16/09/2014 05:10 GMT+7

​Chưa có môi trường khởi nghiệp thật sự

LÊ VÂN ghi
LÊ VÂN ghi

TT - Các chuyên gia tư vấn khởi nghiệp đánh giá độ tuổi khởi nghiệp của VN quá “già” so với cộng đồng khởi nghiệp quốc tế.

Ông Ngô Minh Hải chia sẻ kinh nghiệm với người khởi nghiệp trong Câu lạc bộ Khởi nghiệp TP.HCM - Ảnh: Lê Vân
Ông Ngô Minh Hải chia sẻ kinh nghiệm với người khởi nghiệp trong Câu lạc bộ Khởi nghiệp TP.HCM - Ảnh: Lê Vân

Câu hỏi “Bao giờ thì ước mơ “Thung lũng Silicon tại VN” thành hiện thực?” có thể được trả lời nếu khắc phục được những điểm này.

Chỉ trong tháng 8 và tháng 9-2014, giới trẻ khởi nghiệp VN đã liên tiếp được xướng tên trong các giải thưởng uy tín dành cho giới “startup” (khởi nghiệp).

Đó là chuyện dự án Babyme của Trình Quốc Tuấn (nhân vật trong bài “Gà trống và ngân hàng sữa mẹ” - Tuổi Trẻ ngày 21-6-2014).

Vượt qua 11 đối thủ, Babyme đã giành chiến thắng trong vòng chung kết Demo Day 2014 chiều 12-9 để đại diện VN tham dự cuộc thi khởi nghiệp thế giới tại Hàn Quốc.

Hay với vị trí quán quân tại cuộc thi khởi nghiệp Seedstars, Triip.Me sẽ được mời đến Geneva (Thụy Sĩ) vào tháng 2-2015 để cạnh tranh với những quán quân khác ở vòng thi chung kết toàn thế giới.

Ngoài những thành công đó, hoạt động khởi nghiệp VN còn những vấn đề gì? Ông Ngô Minh Hải, giám đốc tài chính Quỹ PVNI (Prosperous Vietnam Investment Corporation - Công ty cổ phần đầu tư VN Thịnh Vượng), chia sẻ:

Khởi nghiệp quá muộn

Khởi nghiệp hiện nay dễ dàng hơn rất nhiều so với nhiều năm trước đây. “Hệ sinh thái” hay môi trường khởi nghiệp đã hình thành. Có nhiều cánh tay của nhà đầu tư đã vươn đến cộng đồng khởi nghiệp.

Có thể đơn cử: giai đoạn ý tưởng đã có thể chia sẻ, trao đổi, mua bán ý tưởng qua sàn ý tưởng, tiếp cận thông tin qua các diễn đàn, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.

Giai đoạn hình thành và có sản phẩm dùng thử, xây dựng đội ngũ có thể tham gia các khóa đào tạo, chia sẻ nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp từ các vườn ươm.

Khi sản phẩm phát triển và cần sự phản hồi từ bên ngoài thì có thể tham gia các cuộc thi cả ở VN và quốc tế.

Khi cần vốn, hàng loạt quỹ đầu tư mạo hiểm sẵn sàng trao đổi, chia sẻ và đầu tư. Mặc dù chưa thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh và hoạt động tập trung như Thung lũng Silicon (cộng đồng khởi nghiệp Mỹ), nhưng nếu người khởi nghiệp thật sự có tiềm năng, việc tìm một bệ phóng để phát triển là chuyện cực dễ dàng.

Người VN cần cù, chăm chỉ, luôn khao khát làm giàu. Tuy nhiên, dường như nền giáo dục VN đào tạo những nhân viên làm công nhiều hơn là độc lập làm chủ.

Có thể vì thế mà khởi nghiệp của các doanh nhân VN thường bắt đầu muộn. Độ tuổi trung bình khởi nghiệp của VN nằm ở tầm 30 tuổi, lớn hơn ít nhất năm năm so với trung bình thế giới và ở Mỹ.

Trong khi nhiều doanh nhân tạo nên các tập đoàn nổi tiếng trên thế giới đều bắt đầu khởi nghiệp ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.

Đây là lúc sức trẻ, sự dấn thân, sự tin tưởng, tinh thần cộng tác... đều có thể tìm thấy ngay tại thời điểm này. Mọi tiến trình khởi nghiệp không bắt đầu từ cuộc sống sinh viên thì đều là quá muộn.

Bỏ qua nhiều câu hỏi ngay khi khởi nghiệp

Hiện tại, nhiều doanh nhân VN rất thành công trong giai đoạn chuyển mình và hội nhập bằng cách biến mình thành những “bản sao có điều chỉnh” và tự đánh giá mình là đột phá, hài lòng với những thành công không phải đến từ nội lực, mà đến từ sự “bổ sung cần thiết” cho những mô hình đã thoái trào và gần đạt tới ngưỡng khấu hao của giá trị ý tưởng.

Đó chính là lý do có hàng ngàn ý tưởng và doanh nghiệp khởi nghiệp mỗi năm tại VN, nhưng rất ít trong số đó được hỗ trợ bởi các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Khi thế giới phẳng hơn, khi nỗi lo cơm áo gạo tiền đè chết ước mong chiến lược, doanh nghiệp Việt sẽ quay lại đối mặt với vấn đề sống còn mà đáng lẽ phải được đặt ra ngay từ khi khởi nghiệp: Đâu là giá trị thật sự của doanh nghiệp? Đâu là tầm nhìn dài hạn cho việc xây dựng các giá trị do chính khách hàng công nhận?

Nếu những doanh nhân khởi nghiệp hình dung ra câu trả lời ngay từ khi khởi nghiệp, họ sẽ trở thành người cầm cái cho cuộc chơi trong mối quan hệ nhà đầu tư - doanh nhân khởi nghiệp.

Thiếu sự chuẩn bị và cọ xát

Doanh nhânVN hiện có nhiều cá nhân xuất sắc ngang tầm thế giới và họ cũng đang giữ những vị trí quan trọng trong các tập đoàn lớn toàn cầu.

Một vài điển hình tiêu biểu có thể kéo mức trung bình chất lượng của những người khởi nghiệp VN lên vị trí cao hoàn toàn theo nguyên tắc thống kê. Nhưng nếu loại trừ những trường hợp cá biệt trên, cộng đồng khởi nghiệp VN còn thiếu và yếu rất nhiều so với các nước trong khu vực cũng như thế giới.

Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng tựu trung lại có thể tổng kết thành hai nhân tố chính: thiếu sự chuẩn bị cần thiết và thiếu cọ xát. Thiếu sự chuẩn bị do thời gian đào tạo và tự đào tạo quá lâu, thiếu cọ xát do thiếu những trải nghiệm thực tế và tiếp xúc với bên ngoài.

Ví dụ, tiếng Anh mới chỉ được xem là ngoại ngữ chứ không phải là ngôn ngữ thứ hai, thiếu cập nhật thông tin (nguyên bản tiếng Anh), thiếu phản biện, thiếu tầm nhìn đã làm hạn chế những lợi thế khi người VN có sẵn sự thông minh, khéo léo, chăm chỉ và đặc biệt là linh hoạt và sáng tạo.

Nếu không phát huy được những phẩm chất trên, sẽ chỉ đầy rẫy những sản phẩm “sao chép” và những doanh nhân suốt ngày loay hoay với cơm áo gạo tiền.

Mọi người đều nhắc tới Silicon Valley tại VN cả chục năm nay nhưng có vẻ như nó vẫn đang nằm đâu đó manh mún chứ không trở thành một thực thể sờ được, tiếp xúc được và mang lại hiệu quả. Khi tìm kiếm website www.siliconvalley.com, có thể thấy được bản đồ, website, danh sách các công ty, các quỹ đầu tư họ có thể tiếp xúc và cả với mọi nguồn lực cần thiết.

Nhưng tại VN, có lẽ chỉ là một vài bài báo và một vài chủ trương có nhắc đến. Chỉ đến khi nào người khởi nghiệp VN có thể tự tin lựa chọn nhà đầu tư mạo hiểm cho chính họ thay vì ngược lại, đó mới là hệ sinh thái khởi nghiệp thật sự và là một Silicon Valley VN có thật.

LÊ VÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên