21/10/2014 11:20 GMT+7

“Sống ở Sài Gòn thì là người Sài Gòn”

LÊ VÂN
LÊ VÂN

TT - Với câu hỏi “Ai yêu Sài Gòn?”, cả không gian hàng trăm bạn trẻ đều ồ lên với tất cả những cánh tay giơ lên đồng tình.

(Ý tưởng đoạt giải nhì của bạn Nguyễn Nhật Duy) - Nguồn: Ban tổ chức

Trước đó, câu hỏi “Ai sinh ra ở Sài Gòn?” - lác đác vài cánh tay đưa lên trả lời. “Ai lớn lên ở Sài Gòn?”, nhiều hơn vài cánh tay so với câu hỏi đầu tiên.

Đó là câu chuyện của tối 19-10, khi hàng trăm bạn trẻ tại TP.HCM đã đến tham dự buổi tổng kết, trao giải cuộc thi “Sài Gòn makeover” tại một quán bar tại TP.HCM.

“Sài Gòn makeover” khởi động từ đầu tháng 4-2014, nhận được 150 bài dự thi từ các bạn trẻ đam mê thiết kế tuổi 20-30 sinh sống tại Sài Gòn. 20 tác phẩm đồ họa về kiến trúc công cộng đã được chọn để trưng bày đều có những góc nhìn độc đáo về các công trình kiến trúc công cộng xưa và nay ở Sài Gòn. Ở đó, họ đã thấy được một Sài Gòn rất lạ và dễ đồng cảm vì người tạo ra những góc nhìn lạ cho Sài Gòn cũng chính là những người trẻ.

Giải nhất đã được trao cho Phạm Duy Thiện với tác phẩm Hồ Con Rùa có rùa trị giá 10 triệu đồng. Giải nhì và giải ba trị giá 5 triệu đồng dành cho Đất lành của Nguyễn Anh Việt và Place to sit - Nơi dừng chân của Nguyễn Nhật Duy. Ba tác phẩm trên đã hội đủ các tiêu chí “có tính ứng dụng, tính cộng đồng và tính sáng tạo” cao nhất mà cuộc thi đã đề ra.

Giải thưởng cuộc thi với các bạn trẻ chỉ là những niềm vui nho nhỏ. Lớn hơn rất nhiều là cái tình của những người bạn trẻ “đặc biệt yêu Sài Gòn” theo cách của riêng mình. Triết lý giản dị sau những tác phẩm nghệ thuật kiến tạo Sài Gòn bằng nghệ thuật chính là: “Sống được ở Sài Gòn thì là người Sài Gòn”. Mục tiêu của cuộc thi là muốn góp cho các nhà quy hoạch kiến trúc tại TP.HCM một lăng kính sáng tạo về những công trình kiến trúc công cộng tại Sài Gòn, bằng đôi mắt của những người trẻ, mang sắc màu truyền thống và thật sự là kiến trúc xanh đã về đến đích.

Đó là những bồn nước bêtông trên cao, cũ kỹ nhưng đầy phong thái rất đặc trưng của Sài Gòn được khoác lên mình chiếc áo hoa văn thời Lạc Long Quân đi mở đất, hay “Hồ Con Rùa có rùa!” - tiếng reo vui của một nhiếp ảnh gia trẻ khi tìm hiểu về lịch sử hồ Con Rùa ở Sài Gòn... cho thấy còn nhiều khám phá mới mẻ cho một Sài Gòn xưa, nay đầy sáng tạo qua lăng kính của những người yêu Sài Gòn.

Một giấc mơ về kiến trúc xanh sẽ hiện hữu ở Sài Gòn trong tương lai, được kiến tạo bởi chính sức trẻ và tình yêu ở Sài Gòn hôm nay của các bạn trẻ rất đáng được ghi nhận.

Sài Gòn nổi tiếng với “văn hóa bệt”. Người Sài Gòn thích ngồi để nghỉ ngơi, để tán chuyện, hay đơn giản chỉ để chậm lại, nhìn ngắm dòng người vội vã đi qua. Tuy nhiên, tôi thấy có rất nhiều bồn cây ghi bảng “Cấm ngồi tại đây”, vì họ sợ những mảng cỏ sẽ bị hư hại.

Tôi cũng thích ngồi, tôi cũng không muốn những mảng cỏ bị hư hại. Tại sao không kết hợp cả hai lại. Một chỗ để ngồi đúng nghĩa, lại không gây hại cho những bồn cỏ kia.

Một ý tưởng nho nhỏ, người bộ hành vui, bác bảo vệ khó tính cũng vui. Từ nay bác không còn phải trông chừng những bạn trẻ hay bị mỏi chân nữa.

LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên