cho rằng trong các dự án khởi nghiệp phải tính đến yếu tố rủi ro, nên yêu cầu phải bảo toàn vốn từ đơn vị ủy thác nguồn vốn vay đã tạo thành áp lực không nhỏ cho nơi trực tiếp quản lý, vận hành quỹ.

Chủ tịch Hội LHTN huyện Củ Chi Nguyễn Văn Dương nói không thể tránh rủi ro trong kinh doanh và thực tế tại Củ Chi đã có dự án thất bại, dẫn đến tình trạng nợ quá hạn kéo dài, khó thu hồi vốn để xoay vòng nên “cần cân nhắc yếu tố rủi ro khi vận hành quỹ thời gian tới”.

Phần lớn các dự án vay được vốn đều ở các huyện ngoại thành và vẫn còn hai quận chưa có bất kỳ dự án nào xin vay từ nguồn quỹ này. Chủ tịch Hội LHTN VN TP.HCM Phạm Hồng Sơn nêu vấn đề:

“Có phải chỉ có thanh niên ngoại thành mới chịu làm ăn, muốn làm giàu, còn thanh niên nội thành thì không? Tôi không tin vậy. Chúng ta phải sâu sát hơn, rà lại xem liệu còn bạn trẻ nào thật sự có nhu cầu cần vốn mà họ không biết tìm ở đâu và chúng ta cũng chưa tiếp cận được để giúp các bạn không”.

Chị Nguyễn Lê Ái Vị (Q.Tân Bình) - chủ dự án Trường mầm non Cầu Vồng, được vay ba lần tổng cộng 450 triệu đồng, cũng là một trong những dự án của cá nhân được giải ngân với số vốn cao nhất - chia sẻ:

“Thật ra không ai nói trước được dự án của mình sẽ thành công hay thất bại. Điều chúng tôi cần nữa là sự động viên nhưng đúng là từ lúc vay được vốn đến giờ không thấy cán bộ Hội nào ghé hỏi thăm hay xem dự án của chúng tôi hoạt động thế nào”.

Vì thế, anh Phạm Hồng Sơn đặt vấn đề: Giúp là phải giúp một cách chân tình và sâu sắc chứ không phải trao cho các bạn cục tiền là xong, hết trách nhiệm.

Ít ra lâu lâu phải ghé qua hỏi xem các bạn làm được không, có khó khăn gì phát sinh cần hỗ trợ không. Chuyện làm ăn đâu có đơn giản, đâu phải dự án nào cũng thành công. 

Tăng quy mô lên 100 tỉ đồng

Để có cơ sở chắc chắn trước khi lập dự án xin tăng quy mô quỹ, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đã khảo sát 1.324 thanh niên. Kết quả nhận lại 1.291 phiếu nhưng tổng số vốn thanh niên có nhu cầu vay đã là 183 tỉ đồng.

“Trên cơ sở đó, chúng tôi đã lập dự án, dự kiến đưa ra bàn thảo tại đại hội sắp tới đề xuất lãnh đạo thành phố tăng quy mô quỹ lên 100 tỉ đồng, tức cao hơn ba lần con số hiện tại để có thể đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu vốn của các bạn” - chị Trương Lý Hoàng Phi cho biết.

Theo khảo sát, các bạn mong được tăng thêm số tiền cho vay, có ý kiến còn muốn vay đến 1 tỉ đồng (mức cao nhất hiện nay chỉ là 450 triệu đồng). Cũng theo khảo sát này, nhu cầu vốn khu vực ngoại thành cao hơn, khoảng 56% so với 44% của khu vực nội thành.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên